Chính phủ Đức muốn siết chặt kiểm soát súng hơn nữa

Đức đã liên tục thắt chặt luật kiểm soát súng sau các vụ xả súng hàng loạt, đặc biệt sau vụ xả súng tại trường học ở Erfurt hồi năm 2002.
Chính phủ Đức muốn siết chặt kiểm soát súng hơn nữa ảnh 1Các khẩu súng được phép mua bán tại một cửa hàng ở Bremen, Đức. (Nguồn: Getty Images)

Mặc dù đã có các biện pháp kiểm soát súng nghiêm ngặt, Chính phủ Đức đang lên kế hoạch áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn nữa sau khi xảy ra những vụ nổ súng chết người và làm hoang mang xã hội. 

Theo thống kê mới nhất, mỗi năm trung bình Đức có khoảng 155 người thiệt mạng do súng.

Ngày càng nhiều người kêu gọi thắt chặt hơn nữa kiểm soát súng

Sau vụ xả súng ở Hanau hồi tháng 2/2020, những lời kêu gọi kiểm soát súng chặt chẽ hơn ở Đức ngày càng gia tăng. Tại thời điểm đó, thủ phạm nổ súng, có tên là Tobias R., vẫn có thể sử dụng súng, mặc dù năm 2002 đối tượng được chẩn đoán mắc chứng hoang tưởng.

Các nhà chức trách cho biết đối tượng đã sở hữu hợp pháp 3 khẩu súng, và mượn một khẩu khác từ một người bán súng, ra tay bắn chết 9 người và mẹ mình trước khi quay súng kết liễu chính mình.

Người phát ngôn của Bộ Nội vụ từ đó đã khẳng định rằng dự thảo luật đang được soạn thảo, theo đó đưa ra các luật kiểm soát súng chặt chẽ hơn sẽ được thực thi.

Luật mới sẽ có cả việc kiểm tra chi tiết hơn hồ sơ bệnh án của người sở hữu súng trước khi nhà chức trách cấp hoặc gia hạn giấy phép sử dụng súng.

Ví dụ, luật mới sẽ cho phép cơ quan cấp phép sử dụng súng kiểm tra với các bác sỹ và các chuyên gia chăm sóc sức khỏe có liên quan xem người nộp đơn có tiền sử bệnh tâm thần hay không.

Đức đã liên tục thắt chặt luật kiểm soát súng sau các vụ xả súng hàng loạt. Đặc biệt sau vụ xả súng tại trường học ở Erfurt hồi năm 2002, giới hạn độ tuổi sở hữu súng đã được nâng lên và sau vụ xả súng hàng loạt ở Winnendon năm 2009, việc kiểm tra điểm ngẫu nhiên đã được thực hiện để đảm bảo súng được cất giữ đúng cách.

[Tấn công bằng dao tại trường đại học ở Đức, nhiều người bị thương]

Đức cũng đã thông qua chỉ thị về súng của Liên minh châu Âu (EU) thành luật, sửa đổi lần cuối cùng vào năm 2020. Về bản chất, luật này buộc các cơ quan chức năng phải kiểm tra xem người nộp đơn sở hữu súng có phải là một phần tử cực đoan từng bị cơ quan tình báo trong nước “ghi vào sổ đen” hay không.

Ngoài ra, giới chức Đức cũng có nghĩa vụ kiểm tra xem các chủ sở hữu súng đã đăng ký có nhu cầu hợp pháp về súng hay không. Nhu cầu hợp pháp là chủ sở hữu phải là thành viên của câu lạc bộ bắn súng hoặc có giấy phép săn bắn hợp lệ.

Các chuyên gia sức khỏe kêu gọi kiểm tra tâm lý người sở hữu súng

Giáo sư tâm lý học tại Đại học Bremen, Dietmar Heubrock lập luận rằng các cơ quan y tế không phải lúc nào cũng có hồ sơ đầy đủ về lai lịch sức khỏe tâm thần của một cá nhân.

Giáo sư đặt vấn đề: “Liệu chúng ta có các quy trình thích hợp để nhận ra những nguy cơ tiềm ẩn về tâm lý có thể phát triển trong cuộc sống sau này không?”

Chính phủ Đức muốn siết chặt kiểm soát súng hơn nữa ảnh 2Lực lượng cảnh sát Đức kiểm soát an ninh. (Nguồn: Reuter)

Giáo sư lưu ý rằng: “Giả sử tôi đã sở hữu một khẩu súng và sau đó rơi vào khủng hoảng cá nhân, sinh kế của tôi bị tước đoạt và tôi bắt đầu nảy sinh những tưởng tượng bạo lực: Tôi muốn trả thù xã hội, muốn ra ngoài giết tất cả những người tôi thấy. Không có một cơ quan y tế nào có thể sẽ biết về điều đó.”

Giáo sư Heubrock đề xuất đưa ra các bài kiểm tra tâm lý mà những người sở hữu súng cần phải vượt qua trước khi được cấp giấy phép sử dụng. Các bài kiểm tra hiện nay đã tồn tại 20 năm, trong khi bất kỳ bài kiểm tra nào, dù là kiểm tra trí thông minh hay tính cách, đều phải được tiêu chuẩn hóa lại sau một thời gian.

Nghị sỹ đảng Xanh Marcel Emmerich đã ủng hộ ý tưởng này, thậm chí còn đề xuất rằng tất cả những người nộp đơn phải vượt qua một cuộc đánh giá tâm lý, không chỉ những người dưới 25 tuổi.

Tuy nhiên, Liên đoàn Bắn cung và Thể thao Bắn súng Đức (DSB) đã đặt ra nghi ngờ về việc thu thập thông tin sức khỏe nhạy cảm, đặt câu hỏi về tính hợp pháp của hoạt động như vậy và liệu một người không có chuyên môn và trình độ y tế có thể giải thích dữ liệu một cách chính xác hay không.

Người phát ngôn của DSB Thilo von Hagen nhấn mạnh rằng: “Ví dụ, một quan chức trong cơ quan quản lý chắc chắn không thể đánh giá liệu những phần ghi trong hồ sơ sức khỏe có liên quan đến luật vũ khí hay không.”

Mặc dù vậy, vẫn có một số ý kiến phản đối đối với các biện pháp kiểm soát về súng mới được đề xuất, đặc biệt là trong số 1 triệu người sở hữu vũ khí hợp pháp ở Đức. Hiệp hội săn bắn Đức (DJV), với hơn 250.000 thành viên, đã lập luận rằng không có vấn đề gì với luật súng hiện hành ở Đức, thay vào đó đổ lỗi cho việc thực thi luật.

Người phát ngôn của DJV Torsten Reinwald cho rằng trường hợp của Hanau có thể đã được ngăn chặn bởi lẽ người ta biết rằng người này bị bệnh tâm thần, nhưng không có hành động nào được thực hiện.

Nếu các cơ quan chức năng kết nối tốt hơn, đối tượng có thể đã bị ngăn chặn lưu hành súng. Reinwald tuyên bố rằng việc kiểm tra của cảnh sát Đức có thể tạo ra “sự xâm phạm nghiêm trọng tự do cá nhân.”

Tuy nhiên, nhà sử học Dagmar Ellerbrock cho rằng sở hữu súng là một “đặc quyền,” không phải là một quyền cơ bản. Bà khẳng định: “Đặc quyền được cấp cho một số người nhất định. Vì vậy bất kỳ ai muốn được cấp đặc quyền này phải đủ điều kiện”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục