WB nỗ lực mở rộng khả năng cho vay để giải quyết biến đổi khí hậu

Ngân hàng Thế giới sẽ đàm phán với các cổ đông trước các cuộc họp vào tháng 4/2023 về các đề xuất bao gồm tăng vốn và các công cụ cho vay mới để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
WB nỗ lực mở rộng khả năng cho vay để giải quyết biến đổi khí hậu ảnh 1Cánh đồng cối xay gió ở gần Palm Springs, California, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngân hàng Thế giới (WB) đang tìm cách mở rộng đáng kể khả năng cho vay để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và các cuộc khủng hoảng toàn cầu khác, đồng thời sẽ đàm phán với các cổ đông trước các cuộc họp vào tháng 4/2023 về các đề xuất bao gồm tăng vốn và các công cụ cho vay mới.

Thông tin trên được đưa ra trong một tài liệu về lộ trình hoạt động được WB gửi tới các chính phủ cổ đông.

Tài liệu đánh dấu sự khởi đầu của quá trình đàm phán về thay đổi sứ mệnh và nguồn tài chính của WB, giúp ngân hàng quốc tế này rời khỏi mô hình cho vay theo quốc gia và dự án cụ thể vốn được sử dụng kể từ khi WB được thành lập vào cuối Thế chiến thứ hai.

Theo tài liệu, ban lãnh đạo WB đặt mục tiêu đưa ra các đề xuất cụ thể về thay đổi sứ mệnh, mô hình hoạt động và năng lực tài chính để WB và Ủy ban Phát triển Quỹ Tiền tệ Quốc tế phê duyệt vào tháng 10.

Tài liệu cho hay WB sẽ khám phá các lựa chọn như một cách thức tăng vốn mới, thay đổi cơ cấu vốn để cho vay nhiều hơn, cùng các công cụ tài chính mới như bảo lãnh cho các khoản vay của khu vực tư nhân và những cách thức khác để huy động thêm nguồn vốn tư nhân.

Tuy nhiên, WB nhấn mạnh họ sẽ không khuất phục trước yêu cầu của một số tổ chức phi lợi nhuận về việc từ bỏ xếp hạng tín dụng được sử dụng lâu nay để tăng cường cho vay.

WB cho biết các đề xuất đang được xem xét bao gồm giới hạn cho vay theo luật định cao hơn, yêu cầu về tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên khoản vay thấp hơn và sử dụng vốn có thể thu hồi - khoản tiền được các chính phủ thành viên cam kết nhưng chưa nộp, để cho vay.

Các chuyên gia cho rằng sự thay đổi này sẽ làm tăng đáng kể quy mô cho vay so với cơ cấu vốn hiện tại, vốn chỉ sử dụng các khoản đã nộp vào quỹ.

Tài liệu còn cảnh báo rằng việc nhu cầu cho vay ngày một lớn đối với các dự án chống biến đổi khí hậu, chăm sóc sức khỏe, an ninh lương thực và các nhu cầu khác có thể yêu cầu WB tăng nguồn vốn để nâng cao năng lực của đơn vị cho vay dành cho nhóm nước thu nhập trung bình, Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế (IBRD).

WB cho hay khoản tăng vốn 13 tỷ USD của IBRD vào năm 2018 nhằm chuẩn bị cho một cuộc khủng hoảng quy mô vừa trong một thập kỷ, chứ không phải nhiều cuộc khủng hoảng chồng chéo bao gồm đại dịch COVID-19, xung đột ở Ukraine và tác động của việc gia tăng biến đổi khí hậu.

[Chệch hướng trong mục tiêu kiềm chế Hành tinh Xanh tăng nhiệt]

Tài liệu của WB cho biết “bộ đệm tài chính” để đối phó với các cuộc khủng hoảng của IBRD có thể sẽ cạn kiệt vào giữa năm 2023.

Một đề xuất khác là các quốc gia cổ đông của WB tăng cường đóng góp định kỳ cho quỹ cho vay dành cho các nước nghèo nhất thế giới, Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA). Nguồn vốn cho quỹ này đã giảm trong những năm gần đây mặc dù nhu cầu ngày càng tăng.

Lộ trình cũng đưa ra lựa chọn thành lập một quỹ ủy thác cho vay ưu đãi mới dành cho các quốc gia có thu nhập trung bình. Quỹ này sẽ tập trung vào hàng hóa phục vụ lĩnh vực công toàn cầu và có cấu trúc tương tự như IDA, với việc dòng vốn bổ sung sẽ tách biệt với cơ cấu vốn của ngân hàng.

WB cũng lưu ý việc đảm bảo tăng cường hỗ trợ tài chính cho các dự án khí hậu đồng thời duy trì kết quả phát triển tốt sẽ cần thêm nhân viên và nguồn ngân sách thể chế tài chính này, vốn đã giảm 3% theo giá trị thực trong 15 năm qua.

Nhưng nhóm hoạt động vì môi trường Friends of the Earth cho biết những đề xuất này chưa đủ mạnh và các cổ đông của WB cần đảm bảo bên cho vay không phải là "một phần của vấn đề"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục