Đức đã bắt đầu các cuộc đàm phán với Nga về việc mua vaccine ngừa COVID-19 Sputnik V mà không đợi hành động phối hợp của Liên minh châu Âu (EU).
Đơn vị phát triển vaccine Sputnik V đã xác nhận thông tin này trên mạng xã hội Twitter tối 8/4.
Theo nguồn tin trên, các quan chức Chính phủ Đức đang thảo luận hợp đồng đặt mua vaccine Sputnik V với Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) - đơn vị tài trợ phát triển loại vaccine này.
Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn trước đó cho biết nước này sẵn sàng tự tiến hành đàm phán với Nga mà không có 26 quốc gia thành viên còn lại của EU nếu việc này có thể giúp Đức đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng.
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh việc mua vaccine vẫn phải phụ thuộc vào sự phê duyệt của Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA).
Bang Bavaria, miền Nam nước Đức, cho biết bang này đã ký ý định thư mua 2,5 triệu liều vaccine Sputnik V nếu loại vaccine này được EMA phê duyệt.
Bang Mecklenburg-Western Pomerania, miền Đông nước Đức, cũng đặt mua 1 triệu liều vaccine Sputnik V.
EMA đang xem xét để cấp phép lưu hành vaccine Sputnik V tại 27 quốc gia thành viên của EU. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Spahn, Ủy ban châu Âu cho biết cơ quan này sẽ không ký hợp đồng mua vaccine Sputnik V như với các hãng dược phẩm khác như BioNTech, vì vậy Đức sẽ đàm phán song phương với Nga.
[Đức đạt kỷ lục về số người được tiêm vaccine COVID-19 trong một ngày]
Đức bắt đầu chiến dịch tiêm chủng ngừa COVID-19 vào cuối tháng 12/2020 và hiện đang sử dụng vaccine của các hãng Pfizer/BioNTech, AstraZeneca và Moderna.
Loại thứ 4 là vaccine của hãng Johnson & Johnson dự kiến sẽ được lưu hành ở EU trong vài tuần tới.
Cho đến nay Đức vẫn phối hợp với EU trong việc mua vaccine. Việc triển khai chương trình tiêm vaccine tương đối chậm ở Đức hiện nay đã vấp phải dư luận chỉ trích trong nước khi nước này đang phải nỗ lực ngăn chặn làn sóng dịch bệnh thứ 3 diễn biến phức tạp.
Đến nay, mới chỉ có 13% dân số Đức được tiêm liều vaccine đầu tiên, trong khi số ca nhiễm mới ghi nhận ngày 8/4 là hơn 20.000 ca và hơn 300 ca tử vong.
Cùng ngày 8/4, RDIF đã yêu cầu Chính phủ Slovakia trả lại một lô vaccine gồm hàng chục nghìn liều Sputnik V để các nước khác sử dụng.
Thông báo trên tài khoản Twitter của quỹ RDIF, các nhà phát triển vaccine Sputnik V cho biết yêu cầu này liên quan đến các vi phạm hợp đồng khác nhau, cụ thể là việc kiểm nghiệm vaccine do cơ quan quản lý dược phẩm Slovakia thực hiện.
Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, thông báo nhấn mạnh cơ quan quản lý dược phẩm Slovakia đã thử nghiệm vaccine Sputnik V trong một phòng thí nghiệm không thuộc mạng lưới các phòng thí nghiệm kiểm soát thuốc chính thức của EU.
Trước đó, RDIF đã yêu cầu Slovakia tiến hành thử nghiệm lại vaccine Sputnik V, song phải thực hiện ở phòng thí nghiệm được EU chứng nhận.
Tháng trước, Slovakia đã nhập khẩu 200.000 liều vaccine Sputnik V, theo đó trở thành quốc gia thứ 2 trong EU chấp thuận vaccine của Nga sau Hungary, mặc dù EMA chưa phê duyệt loại vaccine này.
Tuy nhiên, Bộ Y tế Slovakia chưa cho phân phối ngay vaccine Sputnik V mà yêu cầu cơ quan quản lý dược phẩm thử nghiệm lại.
Ngày 8/4, cơ quan quản lý dược phẩm SUKL của Slovakia cho biết lô vaccine Sputnik V mà nước này nhận được khác với mẫu mà các nhà khoa học quốc tế và EMA đang đánh giá.
Tuy nhiên, RDIF đã bác bỏ ý kiến trên của phía Slovakia. RDIF khẳng định mọi lô vaccine Sputnik V đều có chất lượng như nhau và được kiểm tra chất lượng nghiêm ngặt tại Viện Gamaleya, nơi phát triển vaccine Sputnik V./.