Chứng khoán kỳ vọng VN-Index 'hái lộc Xuân' Tân Sửu tại 1.250 điểm

'Các nhà đầu tư trung hạn kỳ vọng chứng khoán sẽ tiếp tục đi lên sau kỳ nghỉ Tết và điều này đã giúp thị trường chiến thắng áp lực chốt lời ngắn hạn.'
Chứng khoán kỳ vọng VN-Index 'hái lộc Xuân' Tân Sửu tại 1.250 điểm ảnh 1(Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của năm Canh Tý, thị trường chứng khoán tràn ngập trong sắc xanh. Nhà đầu tư kỳ vọng vào một năm mới “tốt lành” với những loạt lệnh mua giá cao áp đảo. Trên cả 3 sàn, VN-Index tăng 31,75 điểm và chốt phiên ở mức 1.114,93 điểm, HNX-Index cộng thêm 4,14 điểm và lên mức 224,9 điểm đồng thời UpCoM-Index cũng có được 1,16 điểm và đóng cửa tại mốc 71,83 điểm.

Dẫn dắt thị trường hôm nay là nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Sắc xanh phủ kín bẳng điện tử khi các mã VCB, VHM, CTG, VIC, VNM, HPG, AVC… đồng loạt tăng giá mạnh.

Trung hạn mục tiêu sóng 5

Theo ông Nguyễn Đình Thắng, chuyên viên phân tích Công ty Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội, kỳ vọng chứng khoán sẽ tiếp tục đi lên sau kỳ nghỉ Tết đã giúp thị trường chiến thắng áp lực chốt lời ngắn hạn của những nhà đầu tư muốn rút tiền ra trước Tết, nhờ đó toàn thị trường có được đà đi lên tích cực.

“Theo đó, xu hướng trung hạn là tích cực với mục tiêu của sóng tăng 5, chỉ số VN-Index quanh ngưỡng 1.250 điểm. Hiện các nhà đầu tư ngắn hạn đã chốt lời hết và thị trường chỉ còn những nhà đầu tư với góc nhìn nắm giữ cổ phiếu đến sau Tết. Tuy nhiên, các giao dịch sử dụng đòn bẩy nắm giữ qua kỳ nghỉ Tết kéo dài 7 ngày không được khuyến khích để tránh những rủi ro bất ngờ có thể xảy ra,” ông Thắng cho biết.

Báo cáo chiến lược tháng 2 của Công ty Chứng khoán SSI cũng đưa ra quan điểm lạc quan về xu hướng trung hạn của thị trường. Theo báo cáo này, mặc dù thông tin dịch bệnh là yếu tố chính khiến thị trường biến động mạnh nhưng sự tham gia sôi động của nhà đầu tư cá nhân và dòng vốn ETF vào thị trường Việt Nam vẫn là yếu tố hỗ trợ mạnh cho thị trường đi lên sau các nhịp điều chỉnh.

Báo cáo này chỉ ra Việt Nam là thị trường cổ phiếu duy nhất tại khu vực châu Á có vốn vào liên tục trong 4 tuần gần đây, trong đó các quỹ ETF hút ròng thêm khoảng 129 triệu USD. Bên cạnh đó, VN-Index đã quay trở lại vùng 1.100 điểm và đây là khu vực chống đỡ khá tốt trước áp lực cung chốt lời đã mua ở vùng giá thấp.

“Tuy nhiên trước diễn biến của chủng COVID-19 mới gần đây, chúng tôi cho rằng sự thận trọng là cần thiết khi vẫn có xác suất các tin tức dồn nén trong kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán có thể sẽ tác động tiêu cực lên thị trường sau đó. Trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn dự kiến, vùng 1.000 điểm của VN-Index là vùng mua an toàn và ngược lại, nhà đầu tư có thể tận dụng các nhịp điều chỉnh ngắn với vùng hỗ trợ 1.100-1.050 để mở các vị thế mua mới,” nhóm thực hiện báo cáo đưa ra kiến nghị.

Nền tảng tế vĩ mô tiếp tục được củng cố

Ông Đinh Quang Hinh, chuyên gia phân tích Công ty chứng khoán VNDIRECT cho rằng đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ ba lây lan đến các địa phương đồng thời phát hiện một số ca dương tính đã mắc biến thể mới đã tác động làm chậm đà phục hồi của nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là trong hai tháng tới.

Theo đó, ngành dịch vụ chịu tác động mạnh nhất trong đợt COVID-19 lần thứ ba này. Cụ thể, thông tin từ các công ty du lịch và hàng không cho biết nhiều du khách đã hủy đặt chuyến bay và đặt phòng khách sạn hoặc tạm hoãn kế hoạch của họ vì sợ bị lây bệnh khi đi du lịch. Bên cạnh đó, việc phong tỏa thành phố Chí Linh và đóng cửa một số dịch vụ không thiết yếu ở các tỉnh, thành phố khác có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng của một số phân ngành dịch vụ, như phân ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống, du lịch và giải trí.

Song ông Hinh kỳ vọng lĩnh vực sản xuất ít bị ảnh hưởng bởi đợt dịch COVID-19 thứ ba, khi mà các nền kinh tế lớn trên thế giới sẽ có sự phục hồi mạnh mẽ trong những tháng tới nhờ có vắcxin. Điều này sẽ đem lại nhiều đơn đặt hàng hơn cho các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam.

“Chúng tôi nhận thấy có cả tiềm năng tăng trưởng và rủi ro tiềm ẩn của nền kinh tế trong tháng Một. Do đó, chúng ta cần thêm thời gian để quan sát và định lượng các tác động tiềm tàng đối với triển vọng nền kinh tế. Song nhìn chung, chúng tôi vẫn tin rằng nền tảng tế vĩ mô của Việt Nam sẽ tiếp tục được củng cố với thặng dư tài khoản vãng lai, thặng dư thương mại lớn, dự trữ ngoại hối tiếp tục gia tăng đồng thời áp lực lạm phát giảm. Những bước đệm này sẽ giúp Việt Nam đối phó với những rủi ro bên trong lẫn bên ngoài. Từ phân tích trên, VNDIRECT giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 của nền kinh tế Việt Nam ở mức 7,1%,” ông Hinh nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục