Cách lập dự toán ngân sách của Việt Nam bị chuyên gia đánh giá là “chẳng giống ai” và gần như khép kín với rất ít sự tham góp ý của các đơn vị độc lập.
Đây là ý kiến được phó giáo sư, tiến sỹ Vũ Sỹ Cường (Học viện Tài chính) nêu lên tại tọa đàm “Công khai minh bạch ngân sách Nhà nước” tổ chức sáng 27/10. Tọa đàm do Trung tâm Nghiên cứu Truyền thông Phát triển và Liên minh Minh bạch ngân sách tổ chức.
Thiếu phản biện?
Nói rõ hơn về ý kiến của mình, ông Cường cho rằng, Việt Nam là một trong những nước hiếm hoi coi chỉ số tăng trưởng kinh tế là chỉ số mang tính pháp định để tính dự toán ngân sách. Điều này theo ông đồng nghĩa là cơ quan chức năng buộc phải lấy chỉ số này là căn cứ để tính số thu chi ngân sách năm sau mặc dù những con số này chưa chắc có thể thực hiện được.
Điều này theo ông dẫn tới hệ lụy là nếu tăng trưởng kinh tế tốt thì không sao vì điều này giúp có nguồn thu tốt. Tuy nhiên, nếu mức tăng trưởng kinh tế không đạt so với kế hoạch thì sức ép lên thu ngân sách ngược lại sẽ rất lớn. Khi “túi tiền” gặp khó, ông Cường cho rằng, cơ quan chức năng sẽ phải tìm tới những nguồn thu không ổn định và đó là thách thức không nhỏ.
Theo kinh nghiệm của mình, vị chuyên gia kinh tế này cho rằng, ở các nước, căn cứ tính dự toán ngân sách không coi tăng trưởng kinh tế là chỉ số mang tính pháp lệnh. Con số tính toán trong dự toán theo ông có thể “du di” được chứ không nhất thiết phải “chốt” cứng. Việc chốt con số theo ông có “cái dở” là tới cuối năm nếu không đạt lại phải xin điều chỉnh.
Đây là những vấn đề theo ông cần thay đổi. “Quốc hội không nên cố định con số tăng trưởng bao nhiêu, chỉ trong khoảng bao nhiêu thôi. Bộ Tài chính từ đó có quyền lấy con số nào để tính số thu, chi,” ông Cường lên tiếng.
Một vấn đề khác làm ông Cường băn khoăn là quy trình làm dự toán của Việt Nam hiện hầu như chỉ khép kín. Điều này tức là chỉ có các cơ quan Nhà nước làm dự toán còn việc tham vấn các tổ chức, chuyên gia là ít hay thậm chí không có.
Quy trình trên theo ông là khá trái ngược so với các nước trên thế giới. Ở nhiều nước, quy trình lập dự toán ngân sách sẽ bao gồm cả sự phản biện của các chuyên gia. Điều này theo ông nhằm giúp giảm sai số trong dự toán.
Trong khi ấy ở Việt Nam, đại diện Học viện Tài chính cho rằng, ngay cả khi mời các chuyên gia phản biện thì một vấn đề khác là dữ liệu để đánh giá… có vấn đề.
Để đánh giá được dự toán theo ông cần phải có con số thu, chi cụ thể từng lĩnh vực. Điều này vẫn được nhiều nước trên thế giới công khai như thu từ các khu vực nông nghiệp, công nghiệp là bao nhiêu, thu từ doanh nghiệp lớn ra sao, khoản thu từ các doanh nghiệp nhỏ như thế nào,…
Trong khi ấy, những con số này ở Việt Nam theo ông là “có biết đâu mà đánh giá.”
Quy trình lạc hậu
Cũng về dự toán ngân sách nhưng bà Dương Thị Việt Anh, Giám đốc điều hành Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) nhắc tới việc, theo Luật Ngân sách Nhà nước hiện hành, báo cáo dự toán ngân sách Nhà nước phải được công khai chậm nhất là 5 ngày làm việc kể từ ngày Chính phủ gửi đại biểu Quốc hội.
Tuy nhiên, điều này vẫn chưa được thực hiện với dự toán ngân sách năm 2017 vừa được Chính phủ gửi tới các đại biểu Quốc hội.
Bà cũng nhắc lại việc Việt Nam chỉ đạt 18 trên thang điểm 100 về mức độ minh bạch ngân sách trong cuộc khảo sát công bố hồi đầu năm nay. Cuộc khảo sát được Tổ chức Hợp tác Ngân sách Quốc tế (IBP) thực hiện trong 18 tháng (tháng 3/2014 đến tháng 9/2015) tại 102 quốc gia trong đó có Việt Nam.
“Công khai dự thảo ngân sách chiếm số điểm lớn trong vòng khảo sát minh bạch ngân sách. Năm nay ta vẫn không công khai dự thảo dự toán thì tôi băn khoăn về chỉ số công khai minh bạch ngân sách năm tiếp theo,” đại diện CDI nói.
Sự chậm trễ ấy cũng được ông Vũ Sỹ Cường (Học viện Tài chính) nhấn mạnh lại. Theo ông, hệ thống ngân sách của Việt Nam hiện vẫn lồng ghép 4 cấp, từ Trung ương tới tỉnh, huyện, xã.
Điều này đồng nghĩa là các cấp phải đợi tổng hợp thu, chi từ xã, tới huyện rồi mới chuyển lên các cấp cao hơn. Quá trình này theo ông thông thường phải tốn tới 4-5 tháng. Quy trình này có điểm lợi là đảm bảo tính thống nhất nhưng ông cũng chỉ ra mặt trái là lạc hậu, trùng lặp và đặc biệt tốn thời gian.
“Nước khác thì Trung ương chỉ làm dự toán phần của Trung ương và phần chia cho địa phương. Các địa phương chia ra sao là việc của các địa phương. Trung ương không chờ địa phương tổng hợp,” ông nói./.