Chứng khoán thế giới đồng loạt đi lên trong phiên giao dịch 1/2

Chứng khoán Phố Wall phiên thứ ba liên tiếp đóng cửa trong sắc xanh, các thị trường chứng khoán châu Âu ở bên kia bờ Đại Tây Dương cũng đua nhau lên điểm.
Chứng khoán thế giới đồng loạt đi lên trong phiên giao dịch 1/2 ảnh 1Các chứng khoán viên làm việc tại sàn giao dịch New York (Mỹ). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thị trường chứng khoán toàn cầu đi lên, trong khi giá năng lượng ít biến động vào phiên 1/2, khi giới đầu tư không còn lo ngại nhiều về lãi suất trong bối cảnh lạm phát cao và căng thẳng về tình hình Ukraine kéo dài.

Chứng khoán Phố Wall phiên thứ ba liên tiếp đóng cửa trong sắc xanh, với chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,8%, lên 35.405,24 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,7% lên 4.546,54 điểm và chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tiến 0,8% và khép phiên ở mức 14.346 điểm.

Các thị trường chứng khoán châu Âu ở bên kia bờ Đại Tây Dương cũng đua nhau lên điểm. Chỉ số FTSE 100 tại London (Vương quốc Anh) tăng 1% lên 7.535,78 điểm, chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt (Đức) cũng tiến 1% lên 15.619,39 điểm.

Chỉ số CAC 40 tại Paris (Pháp) ghi thêm 1,4% và đạt mức 7.099,43 điểm. Chỉ số tổng hợp EURO STOXX 50 phiên này cũng tăng 0,9% và khép phiên ở mức 4.214,04 điểm.

Những băn khoăn xung quanh việc xoay trục chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) để đối phó với áp lực lạm phát đã khiến các thị trường chứng khoán tăng vọt trong những tuần gần đây.

Fed đã báo hiệu đợt tăng lãi suất đầu tiên kể từ năm 2018 có thể sẽ diễn ra vào tháng Ba tới, nhưng tốc độ và mức độ tăng vẫn chưa rõ ràng.

[Sắc đỏ trong tháng Một có thể mở ra một năm sóng gió cho Phố Wall]

Giới đầu tư cũng đang theo dõi căng thẳng ngoại giao giữa phương Tây và Nga về vấn đề Ukraine, cũng như tác động chưa kết thúc của đại dịch COVID-19 - vốn đã làm rối loạn chuỗi cung ứng trên toàn thế giới.

Một số nhà quan sát thận trọng rằng đợt bán tháo trong tháng 1/2022 của các thị trường có thể đã đi quá xa. Chuyên gia Adam Sarhan của công ty dịch vụ tài chính 50 Park Investment cho hay hiện thị trường đang trải qua một đợt phục hồi nhỏ do giai đoạn bán tháo quá mức trước đó.

Nhưng ông cảnh báo rằng tình hình thị trường trong những ngày tới sẽ phụ thuộc vào cách các nhà đầu tư phản ứng với các báo cáo kinh doanh và số liệu quan trọng của thị trường việc làm Mỹ công bố vào thứ Sáu (4/2 theo giờ địa phương).

Giá dầu ít biến động

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thế giới ít biến động vào phiên 1/2 do căng thẳng địa chính trị và nguồn cung toàn cầu thắt chặt đã hỗ trợ thị trường phần nào, ngay cả khi một số nhà phân tích suy đoán rằng Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất lớn ngoài khối (nhóm OPEC+) có thể tăng nguồn cung nhiều hơn dự kiến.

Phiên này, giá dầu Brent giảm 10 xu Mỹ (tương đương 0,1%) xuống 89,16 USD/thùng trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 5 xu Mỹ lên 88,20 USD/thùng.

Theo giới quan sát, OPEC+ dự kiến sẽ đưa ra quyết định giữ nguyên chính sách nâng dần sản lượng tại cuộc họp hàng tháng vào ngày 2/2 (theo giờ địa phương). Nhưng ngân hàng Goldman Sachs cho biết nhiều khả năng sự phục hồi của thị trường dầu sẽ thúc đẩy khối này tăng sản lượng nhanh hơn.

Tuy nhiên, các nguồn thạo tin cho biết cuộc họp của ban kỹ thuật OPEC+ vào ngày 1/2 đã không thảo luận về việc tăng sản lượng thêm hơn 400.000 thùng/ngày dự kiến kể từ tháng Ba.

Chứng khoán thế giới đồng loạt đi lên trong phiên giao dịch 1/2 ảnh 2Một trạm bán xăng dầu tại Paris (Pháp). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngoài ra, giá dầu phiên này cũng chịu một số áp lực do kỳ vọng rằng báo cáo nguồn cung trong tuần này sẽ cho thấy kho dự trữ dầu thô của Mỹ gia tăng, với nhiều nhà phân tích kỳ vọng mức tăng sẽ vào khoảng 1,8 triệu thùng.

Tính riêng trong tháng 1/2022, giá dầu thế giới đã tăng khoảng 17% do thiếu hụt nguồn cung, căng thẳng chính trị ở Trung Đông cũng như tranh cãi giữa Nga và phương Tây về vấn đề Ukraine./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục