Armenia tìm kiếm hòa đàm với Azerbaijan về vấn đề Nagorno-Karabakh

Ngoại trưởng Armenia cho biết ông hy vọng sẽ có cuộc gặp với tân ngoại trưởng của Azerbaijan để giải quyết bất đồng liên quan tới vấn đề Nagorno-Karabakh.
Armenia tìm kiếm hòa đàm với Azerbaijan về vấn đề Nagorno-Karabakh ảnh 1Binh sỹ Armenia ở Nagorno-Karabakh. (Ảnh MassivePost)

Ngày 1/8, Ngoại trưởng Armenia Zohrab Mnatsakanyan cho biết ông hy vọng sẽ có cuộc gặp với tân ngoại trưởng của Azerbaijan - ông Jeyhun Bayramov để giải quyết bất đồng liên quan tới vấn đề Nagorno-Karabakh. 

Trong thông báo, Ngoại trưởng Mnatsakanyan nói: “Chúng tôi vẫn chưa có liên lạc trực tiếp. Điều quan trọng nhất lúc này là bảo đảm quá trình giảm căng thẳng ở khu vực biên giới và chuẩn bị cho giai đoạn đàm phán tiếp theo. Tôi thực sự hy vọng có thể được làm việc với một người có trách nhiệm và tích cực của Azerbaijan trong thời gian tới.

Tuyên bố trên được đưa ra trong thời điểm tình hình ở biên giới giữa hai quốc gia trở nên căng thẳng từ ngày 12/7. Azerbaijan cáo buộc lực lượng vũ trang Armenia pháo kích vào vị trí của quân đội Azerbaijan, trong khi đó, Yerevan cho rằng nguyên nhân gây căng thẳng là từ phía Azerbaijan. Đã có thương vong từ cả hai phía. Tình hình cơ bản đã được cải thiện từ ngày 17/7, nhưng các bên thường xuyên ghi nhận các vụ nổ súng ở khu vực biên giới và ở Nagorno-Karabakh, đồng thời cáo buộc lẫn nhau vi phạm lệnh ngừng bắn.

[Một binh sỹ Armenia bị bắn chết gần biên giới với Azerbaijan]

Hai nước từng thuộc Liên bang Xô viết này đã vướng vào cuộc xung đột dai dẳng kéo dài nhiều thập kỷ liên quan tới tranh chấp Nagorno Karabakh. Khu vực này nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, nhưng lại có đa số dân cư là người gốc Armenia sinh sống nên muốn ly khai để sáp nhập vào Armenia. Điều này đã gây ra tranh chấp chủ quyền giữa hai nước mà đỉnh điểm là cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2/1988 đến tháng 5/1994.

Bất chấp thỏa thuận ngừng bắn đạt được năm 1994 và nhiều cuộc đàm phán hòa bình sau đó với sự trung gian của Nhóm Minsk, xung đột vẫn xảy ra tại đây. Kể từ năm 2008, Azerbaijan và Armenia đã tổ chức hơn 10 cuộc gặp cấp cao để giải quyết vấn đề này, nhưng chưa tìm được giải pháp do cả hai đều coi vùng lãnh thổ tranh chấp thuộc chủ quyền của mình và không chấp nhận các phương án hòa giải được đưa ra./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục