Chứng khoán trên thị trường Âu-Mỹ phiên 3/10 diễn biến trái chiều

Chứng khoán Phố Wall đã ghi nhận sự phục hồi đáng ngạc nhiên, với mức tăng hơn 2% trong khi chứng khoán châu Âu giảm do lo ngại về “sức khỏe” của ngân hàng Thụy Sỹ Credit Suisse.
Chứng khoán trên thị trường Âu-Mỹ phiên 3/10 diễn biến trái chiều ảnh 1Giao dịch viên tại Sàn chứng khoán New York, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Thị trường chứng khoán Âu-Mỹ đi ngược chiều nhau trong phiên 3/10, trong đó chứng khoán Phố Wall đã ghi nhận sự phục hồi đáng ngạc nhiên, với mức tăng hơn 2%, bù đắp mức giảm trong những tuần qua mà dẫn tới tháng giao dịch tồi tệ nhất đối với thị trường này trong 20 năm qua.

Khép phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng hơn 760 điểm (2,7%) lên 29.490,89 điểm. Chỉ số tổng hợp S&P 500 tăng 2,6% lên 3.678,43 điểm, còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 2,3% lên 10.815,44 điểm.

Một cuộc khảo sát trong lĩnh vực sản xuất quan trọng cho thấy sức ép giá đang giảm xuống và nhu cầu chậm lại đã giúp thúc đẩy tâm lý thị trường trong bối cảnh có nhiều hy vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sớm rút lại các đợt tăng lãi suất tích cực của mình.

Các nhà đầu tư vẫn lo ngại về việc Fed thắt chặt chính sách để kiềm chế lạm phát đang ở mức cao nhất trong 40 năm, ngay cả khi một ngân hàng trung ương hàng đầu lặp lại thông điệp rằng chi phí cao sẽ lan rộng và cần thời gian để hạ xuống.

[Phố Wall khép lại tuần giao dịch ảm đạm, mất 9% trong tháng Chín]

Nhà phân tích Edward Moya của công ty dịch vụ tài chính OANDA (Mỹ) cho biết còn quá sớm để kêu gọi Fed chuyển hướng chính sách, song dường như các nhà giao dịch đang ngày càng tin tưởng rằng sự suy giảm tăng trưởng toàn cầu đang bắt đầu kéo theo sức ép giá cả.

Viện quản lý nguồn cung (ISM) cho biết chỉ số sản xuất đã giảm 1,9 điểm phần trăm xuống 50,9%, trên ngưỡng 50% cho thấy sự tăng trưởng, song đây là con số yếu nhất ghi nhận được kể từ tháng 5/2020. Tuy nhiên, chỉ số giá đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 6/2020.

Ở nhóm cổ phiếu riêng lẻ, cổ phiếu Tesla đã giảm 8,6% sau khi nhà sản xuất ôtô điện này ngày 30/9 báo cáo rằng mặc dù lượng xe bàn giao tăng trong quý gần nhất, nhưng tổng số xe vẫn ở mức thấp so với kỳ vọng.

Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, chứng khoán châu Âu giảm do lo ngại về “sức khỏe” của ngân hàng Thụy Sỹ Credit Suisse.

Các nhà phân tích cho rằng tâm lý của nhà đầu tư vẫn còn khá trầm lắng và yếu tố Credit Suisse chắc chắn đang gây áp lực cho thị trường châu Âu ngày hôm nay. Theo nhà phân tích này, việc một ngân hàng có hệ thống toàn cầu yêu cầu tăng vốn sẽ là một sự kiện lớn và chắc chắn có thể làm suy giảm niềm tin vào hệ thống ngân hàng.

Giá cổ phiếu của Credit Suisse đã giảm xuống mức thấp mới Zurich hôm 3/10, ban đầu giảm gần 10% xuống còn 3,61 USD/cổ phiếu, sau đó phục hồi nhẹ và khép phiên với mức giảm 8%, trong bối cảnh ngân hàng này đang tìm cách làm dịu những lo ngại về tình hình tài chính của mình.

Tờ Financial Times đưa tin các giám đốc điều hành cấp cao của ngân hàng này cuối tuần qua đã tìm cách trấn an các khách hàng và nhà đầu tư lớn về tính thanh khoản và vị thế vốn của Credit Suisse do xuất hiện những lo ngại về sức mạnh tài chính của ngân hàng.

Chỉ số FTSE 100 của London giảm 0,6% xuống 6.851,58 điểm. Chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt giảm 0,6% xuống 12.045,07 điểm, còn chỉ số CAC 40 của Paris giảm 0,9% xuống 5.711,45 điểm. Chỉ số tổng hợp EURO STOXX 50 hạ 0,7% xuống 3.295,64 điểm.

Cùng chung xu hướng với các thị trường thế giới, chứng khoán Việt Nam giảm mạnh phiên đầu tháng 10 và chỉ số VN-Index chính thức mất mốc 1.100 điểm.

Chốt phiên giao dịch ngày 3/10, VN-Index giảm 45,67 điểm xuống 1.086,44 điểm, là mức thấp nhất kể từ tháng 2/2021. HNX-Index giảm 12,08 điểm xuống 238,17 điểm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục