Australia đẩy nhanh cấp thị thực tạm trú cho người tị nạn Ukraine

Chính phủ Australia đang đẩy nhanh quá trình cấp phép thị thực tạm trú, đồng thời xem xét kế hoạch tăng số lượng thị thực không thường trú dành cho công dân Ukraine.
Australia đẩy nhanh cấp thị thực tạm trú cho người tị nạn Ukraine ảnh 1Người tị nạn Ukraine sơ tán khỏi đất nước. (Ảnh: PAP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, Chính phủ Australia ngày 16/3 cho biết đã cấp hơn 4.000 thị thực cho công dân Ukraine trong 4 tuần gần đây, kể từ khi cuộc xung đột Nga-Ukraine bắt đầu.

Tất cả những thị thực này đều là thị thực tạm trú, chủ yếu là thị thực du lịch và một số loại thị thực khác như thăm thân, du học sinh và doanh nghiệp.

Chủ tịch Liên đoàn các tổ chức Ukraine tại Australia, Stefan Romaniw, cho biết Canberra đang đẩy nhanh quá trình cấp phép, đồng thời xem xét kế hoạch tăng số lượng thị thực không thường trú dành cho công dân Ukraine.

Các quan chức chính phủ Australia đang làm việc với đại diện cộng đồng về một cách tiếp cận theo giai đoạn đối với người lưu trú. Theo đó, ưu tiên trước mắt là sơ tán an toàn, sau đó sẽ xem xét nguyện vọng của người sơ tán và chính sách phúc lợi xã hội cho các đối tượng này trong thời gian lưu trú.

[Mỹ thông báo viện trợ nhân đạo bổ sung cho người dân Ukraine]

Trong khi đó, hãng tin AFP dẫn các nguồn tin ngoại giao cho biết Mỹ, Anh, Pháp, Albania, Na Uy và Ireland đã đề nghị Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc họp khẩn về tình hình nhân đạo tại Ukraine trong ngày 17/3.

Ngoài ra, các nước đang thảo luận việc việc cho phép Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc.

Trước đó, ngày 15/3, Nga đã trình Hội đồng Bảo an một dự thảo nghị quyết do nước này về tình hình nhân đạo tại Ukraine và đề nghị bỏ phiếu về nghị quyết này vào ngày 16/3.

Sau đó Nga đề nghị Hội đồng Bảo an hoãn thời gian bỏ phiếu đến ngày 17/3. Tuy nhiên, ngày 16/3, Nga một lần nữa đề nghị hoãn bỏ phiếu sang sáng 18/3 (giờ Mỹ).

Dự thảo của Nga nhấn mạnh những quan ngại về tình hình nhân đạo xấu đi trong và xung quanh Ukraine.

Dự thảo cũng yêu cầu sự bảo vệ tuyệt đối với dân thường, bao gồm người làm công tác cứu trợ nhân đạo và người trong các tình huống có thể bị tổn thương, bao gồm trẻ em và phụ nữ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục