Đà phục hồi của kinh tế Mỹ vẫn còn rất mong manh

Hiện ngày càng có thêm các bằng chứng cho thấy sự phục hồi của nền kinh tế lớn nhất thế giới "trượt đà" trong thời gian gần đây.
Theo kết quả khảo sát vừa công bố của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), lần đầu tiên trong năm nay, tăng trưởng kinh tế đã chậm lại ở một số khu vực của Mỹ.

Trong bối cảnh vòng nới lỏng định lượng thứ hai, hay còn gọi là QE2, dự kiến hết hiệu lực vào cuối tháng 6/2011, giới chuyên gia kinh tế cho rằng với đà tăng trưởng kinh tế vẫn đang chậm chạp và mong manh, FED sẽ phải kiên nhẫn trước khi bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ của mình.

Hiện ngày càng có thêm các bằng chứng cho thấy sự phục hồi của nền kinh tế lớn nhất thế giới này đã "trượt đà" trong thời gian gần đây. Không chỉ giá nhà ở đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi xảy ra suy thoái, ngành chế tạo - một thời dẫn đầu nền kinh tế trên con đường phục hồi - cũng suy yếu đáng kể.

Ngoài ra, theo báo mới nhất về tình hình việc làm của Chính phủ Mỹ, ngành này chỉ tạo được 54.000 việc làm trong tháng 5/2011, thấp hơn nhiều so với mức hàng tháng 200.000 mà giới chuyên gia kinh tế cho là mới đủ để giảm tỷ lệ thất nghiệp trong dài hạn. Do vậy, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ trong tháng Năm vừa qua đã tăng lên 9,1%, từ mức 9% trong tháng 4, đảo ngược xu thế giảm kéo dài 4 tháng trước đó.

Phát biểu tại một cuộc họp báo của ngành ngân hàng ngày 7/6 ở Atlanta, Chủ tịch FED Ben Berrnake thừa nhận rằng đà tăng trưởng của kinh tế Mỹ đã diễn ra chậm hơn dự kiến, đồng thời cho rằng tình trạng gián đoạn chuỗi cung, cùng với trận động đất, sóng thần hôm 11/3 ở vùng Đông Bắc Nhật Bản, đang tác động xấu đến hoạt động kinh tế của Mỹ trong quý này.

Tuy nhiên, ông Bernanke nhận định triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế số một thế giới này sẽ sáng sủa hơn trong nửa cuối năm nay. Trước đó, phát biểu tại một cuộc hóp báo cùng ngày, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng cho rằng Mỹ sẽ không rơi trở lại suy thoái, song ông bày tỏ lo ngại nền kinh tế Mỹ tạo được quá ít việc làm.

Trong một diễn biễn liên quan, theo tờ Văn Hối (Hong Kong) số ra ngày 7/6, cuộc khủng hoảng tài chính thế giới nổ ra tính tới nay đã được ba năm, nhưng tương lai kinh tế Mỹ tươi sáng hay ảm đạm vẫn rất khó đoán bởi sự hồi phục chưa vững vàng. So với những lần suy thoái trước, sự hồi phục của kinh tế Mỹ trong lần suy thoái này có tốc độ thấp nhất và xu thế suy yếu của kinh tế Mỹ khó có thể thay đổi trong thời gian ngắn.

Các chính sách kinh tế mà Mỹ đưa ra vẫn đi theo cách làm nhất quán xưa nay: xử lý vấn đề mất cân bằng kinh tế thông qua việc sử dụng đi sử dụng lại công cụ tiền tệ - nới lỏng định lượng.

Lo lắng về khả năng kinh tế chạm đáy lần thứ nữa có thể khiến FED đưa ra gói kích thích kinh tế mới. Mục đích chủ yếu của gói kích thích kinh tế lần thứ ba sẽ giống với gói lần trước, tức là trợ giúp thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản Mỹ. Tuy chính sách này có thể giúp thị trường bất động sản khởi sắc, nhưng sẽ lại khiến giá dầu và lạm phát tăng trở lại.

Tuy nhiên, một số nhà kinh tế cho rằng FED sẽ chưa thể tiến hành một chu kỳ thu mua tài sản nữa, trừ phi sự phục hồi bị "mất đà thảm hại."

Giáo sư kinh tế Paul Wachtel, thuộc Trường Kinh doanh NYU Stern, nhận xét: "QE2 - được triển khai nhằm làm tăng thêm tính thanh khoản cho hệ thống ngân hàng, giúp các ngân hàng dễ dàng hơn trong việc cho vay - đã phát đi một thông điệp rằng FED sẵn sàng làm mọi thứ để tiếp tục củng cố hệ thống tài chính. Nhưng vấn đề then chốt ở đây là FED sẵn sàng làm tất cả để các ngân hàng sung sức hơn trong hoạt động cho vay, song các nhân hàng vẫn tỏ ra do dự. Trong khi dó, QE2 chỉ phát huy hiệu quả rất khiêm tốn đối với nền kinh tế."

Ông Wachtel cũng cho rằng QE3 sẽ không phải là "phương thuốc" cho nền kinh tế Mỹ, đồng thời dự báo FED sẽ giữ nguyên tỷ lệ lãi suất thấp kỷ lục hiện nay thêm một thời gian dài nữa./.

Nguyễn Trường (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục