Yếu tố Nga trong chính sách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Ấn Độ

Những nỗ lực của Ấn Độ phù hợp với chiến lược "Xoay trục sang châu Á" của Nga được đưa ra năm 2014, sau khi quan hệ của Moskva với Mỹ và châu Âu “chạm đáy” do cuộc khủng hoảng Crimea.
Yếu tố Nga trong chính sách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Ấn Độ ảnh 1Ngày 6/12 tại New Delhi, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (phải) hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái), khẳng định mối quan hệ Ấn Độ-Nga là một mô hình độc đáo và đáng tin cậy của tình hữu nghị giữa các quốc gia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 7/12, trang orfonline.org đăng bài viết của Raj Kumar Sharma - chuyên gia tư vấn Khoa Khoa học Chính trị của trường Đại học Mở Quốc gia Indira Gandhi ở New Delhi (Ấn Độ) - với tiêu đề "Yếu tố Nga trong chính sách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Ấn Độ."

Nội dung bài viết như sau:

Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã nổi lên là một trong những khu vực gây tranh cãi giữa Ấn Độ và Nga kể từ khi New Delhi tỏ thái độ sẵn sàng tham gia và thực hiện một số bước định hình cấu trúc chiến lược này.

Trong bối cảnh hợp tác Ấn-Nga phát triển nhanh chóng với cuộc đối thoại 2+2 lần đầu tiên và sau đó là hội nghị thượng đỉnh song phương lần thứ 21, việc phân tích yếu tố Nga trong chính sách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Ấn Độ sẽ là điều rất cần thiết.

Đến nay, hai bên đã có một cơ sở nhận thức chung, đó là do Ấn Độ có mối quan hệ thân thiết với Mỹ nên chính sách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của New Delhi hoàn toàn đồng bộ với chính sách của Washington. Tuy nhiên, điều đó khác xa so với thực tế.

Có nhiều mâu thuẫn trong cách hiểu của Ấn Độ và Mỹ về khái niệm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương:
Đầu tiên, đối với Mỹ, phạm vi địa lý của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương dừng lại ở bờ biển phía Tây Ấn Độ, trong khi Ấn Độ coi Tây Á và Đông Phi là một phần của khu vực này.

Thứ hai, Ấn Độ rất coi trọng khu vực này vì họ là một cường quốc trên bộ và trên biển. Tuy nhiên, Mỹ không hề tỏ ra nhạy cảm trước thực tế này, bằng chứng là họ đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với Iran và gây áp lực buộc Ấn Độ hạn chế quan hệ với Tehran.

Thứ ba, Mỹ dành nhiều ưu tiên hơn cho Thái Bình Dương, trong khi các ưu tiên trước mắt của Ấn Độ lại nằm ở Ấn Độ Dương. Mỹ hậu thuẫn Australia thông qua thỏa thuận an ninh ba bên Australia-Anh-Mỹ (AUKUS) nhằm nới lỏng một số áp lực chiến lược lên chính nước này bằng cách chuyển giao công nghệ tàu ngầm hạt nhân, đồng thời để Canberra đóng một vai trò quan trọng hơn ở Thái Bình Dương.

Quan hệ hợp tác quân sự Ấn-Nga là một trong những lý do chính khiến Ấn Độ miễn cưỡng và không muốn chứng kiến hoạt động quân sự thực chất thông qua nhóm Bộ tứ. Việc coi Bộ Tứ như “NATO châu Á” là không phù hợp, và điều này được chứng tỏ qua việc Bộ tứ vẫn là một nhóm phi quân sự, trong khi việc tăng cường sức mạnh quân sự hiện giờ do AUKUS thực hiện.

Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và nhóm Bộ tứ không trực tiếp chống lại Nga và không có bất kỳ tác động đáng kể nào đến an ninh của nước này. Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ (được giải mã vào tháng 1/2021) cho rằng Trung Quốc - chứ không phải Nga - mới là mối đe dọa an ninh trong khu vực, mặc dù Moskva vẫn là một nhân tố bên lề trong cấu trúc Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương so với Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ.

Nga coi các sáng kiến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và nhóm Bộ tứ là một phần trong mâu thuẫn với Mỹ, và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã nhiều lần chỉ trích các sáng kiến này.

Tháng 12/2020, ông cho rằng phương Tây đang thúc đẩy Ấn Độ đóng một vai trò quan trọng trong các chính sách "chống Trung Quốc" như Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và nhóm Bộ tứ. Tuy nhiên, các nước không mong chờ những tuyên bố như vậy từ một đối tác chiến lược như Nga, đồng thời coi đây là thất bại của Moskva khi đánh giá cao những lo ngại về an ninh của Ấn Độ đối với Trung Quốc.

Sau đó, Lavrov đã xoa dịu những lo ngại của Ấn Độ bằng cách nói rằng Nga không muốn có bất kỳ hiểu lầm nào với Ấn Độ về vấn đề này.

Ấn Độ không ngừng nỗ lực lôi kéo Nga trong việc hình thành cấu trúc Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Trong chuyến thăm Nga hồi tháng 7/2021, Ngoại trưởng Ấn Độ Jaishankar nhấn mạnh nước này muốn Nga hiện diện và tham gia tích cực hơn ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, vốn đi ngược với mục tiêu chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ.

Trước đó, trong cuộc trao đổi tại Câu lạc bộ Valdai (tháng 8/2019), Jaishankar nhấn mạnh rằng Ấn Độ quan tâm đến Thái Bình Dương trong khi Nga quan tâm đến Ấn Độ Dương.

Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các tuyến thương mại mới mở ở Bắc Cực trong khi có rất nhiều phạm vi hợp tác với vùng Viễn Đông, Siberia và Bắc Cực của Nga. Jaishankar thậm chí còn mô tả Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là phần mở rộng của chính sách “Hành động phía Đông” của Ấn Độ và có lẽ Ấn Độ đưa ra chính sách này là để tăng cường hợp tác kinh tế với vùng Viễn Đông, phần châu Á và Thái Bình Dương của Nga.

Tháng 9/2021, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nhấn mạnh rằng Ấn Độ và Nga sẽ là đối tác trong việc mở Tuyến đường biển phương Bắc nhằm phục vụ cho giao thương. Ấn Độ cũng đang khám phá khả năng hợp tác ba bên với Nhật Bản và Nga ở Viễn Đông.

Những nỗ lực này của Ấn Độ phù hợp với chiến lược "Xoay trục sang châu Á" của Nga được đưa ra năm 2014, sau khi quan hệ của Moskva với Mỹ và châu Âu “chạm đáy” do cuộc khủng hoảng Crimea.

Tầm nhìn chồng chéo

Một nước Nga yếu kém sẽ không có lợi cho Ấn Độ và New Delhi muốn đảm bảo rằng Moskva sẽ không bị cô lập trong cấu trúc Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Sự tham gia tích cực của Nga sẽ khiến khu vực này trở nên đa cực, đó cũng là mục tiêu của New Delhi.

Mặc dù tiếp tục phản đối ý tưởng của Mỹ về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhưng Nga đã và đang hỗ trợ các nỗ lực của Ấn Độ trong vấn đề này, được thể hiện rõ qua chính sách “Hành động Viễn Đông."

Nhìn chung, điều đáng nói là tầm nhìn của Ấn Độ về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rất gần với khái niệm của Nga về Quan hệ Đối tác Á-Âu Mở rộng (GEP), có thể kéo dài từ Lisbon đến Vladivostok và được Putin khởi động vào năm 2015.

Năm 2016, Sergei Karaganov - học giả Nga nổi tiếng thân cận với Putin - đã lập luận rằng theo GEP, Nga muốn đạt được một vị trí địa kinh tế và địa chính trị lý tưởng như một trung tâm của khu vực Á-Âu và là một đối trọng thân thiện với Trung Quốc để ngăn nước này phát triển quá mạnh và trở thành một bá chủ tiềm năng, khiến các nước láng giềng lo sợ.

Tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Ấn Độ cũng có mục đích tương tự và sự tham gia tích cực của Nga sẽ giúp họ đạt được các mục tiêu.

Vladivostok, thành phố chính thuộc vùng Viễn Đông của Nga gợi lên 2 tiêu chí đối lập ở Ấn Độ và Trung Quốc. Ở Ấn Độ, Vladivostok được coi là biểu tượng của tình hữu nghị với Nga vì Liên Xô cũ đã điều động một đội vũ trang hạt nhân từ Hạm đội Thái Bình Dương tại Vladivostok để chống lại những nỗ lực của hải quân Mỹ nhằm đe dọa Ấn Độ trong cuộc xung đột Ấn Độ-Pakistan năm 1971.

Sự hỗ trợ của Liên Xô là rất quan trọng để Ấn Độ đối phó với mối quan hệ Mỹ-Trung-Pakistan trong cuộc chiến năm 1971. Khoảnh khắc này cũng có thể được coi là khởi đầu của sự hiểu biết giữa Ấn Độ-Nga về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, vốn là khu vực có lịch sử chiến lược.

Ở Trung Quốc, Vladivostok biểu thị sự sỉ nhục và chủ nghĩa dân tộc vì là một phần của Trung Quốc trước năm 1860 và bị Nga hoàng thôn tính sau khi Trung Quốc thua trong Chiến tranh Nha phiến lần thứ hai chống lại Pháp và Anh.

Tháng 7/2020, Đại sứ quán Nga đăng một video kỷ niệm 160 năm thành lập Vladivostok trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc. Tuy nhiên, đoạn video đã nhận về nhiều thắc mắc từ các nhà báo và nhà ngoại giao Trung Quốc khi cho rằng Vladivostok được gọi là “Hải Sâm Uy” (Haishenwai) và từng là một phần của nước này. Một số người dùng thậm chí còn bình luận rằng đất đai của tổ tiên sẽ được trả cho Trung Quốc trong tương lai.

Ngược lại, trong bài phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Phương Đông (EEF) lần thứ 5 năm 2019, Thủ tướng Modi cho biết Ấn Độ là quốc gia đầu tiên mở lãnh sự quán ở Vladivostok và thành phố này cũng mở cửa cho người dân Ấn Độ ngay cả trong thời Liên Xô, vốn có nhiều hạn chế đối với người đến từ các nước khác.

Tùy theo bối cảnh từng nước, có rất nhiều phiên bản Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và phiên bản của Ấn Độ là một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rộng mở và bao trùm, trong đó sự tham gia của Nga giúp cấu trúc này trở nên đa cực.

Theo truyền thống, giới tinh hoa Nga coi họ là một nước châu Âu, nhưng cũng nằm ở cả châu Á và Thái Bình Dương. Tầng lớp tinh hoa này hoạt động ở Moskva, nơi từng là trụ sở quyền lực truyền thống của Nga, có thể cạnh tranh với các nhân vật muốn Nga chủ động hơn ở Thái Bình Dương thông qua căn cứ Vladivostok.

[Thêm trụ cột trong quan hệ chiến lược giữa hai nước Nga và Ấn Độ]

Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương không chỉ xoay quanh Mỹ và thế giới quan của Nga có thể sẽ không hoàn thiện nếu họ không tham gia Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, bởi có nguy cơ tiềm ẩn khiến Nga phụ thuộc vào Trung Quốc.

Ấn Độ và Nga đã bày tỏ bất đồng công khai nhưng hai nước vẫn không ngừng nỗ lực hướng tới những điểm chung thông qua các sáng kiến như chính sách “Hành động Viễn Đông," tuyến hàng hải Chennai-Vladivostok và hợp tác năng lượng ở Bắc Cực.

Thông qua những sáng kiến này, Ấn Độ tìm cách khơi gợi bản sắc châu Á của Nga và hỗ trợ chính sách "Xoay trục sang châu Á" của Moskva. Việc Ấn Độ tham gia cấu trúc Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và nhóm Bộ tứ đảm bảo rằng những sáng kiến này sẽ không bị sử dụng để nhắm vào Nga.

Cả Ấn Độ và Nga đều là cường quốc trên bộ và trên biển, tầm nhìn của Ấn Độ về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cũng rất gần với khái niệm của Nga về GEP, vì cả hai đều muốn ngăn tham vọng bá chủ của bất kỳ cường quốc nào, dù là Mỹ hay Trung Quốc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục