Chặng đường gập ghềnh và gian nan tiến tới Brexit: Vì đâu nên nỗi?

Nếu Anh thực sự muốn có được một thỏa thuận Brexit vào phút chót, Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt có lẽ không nên so sánh Liên minh châu Âu (EU) với Liên Xô trước đây.
Chặng đường gập ghềnh và gian nan tiến tới Brexit: Vì đâu nên nỗi? ảnh 1(Nguồn: BBC)

Theo Reuters, nếu Anh thực sự muốn có được một thỏa thuận Brexit vào phút chót, Ngoại trưởng Jeremy Hunt có lẽ không nên so sánh Liên minh châu Âu (EU) với Liên bang XôViết.

Không ngạc nhiên khi bình luận mà ông đưa ra tại hội nghị mùa Thu của đảng Bảo thủ ngày 1/10 đã khiến nhiều nhà lãnh đạo châu Âu tức giận. Tuy nhiên, đó có lẽ đúng là điều mà ông Hunt muốn bởi ông là một trong số những quan chức đặt mục tiêu trở thành người lãnh đạo đảng Bảo thủ tại Anh.

Cũng giống người tiền nhiệm Boris Johnson hay Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông Hunt có vẻ như đã nghĩ rằng những tuyên bố gây sốc có thể thu hút sự chú ý của dư luận và giúp ông giành được sự ủng hộ trong nội bộ đảng, cho dù các phát ngôn kiểu này có thể khiến những gì mà chính phủ cần làm ngày càng trở nên bất khả thi.

Chính trường phương Tây thời gian này xuất hiện nhiều chính trị gia sẵn lòng phá hoại tiến trình hoạch định chính sách chỉ vì tư lợi cá nhân hoặc vì mục tiêu của đảng mình. Điều này thể hiện qua sự trỗi dậy của phe cực hữu tại Đức, Áo và Thụy Điển, qua các cuộc vận động chính trị về vấn đề tị nạn ở Italy, và tất nhiên, cả ở Quốc hội Mỹ.

Tận dụng những nỗi lo sợ, bất bình, và mâu thuẫn, họ cho rằng khủng hoảng và đối đầu sẽ giúp họ có được sự ủng hộ của những lực lượng cử tri dù nhỏ song có nhiều ảnh hưởng, giúp họ thâu tóm hoặc củng cố quyền lực của mình. 

[Brexit không có thỏa thuận - khả năng ngày càng lớn]

Vấn đề nằm ở chỗ chiến lược này không thực sự hiệu quả. Giữa những vòng xoáy chính trị và địa chính trị cùng toan tính của các đối thủ, những kế hoạch này hiếm khi được như trông đợi. Điều này thể hiện rõ nhất trong tiến trình Brexit, lựa chọn đang đẩy nước Anh tới một kết quả cực kỳ tồi tệ và khó tránh là Anh sẽ phải ra đi song không đạt bất kỳ thỏa thuận nào với EU, đe dọa kéo theo những bất ổn còn nghiêm trọng hơn nữa.

Chỉ mới vài tuần trước, “cuộc chia ly” này vẫn còn được nhìn nhận là có thể diễn ra êm đẹp, với hàng loạt cam kết được Thủ tướng Theresa May đưa ra với nội các trong cuộc họp ở Chequers hồi tháng Bảy. Tuy nhiên, thỏa thuận này đã bị cả đảng Bảo thủ và các nhà lãnh đạo châu Âu phủi bỏ. Nguy cơ Brexit diễn ra mà không có thỏa thuận ngày càng rõ nét hơn.

Kịch bản này, đồng nghĩa với những gián đoạn trong hoạt động giao thương và đi lại ở biên giới, gián đoạn trên các thị trường và chuỗi cung ứng, vốn đang tiềm ẩn nhiều bấp bênh và gây ra rất nhiều thiệt hại kinh tế cho nước Anh. Một báo cáo ước tính mỗi ngày nền kinh tế Anh mất khoảng 500 triệu bảng. Tồi tệ hơn, những thiệt hại này nhiều khả năng sẽ còn leo thang nhanh chóng.

Trong năm tới, rất có khả năng nước Anh sẽ có một chính phủ bảo thủ hoài nghi châu Âu, đưa ra những chính sách cắt giảm thuế và chi tiêu. Hoặc một cuộc bầu cử sớm có thể đưa Công đảng lên nắm quyền với cương lĩnh hoàn toàn trái ngược, tăng thuế đối với người giàu và các doanh nghiệp lớn để có tiền đầu tư cho các dự án công quan trọng.

Trong khi đó, ngày càng có nhiều người kêu gọi tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân thứ hai, song cũng chưa ai dám chắc về cách thức tiến hành và nội dung trưng cầu của nó. Một số ý kiến cho rằng cuộc bỏ phiếu mới phải đưa ra lựa chọn giữa một bên là Brexit mà không có thỏa thuận và thứ hai là một lựa chọn ôn hòa hơn, có thể là áp dụng theo mô hình quan hệ của Na Uy hay Thụy Sỹ với EU, nhưng có sự gắn kết chặt chẽ về dân tộc và hệ thống.

Cũng có người cho rằng việc xóa bỏ hoàn toàn Brexit và tiếp tục ở lại EU “như chưa có gì xảy ra” cũng nên được đưa ra để lựa chọn trong cuộc bỏ phiếu này. Tuy nhiên, khả năng người ta có thể hoàn tất cuộc trưng cầu ý dân với 3 phương án sau chỉ 1 hoặc 2 vòng bỏ phiếu là điều không tưởng. Trong bối cảnh bất ổn và khó lường như hiện nay, việc tìm kiếm đồng thuận có vẻ như là việc ngày càng khó khăn.

Không quá ngạc nhiên khi những diễn biến này đang hủy hoại không chỉ danh tiếng của Anh mà còn tác động tới cả cuộc sống thường nhật của người dân. Những lao động trẻ và có kỹ năng giờ đây là nguồn lao động cực kỳ khan hiếm tại Anh. Xu hướng này diễn ra trong các ngành kinh doanh, nông nghiệp, ngành dịch vụ khách hàng, chăm sóc y tế và phần lớn các ngành nghề kinh tế khác.

Ngày 2/10, Bộ trưởng Nội vụ Sajid Javid cho biết chính phủ đang lên kế hoạch cho chính sách nhập cư hậu Brexit, thiết lập các tiêu chuẩn và giới mới để ưu tiên các lao động có tay nghề. Vấn đề là điều gì sẽ xảy ra với những lao động ít kỹ năng hơn mà trong thực tế phần lớn nền kinh tế vẫn lệ thuộc vào họ? Một lần nữa, những mục đích chính trị ngắn hạn có vẻ như lại là nhân tố chi phối các chính sách quy mô hơn.

Điều này nguy hiểm tới đâu phụ thuộc cách nhìn của từng người. Xét trên một vài khía cạnh nào đó, dù những gì đang diễn ra tại Anh rất khó đoán định song chúng cũng không đáng lo ngại bằng xu hướng tại nhiều nước châu Âu, nơi các chính đảng cực hữu tiếp tục trỗi dậy và dần thay thế các dòng chảy chính trị chủ lưu vốn đang vật lộn để bảo vệ các giá trị đa văn hóa và xã hội cởi mở.

Nước Anh tránh được điều này nhờ sự cân bằng của hệ thống chính trị tồn tại song song hai chính đảng, trong khi tại Mỹ, cuộc cạnh tranh chính trị trong các hệ thống này có thể đem lại những hệ quả cực kỳ khó lường. Tuy nhiên, ở Washington, ít nhất người ta cũng biết được rằng bao giờ cuộc bầu cử tiếp theo sẽ diễn ra. Còn tại Anh, đây là điều không ai dám khẳng định.

Tia hy vọng nằm ở chỗ là cho dù các rắc rối trong ngắn hạn có như thế nào, tiến trình Brexit thực tế cũng đang khích lệ sự năng động của hai chính đảng lớn tại Anh, buộc quốc gia này phải thực sự dồn sự quan tâm vào những vấn đề quan trọng và ý nghĩa. Dù vậy, trước khi tới được đó, có vẻ như thời gian tới sẽ là một chặng đường cực kỳ gập ghềnh và gian nan./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục