Đa đạng hình thức tiêu thụ nông sản, mang lại hiệu quả kinh tế

Chủ động tiếp cận thị trường, nhiều hình thức tiêu thụ nông sản đã được thiết lập đang là hướng đi của nhiều nông dân, hợp tác xã tận dụng thời cơ và vượt qua thách thức của thị trường.
Đa đạng hình thức tiêu thụ nông sản, mang lại hiệu quả kinh tế ảnh 1Người dân xã Phan Sào Nam, huyện Phù Cừ đóng hộp vải trứng đưa đi tiêu thụ. (Ảnh: Mai Ngoan/TTXVN)

Rải vụ các loại nông sản, đặc biệt là trái cây đang khá thành công và mang lại hiệu quả kinh tế cao ở nhiều vùng sản xuất. Tuy nhiên, vào những thời điểm nhất định, cao điểm của thời vụ thu hoạch thì những biến cố bất thường về thị trường vẫn luôn là yếu tố khó lường, có thể ảnh hưởng đến tiêu thụ nông sản.

Chủ động tiếp cận thị trường, nhiều hình thức tiêu thụ nông sản đã được thiết lập đang là hướng đi của nhiều nông dân, hợp tác xã tận dụng thời cơ và vượt qua thách thức của thị trường.

Bình Thuận – “thủ phủ” thanh long với 85% sản lượng là xuất khẩu nhưng chỉ khoảng 2-3% sản lượng là theo đường chính ngạch, còn lại được mua bán theo hình thức biên mậu qua thị trường Trung Quốc. Việc Trung Quốc tăng cường các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, dẫn đến tình trạng nhiều xe hàng nông sản; trong đó có thanh long bị tồn ứ tại các cửa khẩu, khiến tình hình xuất khẩu gặp không ít khó khăn.

Từ sản phẩm chỉ có đầu ra là loại tươi, trước những khó khăn của thị trường, nhiều ý tưởng chế biến sâu trái thanh long đã được không ít doanh nghiệp, hợp tác xã ứng dụng vào thực tế và tạo ra nhiều sản phẩm chế biến. Ngoài rượu vang, mứt sấy dẻo, mứt sấy khô, kẹo thì thời gian gần đây trên thị trường xuất hiện thêm một số sản phẩm như kem thanh long, tương thanh long, mỳ tôm thanh long, rượu đế…

Hợp tác xã Thanh long sạch Hòa Lệ, thị trấn Ma Lâm, Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận có 35 ha thanh long được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Năm 2020, sản phẩm thanh long sạch Hòa Lệ đã được chứng nhận sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) đạt tiêu chuẩn 4 sao. Bên cạnh xuất khẩu trái tươi, hợp tác xã đã chú trọng đến việc đầu tư chế biến sản phẩm từ thanh long.

Đến nay, hợp tác xã đã phát triển được 10 sản phẩm chế biến từ thanh long như rượu vang, rượu đế, kem, mứt, nước cốt, hoa thanh long sấy… Đặc biệt, hợp tác xã đã có thêm 2 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao là: kem thanh long và rượu đế thanh long. Bên cạnh tạo ra sản phẩm ngon, lạ, chất lượng, hợp tác xã đẩy mạnh cải tiến mẫu mã, bao bì nhằm tạo sự kích thích, thu hút người tiêu dùng.

[Xây dựng bản đồ nông sản hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho nông dân]

Bà Nguyễn Hoàng Thư Hương, Hợp tác xã Thanh long sạch Hòa Lệ cho biết việc đa dạng các sản phẩm từ thanh long không chỉ góp phần giúp người dân giải quyết bớt lượng trái thanh long tươi dôi dư mà còn góp phần tạo ra những sản phẩm mới lạ từ trái thanh long, giới thiệu đến mọi người nét đặc trưng của Bình Thuận.

Việc tạo ra dòng sản phẩm chế biến ngay từ vùng nguyên liệu không chỉ riêng với thanh long mà với các loại nông sản chủ lực của vùng, địa phương là một hướng đi đúng đắn. Điều này không chỉ giải tỏa áp lực tiêu thụ nông sản trong những lúc dư thừa mà còn góp phần đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao giá trị kinh tế.

Nhằm giải quyết lượng nông sản lớn khu vực phía Tây Bắc Bộ, Trung tâm chế biến rau quả Doveco Sơn La của Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) được xây dựng với diện tích gần 9ha tại tỉnh Sơn La hoạt động khép kín từ liên kết sản xuất, thu mua nguyên liệu; chế biến tinh, chế biến sâu và hệ thống kinh doanh bán hàng trong nước và xuất khẩu.

Đa đạng hình thức tiêu thụ nông sản, mang lại hiệu quả kinh tế ảnh 2Xoài Sơn La luôn được các doanh nghiệp đánh giá cao về chất lượng sản phẩm. (Ảnh: Quang Quyết/TTXVN)

Việc hình thành trung tâm này sẽ là điểm kết nối tiêu thụ nông sản cho chế biến bậc nhất tại khu vực. Ông Dương Văn Tần, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp Chiềng Sung (tỉnh Sơn La) cho biết, trên 20 năm gắn bó cùng nông dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, sản phẩm chính của doanh nghiệp là sản xuất ngô giống. Nhưng sản xuất ngô giống chỉ được một vụ, thời gian quỹ đất trống còn lại của năm bà con đều tự tăng vụ sản xuất các loại nông sản khác. Tuy nhiên, sản phẩm trồng được, bà con đều phải tự tiêu thụ.

Với việc hình thành Trung tâm chế biến rau quả Doveco Sơn La, Công ty cổ phần Nông nghiệp Chiềng Sung đã liên kết sản xuất ngô ngọt hay rau đậu tương cung cấp cho nhà máy chế biến để tận dụng được quỹ đất trống sau khi sản xuất ngô giống. “Như vậy, hàng năm, ngoài mức lợi nhuận khoảng 45 triệu đồng/ha trồng ngô giống cho doanh nghiệp, bà con có thêm 2 vụ ngô ngọt được đảm bảo đầu ra tiêu thụ với mức lợi nhuận từ 20-25 triệu đồng/ha” - ông Dương Văn Tần cho hay.

Tuy nhiên, vụ ngô ngọt năm nay đang thu hoạch chỉ cho tổng sản lượng bằng 50% của năm ngoái, dù năng suất đạt cao hơn. Bởi, giá thu mua ngô ngọt chưa tiệm cận được mức giá ngô thương phẩm nên nông dân chưa mặn mà với sản phẩm mới dù được đảm bảo về đầu ra tiêu thụ.

Ông Dương Văn Tần cho biết giá thu mua ngô giống của đơn vị luôn ở mức cao hơn ngô thường, đồng thời những năm gặp rủi ro về thiên tai, hạn hán doanh nghiệp cũng trích một phần lợi nhuận để chia sẻ với nông dân. Để đảm bảo lợi nhuận cũng như tạo sự yên tâm cho người nông dân trong sản xuất, công ty sẽ tiếp tục làm việc cùng Doveco Sơn La để sản phẩm có mức giá hợp lý.

Còn với các doanh nghiệp lớn khi đầu tư vào chế biến nông sản họ không sợ về việc đầu tư mà lo lắng về làm sao đảm bảo nguồn nguyên liệu để nhà máy hoạt động hiệu quả. Trong khi thực tế, nhiều ngành hàng nông sản thường không tập trung thành những vùng nguyên liệu lớn mà phân tán ở nhiều địa phương. Ngoại trừ vải thiều tập trung phần lớn ở Lục Ngạn-Bắc Giang, Thanh Hà-Hải Dương; nhãn lồng tập trung phần lớn ở Hưng Yên, những nông sản khác như thanh long, xoài, sầu riêng, mít, khoai lang… được trồng rải rác khắp cả nước.

Trước thực trạng trên, ngành nông nghiệp xác định phải tổ chức lại sản xuất thông qua kiên trì vận động, thuyết phục nông dân liên kết, hợp tác qua các mô hình kinh tế tập thể. Tuy nhiên, số lượng hợp tác xã hoạt động hiệu quả còn thấp, thiếu bền vững, quy mô thành viên và doanh thu còn khiêm tốn.

Số lượng hợp tác xã đáp ứng yêu cầu liên kết với doanh nghiệp - hỗ trợ chế biến và tiêu thụ nông sản cho thành viên hợp tác xã và nông dân, chỉ đạt gần 25% tổng số hợp tác xã. Đó là một thực trạng cần có nhiều giải pháp khắc phục.

Để phát triển thị trường trong nước, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho rằng cần đổi mới, đa dạng hóa phương thức kinh doanh nông sản, thúc đẩy hình thành và phát triển chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị nông sản, xây dựng và phát triển hạ tầng thương mại nông sản đồng bộ, hiện đại.

Bên cạnh đó, đa dạng hóa tiêu thụ nông sản qua các kênh phân phối hiện đại, thương mại điện tử và thúc đẩy, hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt. Khuyến khích các hình thức thương mại dựa trên nền tảng công nghệ mới, nền tảng số hóa, coi thương mại điện tử là công cụ quan trọng để hiện đại hóa thương mại.

Bên cạnh việc chủ động đa dạng hóa các kênh tiêu thụ nông sản, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, Bộ đang tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng, doanh nghiệp tăng cường các biện pháp hỗ trợ hoạt động thương mại biên giới, tạo thuận lợi về thủ tục thông quan, không để ứ đọng hàng hóa. Cùng với đó là triển khai các giải pháp hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại; đa dạng các biện pháp phân phối hàng hóa; kích cầu tiêu dùng trong nước để chuẩn bị cho các vụ thu hoạch nông sản.

Các địa phương có vùng nguyên liệu lớn cần chủ động phương án hỗ trợ tiêu thụ nông sản, tránh tình trạng ứ đọng hàng hóa; đồng thời thông tin kịp thời về tình hình sản xuất, lưu thông nông sản tại địa phương để chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất theo nhu cầu thị trường - Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục