Chủ tịch EC và Tổng thống Pháp có nhiều khác biệt về tầm nhìn châu Âu

Ngày 13/9, Chủ tịch EC trình bày tầm nhìn về tương lai châu Âu với nội dung khác với ý tưởng về một châu Âu hai tốc độ, với Eurozone phát triển nhanh hơn, vốn đang được Tổng thống Pháp.
Chủ tịch EC và Tổng thống Pháp có nhiều khác biệt về tầm nhìn châu Âu ảnh 1Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker phát biểu tại phiên họp của Nghị viện châu Âu ở Strasbourg, miền đông Pháp ngày 13/9. *Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong thông điệp liên minh hôm 13/9, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean Claude-Juncker đã trình bày tầm nhìn về tương lai châu Âu với nội dung khác với ý tưởng về một châu Âu hai tốc độ, với Khu vực đồng tiền chung (Eurozone) phát triển nhanh hơn, vốn đang được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhiệt tình ủng hộ.

Theo bài phân tích vừa được đăng tải trên trang mạng Euractiv.fr, giữa hai nhà lãnh đạo trên vẫn có những tầm nhìn chung về tái xây dựng một châu Âu đoàn kết hay quan điểm về vấn đề dân chủ, nhưng trong các hành động cụ thể có thể thấy mục tiêu của hai người vẫn tồn tại nhiều điểm khác biệt.

Phát biểu tại Nghị viện châu Âu, Chủ tịch EC đã kêu gọi sáp nhập hai vị trí Chủ tịch Ủy ban châu Âu và Chủ tịch Hội đồng châu Âu để EU chỉ có một "thuyền trưởng."

Ông Jean-Claude Juncker đánh giá tính hiệu quả của Liên minh châu Âu (EU) sẽ ngày càng mạnh lên với phương án sáp nhập hai chức vụ này vào làm một.

Đề xuất mới này cũng là một phần trong những đóng góp cá nhân quan trọng của ông Juncker đối với tương lai châu Âu và không làm thay đổi các hiệp ước hiện nay của EU.

Cựu Thủ tướng Luxembourg cho rằng bức tranh toàn cảnh của châu Âu sẽ trở nên rõ ràng và dễ hiểu hơn nếu con tàu do một vị thuyền trưởng duy nhất chèo lái. Và ý tưởng này hoàn toàn không phải được đưa ra chỉ để gây sốc.

Đề xuất mang tính cải cách này nhằm mục đích ngăn chặn các mục tiêu quá tham vọng cho châu Âu mà một số nước trong đó có Pháp đã đề nghị về một liên minh đa tốc độ.

Ông Juncker ủng hộ giải pháp sáp nhập và xác định đây là thời điểm thuận lợi để triển khai áp dụng. Nền kinh tế châu Âu hiện đang tốt lên và xu hướng ủng hộ hội nhập châu Âu đang dần thắng thế, một phần quan trọng là nhờ vào việc cử tri Pháp đã bầu chọn cho một tổng thống thân châu Âu.

Theo khảo sát mới nhất của Eurobarometer, những người châu Âu, đặc biệt là Pháp, đang ủng hộ cho châu Âu để vượt qua những thách thức toàn cầu hiện nay.

Tuy nhiên, thông điệp của ông Juncker đã cho thấy một quan điểm rất khác biệt với tầm nhìn châu Âu của Tổng thống Pháp Macron.

Ông Juncker đã phản đối mạnh mẽ việc thành lập một Nghị viện khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), vốn được nước Pháp chủ trương từ nhiều đời tổng thống trước và đây cũng là quan điểm của Tổng thống đương nhiệm Macron, được đưa ra trong chuyến công du đến Athens (Hy Lạp) vào tuần qua.

Chủ tịch EC khẳng định hoàn toàn không có thiện chí với ý tưởng về một nghị viện của Eurozone.

Theo ông Juncker, Nghị viện của Eurozone cũng chính là Nghị viện châu Âu.

Ý tưởng của ông Juncker về việc mở rộng khu vực đồng euro đến cả những nước chưa sử dụng đồng tiền chung duy nhất thực ra không hề mới.

Trên thực tế, Hiệp ước Lisbon khuyến khích mọi quốc gia có thiện chí và đủ điều kiện có thể tham gia dự án đồng tiền chung duy nhất.

Chủ tịch EC cũng cảnh báo về nguy cơ hiện hữu khi một số quốc gia đang tiến lên mạnh mẽ, trong khi một số khác thì không.

Ông Sébastien Maillard, Giám đốc viện nghiên cứu Jacque Delors (Pháp), cho rằng mục đích đầu tiên của ông Juncker là bảo toàn sự thống nhất của liên minh 27 nước và ông đặc biệt lo ngại trước nguy cơ chia rẽ Đông-Tây có thể xảy ra.

Quan điểm của nước Pháp nhắm vào những nội dung còn nhiều bất đồng như vấn đề lao động “biệt phái” (lao động di cư trong nội khối EU) là nguyên nhân tạo nên sự ngăn cách giữa Đông và Tây trong EU.

Đối với Chủ tịch EC, việc tạm “yên ắng” về kinh tế và chính trị sẽ cho phép tạo ra những nhịp cầu nối mới.

Ông Charles de Marcilly, phụ trách văn phòng Brussels của Viện nghiên cứu Schuman, nhấn mạnh điều kiện hiện nay cho phép cơ cấu lại “đà tiến” của khu vực Eurozone thông qua việc tạo thuận lợi cho việc triển khai những công cụ chuẩn bị gia nhập.

Tuy nhiên chính những vấn đề nội tại của Eurozone vẫn làm các nước bên ngoài khu vực ngờ vực.

Đan Mạch đã đàm phán để không phải sử dụng đồng tiền chung châu Âu. Bảy quốc gia khác gồm Croatia, Ba Lan, Bulgaria, Cộng hòa Séc, Hungary, Romania và Thụy Điển, có những hoàn cảnh khác nhau như một số muốn gia nhập nhưng không đáp ứng các tiêu chuẩn cần thiết, số khác không có ý định gia nhập Eurozone như các trường hợp Ba Lan, Hungary hay Thụy Điển. Và châu Âu sẽ phải thuyết phục họ nhiều hơn với điều kiện tình hình kinh tế của các nước này bớt căng thẳng.

Bộ trưởng phụ trách các vấn đề EU của Pháp Natalie Loiseau đảm bảo rằng quan điểm của ông Juncker về Eurozone cho thấy đây là một hồ sơ đang được hoàn thiện, ở đó không ít bất đồng về tương lai của khu vực còn đang hiện hữu.

Bà Loiseau cho rằng một trong những nền tảng cơ bản là tăng cường vị thế của khu vực Eurozone phải đi đôi với sự kiểm soát chặt chẽ hơn từ phía các chính phủ và nghị viện.

Theo Guillaume Balas, nghị sỹ đảng Xã hội (Pháp), quan điểm của ông Juncker chỉ ra sự rạn nứt trong lòng phe cánh hữu châu Âu, khi mà cánh tả và đảng Xanh đã đề xuất những giải pháp rõ ràng.

Như để đáp trả lại diễn văn của Chủ tịch Juncker, Pháp sẽ thông báo những đề xuất riêng của mình về cải tổ châu Âu vào ngày 26/9 tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục