Bộ trưởng Quốc phòng Nhật-Mỹ lên kế hoạch hội đàm về liên minh quân sự

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản và người đồng cấp Mỹ dự kiến sẽ thảo luận làm rõ vai trò trong liên minh quân sự song phương sau khi Nhật Bản thông qua sửa đổi chiến lược an ninh-quốc phòng.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật-Mỹ lên kế hoạch hội đàm về liên minh quân sự ảnh 1Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin (phải) và Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Yasukazu Hamada tại cuộc gặp ở Washington, DC, Mỹ, ngày 12/1/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hãng thông tấn Kyodo dẫn một nguồn thạo tin ngày 19/5 cho biết các bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản và Mỹ đang lên kế hoạch tiến hành hội đàm tại thủ đô Tokyo vào ngày 1/6 tới, nhằm thảo luận nhiệm vụ của liên minh song phương trong bối cảnh mới. 

Nguồn tin cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Yasukazu Hamada và người đồng cấp Mỹ Lloyd Austin dự kiến sẽ thảo luận làm rõ vai trò trong liên minh quân sự song phương sau khi Nhật Bản thông qua sửa đổi chiến lược an ninh-quốc phòng vào tháng 12/2022.

Theo đó, hai bộ trưởng có thể công bố mục tiêu củng cố vị thế thông qua liên minh an ninh song phương, đồng thời trao đổi thêm về nỗ lực hợp tác nghiên cứu công nghệ nhằm cải thiện năng lực quân sự. 

Nguồn tin cho biết, Bộ trưởng Austin dự kiến dừng chân tại Nhật Bản trước khi đến Singapore tham dự Đối thoại Shangri-La diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 2/6. Bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản và Mỹ đều sẽ tham dự hội nghị này. 

Theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản, tại cuộc gặp hồi tháng 1 vừa qua, hai bộ trưởng đã nhất trí "thúc đẩy các cuộc thảo luận sâu về vai trò và nhiệm vụ của liên minh" trên cơ sở các năng lực phòng thủ của Nhật Bản được củng cố về cơ bản và "khả năng phản công hiệu quả."

Nhật Bản lâu nay duy trì chính sách an ninh chủ yếu tập trung vào phòng vệ và giới hạn ngân sách quốc phòng hằng năm ở mức khoảng 1% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Tháng 12/2022, nội các Nhật Bản thông qua các dự thảo sửa đổi 3 văn bản quan trọng về quốc phòng. Trong đó, Chiến lược An ninh Quốc gia (NSS) sửa đổi nhấn mạnh Nhật Bản cần có năng lực “thực hiện các cuộc phản công như một biện pháp tự vệ tối thiểu” trong tình huống nguy hiểm.

[Nhật-Mỹ tăng cường hợp tác về công nghệ tiên tiến và khả năng răn đe]

Để tăng cường năng lực quốc phòng, Nhật Bản đặt mục tiêu tăng gấp đôi ngân sách quốc phòng hằng năm lên tương đương 2% GDP vào tài khóa 2027.

Giới chuyên gia nhận định việc Nhật Bản thông qua các sửa đổi văn bản quốc phòng đồng nghĩa có sự thay đổi vai trò của Washington và Tokyo trong liên minh quân sự song phương. 

Để phát triển năng lực phản công, Nhật Bản đã lên kế hoạch trang bị các tên lửa hành trình Tomahawk do Mỹ phát triển và một phiên bản cải tiến của tên lửa đất đối hạm Type-12 vào tài khóa 2026, đồng thời thúc đẩy phát triển loại tên lửa riêng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục