Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, ngày 16/11, Armenia và Azerbaijan đã nhất trí ngừng giao tranh tại khu vực biên giới. Đây là kết quả cuộc điện đàm giữa người đứng đầu bộ quốc phòng hai nước với Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu.
Thông báo của Bộ Quốc phòng Armenia nhấn mạnh: “Theo thỏa thuận đạt được với vai trò trung gian hòa giải của Nga, từ 18h30 ngày 16/11 (giờ địa phương), giao tranh ở khu vực phía Đông (biên giới giữa Armenia và Azerbaijan) đã chấm dứt. Tình hình tại khu vực này hiện tương đối ổn định."
Bộ Quốc phòng Azerbaijan chưa đưa ra bình luận nào về thông tin trên. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga nêu rõ sau các cuộc điện đàm, "Azerbaijan và Armenia đã thực hiện các biện pháp để ổn định tình hình.
Hiện các vụ đụng độ ở khu vực núi Kilisali (thuộc vùng lãnh thổ tranh chấp Nagorny-Karabakh) đã chấm dứt, tình hình trở lại bình thường và được kiểm soát.”
Bộ này cho biết thêm Bộ trưởng Shoigu đã kêu gọi những người đồng cấp bên phía Armenia và Azerbaijan ngừng các hành động có thể gây leo thang căng thẳng.
Trong một tuyên bố cùng ngày, Bộ Ngoại giao Pháp bày tỏ quan ngại về tình hình căng thẳng giữa Armenia và Azerbaijan, đồng thời kêu gọi cả hai nước tôn trọng lệnh ngừng bắn.
Trước đó cùng ngày, Điện Kremlin thông báo Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Armenian Nikol Pashinyan đã điện đàm về tình hình biên giới.
[Thủ tướng Armenia cách chức Bộ trưởng Quốc phòng Arshak Karapetyan]
Armenia đã đề nghị Nga hỗ trợ bảo vệ nước này sau một vụ đụng độ biên giới với phía Azerbaijan. Yerevan thông báo 15 binh sỹ thiệt mạng, 12 người bị bắt và mất 2 cứ điểm tác chiến.
Về phần mình, tại cuộc điện đàm với Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev cho rằng Baku đã "phản ứng thỏa đáng trước các hành động của Yerevan.”
Đáp lại, ông Michel hối thúc các nhà lãnh đạo Armenia và Azerbaijan nhanh chóng đạt được một "lệnh ngừng bắn hoàn toàn."
Căng thẳng giữa Amernia và Azerbaijan liên quan đến tranh chấp chủ quyền đối với khu vực Nagorny-Karabakh. Khu vực này nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, nhưng có đa số dân cư là người gốc Armenia sinh sống và muốn sáp nhập vùng này vào Armenia.
Đỉnh điểm căng thẳng là cuộc xung đột kéo dài từ tháng 2/1988 đến tháng 5/1994, khiến khoảng 30.000 người thiệt mạng.
Xung đột tái bùng phát tại khu vực trên vào cuối tháng 9/2020 và kéo dài 44 ngày, khiến ít nhất 6.500 người thiệt mạng.
Ngày 9/11/2020, các nhà lãnh đạo Armenia và Azerbaijan đã ký tuyên bố ngừng bắn do Nga làm trung gian. Tuy nhiên, các vụ đụng độ lẻ tẻ vẫn diễn ra trong thời gian gần đây./.