"Cái bóng" của ông Shinzo Abe trên chính trường Nhật Bản

Cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe không chạy đua bỏ phiếu của LDP cầm quyền tuần qua nhưng chiến thắng của ông Fumio Kishida cũng đồng nghĩa với việc ông Abe và êkíp bảo thủ của ông đã thắng...
"Cái bóng" của ông Shinzo Abe trên chính trường Nhật Bản ảnh 1Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo Reuters, Cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe không chạy đua trong cuộc bỏ phiếu của Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền hồi tuần qua nhằm bầu ra người lãnh đạo tiếp theo của đất nước, nhưng chiến thắng của người từng giữ cương vị bộ trưởng ngoại giao dưới thời Abe - ông Fumio Kishida - cũng đồng nghĩa với việc ông Abe và êkíp bảo thủ của ông đã thắng và nền tảng chính sách của họ sẽ được đảm bảo.

Theo giới phân tích, các chính sách quốc phòng đanh thép và lập trường cứng rắn của ông Abe đối với một Bắc Kinh hung hăng, đồng thời vẫn để ngỏ cánh cửa đối thoại nhờ mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc, sẽ là nền tảng cho các chính sách ngoại giao và an ninh của Nhật Bản dưới thời ông Kishida.

Tsuneo Watanabe, một nhà nghiên cứu kỳ cựu tại Quỹ Hòa bình Sasakawa, nhận định: “Ưu tiên sẽ là củng cố các mối quan hệ với Mỹ và đẩy mạnh các năng lực phòng vệ của chính Nhật Bản. Tuy nhiên trong tiến trình đó, họ sẽ muốn hạn chế làm tổn hại đến lĩnh vực kinh tế càng nhiều càng tốt.”

Ông Abe không công khai ủng hộ Kishida ngay từ đầu cuộc chạy đua vào chức lãnh đạo LDP, mà ủng hộ cho người được ông đỡ đầu và theo trường phái siêu bảo thủ là bà Sanae Takaichi, người từng kỳ vọng sẽ trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Nhật Bản.

Sau màn thể hiện tốt đến bất ngờ của bà Takaichi tại vòng bỏ phiếu đầu tiên, những người ủng hộ bà trong giới lập pháp đã ủng hộ ông Kishida tại vòng đấu lại trước Bộ trưởng phụ trách vấn đề tiêm chủng vaccine vốn rất được lòng dân là Taro Kono, người được giới phê bình cánh hữu cho là có lập trường mềm mỏng với Trung Quốc, còn các lãnh đạo đảng nhận định là khó đoán định.

[Tân Thủ tướng Nhật Bản thông báo thời điểm tiến hành tổng tuyển cử]

Ông Kishida - 64 tuổi, một chính trị gia có phong cách “dĩ hòa vi quý” với một hình ảnh nhẹ nhàng - đã trở thành chủ tịch LDP vào ngày 29/9 vừa qua và gần như chắc chắn sẽ kế nhiệm ông Suga làm thủ tướng chính phủ do đảng này vẫn đang nắm thế đa số trong Quốc hội.

Tobias Harris, nghiên cứu sinh kỳ cựu tại Trung tâm vì sự Tiến bộ của Mỹ, nhận định: “Sự ứng cử của bà Takaichi và sự ủng hộ hết mình của ông Abe dành cho bà chính là yếu tố thay đổi cuộc đua.”

Các chuyên gia phân tích nhận định rằng nhiều khả năng ông Kishida sẽ cân nhắc các mong muốn của ông Abe trong một cuộc cải tổ nội các và các vị trí chủ chốt trong đảng và điều này sẽ được theo dõi một cách sát sao.

Truyền thông địa phương mới đây cho biết bà Takaichi có khả năng sẽ trở thành người phụ trách hội đồng nghiên cứu chính sách của LDP, trong khi cựu Bộ trưởng Kinh tế Akira Amari - một đồng minh của ông Abe và cũng là kiến trúc sư của các chính sách an ninh kinh tế của Nhật Bản nhằm bảo vệ các công nghệ nhạy cảm - có khả năng sẽ thay thế Tổng Thư ký LDP Toshihiro Nikai, người được biết đến qua mối quan hệ của ông với Trung Quốc.

Nghiên cứu sinh kỳ cựu tại Trung tâm vì sự Tiến bộ của Mỹ Harris nói về khả năng ra đi của Tổng Thư ký LDP Nikai: “Điều này có nghĩa là trong đảng sẽ bớt đi một tiếng nói quan trọng ủng hộ việc xích lại gần Trung Quốc.”

Theo thông tin của đài truyền hình NHK, Hirokazu Matsuno - một nhà lập pháp bảo thủ từng làm bộ trưởng giáo dục dưới thời ông Abe - có khả năng trở thành chánh văn phòng nội các trong nội các mới, trong khi báo Asahi cho rằng Koichi Hagiuda, một đồng minh khác của ông Abe, cũng có triển vọng nắm giữ vị trí này.

Chuyển hướng sang cánh hữu

Ông Kishida, người xuất thân từ phe ôn hòa trong LDP, vốn đã chuyển hướng sang cánh hữu trong chiến dịch tranh cử LDP và điều này phản ánh một sự thay đổi đang diễn ra trong LDP, cũng như khả năng ông cần sự trợ giúp của ông Abe để giành chiến thắng.

"Cái bóng" của ông Shinzo Abe trên chính trường Nhật Bản ảnh 2Tân Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền Nhật Bản Fumio Kishida (giữa) được Quốc hội bầu làm Thủ tướng mới. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ông Kishida nói rằng việc tích lũy năng lực tấn công các căn cứ của kẻ thù, một bước đi gây tranh cãi nhưng được ông Abe ủng hộ, là một lựa chọn khả thi, đồng thời cho biết ông sẽ bổ nhiệm một cố vấn để giám sát cách hành xử của Trung Quốc với cộng đồng người thiểu số Duy Ngô Nhĩ. 

Trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông, ông còn gọi Đài Loan - hòn đảo bị cho là một tỉnh của Trung Quốc - là “tuyến đầu” trong cuộc đấu tranh của các nền dân chủ nhằm chống lại sự phát triển của chủ nghĩa độc tài. Ông cũng được cho là sẽ duy trì sự hợp tác tích cực với Nhóm Bộ tứ gồm Mỹ, Australia, Ấn Độ và Nhật Bản, một diễn đàn bị Bắc Kinh coi là nỗ lực nhằm kiếm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Gerry Curtis, giáo sư danh dự của trường Đại học Columbia, nhận định: “Ông Abe sẽ nỗ lực lôi kéo ông Kishida sang cánh hữu nhiều hơn nữa, nhưng thành công của ông sẽ khá hạn chế. Điều này đồng nghĩa với các chính sách an ninh cứng rắn hơn và một đường lối rõ ràng hơn trong các vấn đề như Đài Loan, song sẽ không có thay đổi lớn nào xảy ra.”

Mặc dù vậy, trong các vấn đề gây tranh cãi như các chuyến thăm Đền thờ Yasukuni để tướng niệm các nạn nhân chiến tranh, vốn bị Bắc Kinh và Seoul coi là biểu tượng cho chủ nghĩa quân phiệt trong quá khứ của Nhật Bản, Kishida vẫn còn khá mập mờ.

Ông Abe đã đến thăm đền thờ này một lần vào năm 2013 khi còn làm thủ tướng, và điều này đã chọc giận Trung Quốc và Hàn Quốc, đồng thời cũng làm Washington thất vọng.

Tuy nhiên, thách thức lớn đầu tiên của ông Kishida sẽ là một cuộc tổng tuyển cứ phải được tổ chức từ nay đến ngày 28/11 tới. Một sự gia tăng tỷ lệ tín nhiệm trong công chúng sẽ đồng nghĩa với việc LDP tránh được kịch bản tồi tệ nhất là một đòn giáng nữa từ các cử tri đã "chán ngấy" ông Suga./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục