Dịch COVID-19: Sức mua tại điểm bán lẻ TP Hồ Chí Minh "giảm nhiệt"

Sức mua tại hầu hết điểm bán lẻ đã "giảm nhiệt" khi các nhà bán lẻ, doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh trên địa bàn triển khai hoạt động theo quy định của thành phố đối với hoạt động thương mại.
Dịch COVID-19: Sức mua tại điểm bán lẻ TP Hồ Chí Minh "giảm nhiệt" ảnh 1Nhân viên siêu thị tại Thành phố Hồ Chí Minh bổ sung hàng hóa đầy các quầy phục vụ người tiêu dùng. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Ghi nhận trên thị trường hàng hóa Thành phố Hồ Chí Minh trong ngày 9/7, ngày đầu tiên thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ cho thấy sức mua tại hầu hết điểm bán lẻ đã "giảm nhiệt" so với 3 ngày trước đó.

Các nhà bán lẻ, doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh trên địa bàn thành phố đã triển khai hoạt động theo quy định và hướng dẫn của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đối với hoạt động thương mại.

Cụ thể, tại thành phố Thủ Đức và các quận, huyện, những đơn vị hoạt động thương mại trong nhóm được yêu cầu tạm ngưng hoạt động đã chấp hành và thu dọn gọn gàng hàng quán. Trong khi đó, một số hoạt động thương mại được phép mở cửa kinh doanh, thì người bán buôn cũng giảm quy mô và tổ chức hoạt động tinh gọn theo yêu cầu của địa phương.

Bà Minh Hằng, chủ cửa hàng tạp hóa và kinh doanh hàng ăn trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, ngay khi nhận được thông báo, quán đã tạm ngưng bán hàng ăn, chỉ bán tạp hóa. Ngoài ra, cửa hàng tạp hóa cũng chỉ chú trọng kinh doanh những nhóm mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như gạo, trứng gia cầm... để phục vụ nhu cầu người dân trong thời gian giãn cách xã hội, chứ không giới thiệu và trưng bày hàng hóa như bình thường.

Trong khi đó, ông Thanh Hiếu, chủ quán cà phê trên đường Điện Biên Phủ, quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, trước đây khi thực hiện Chỉ thị 15/CT-TTg, quán đã thực hiện quy định bán mang đi và không phục vụ khách tiêu dùng tại chỗ. Tuy nhiên, thực hiện Chỉ thị 16 thì quán phải tạm đóng cửa luôn, nhưng người dân rất ủng hộ và mong muốn đồng hành cùng Thành phố Hồ Chí Minh nhanh chóng đẩy lùi dịch COVID-19 trên địa bàn.

[Giải pháp bình ổn thị trường TP.HCM thời gian đóng cửa chợ đầu mối]

Không riêng gì những đơn vị kinh doanh nhỏ lẻ, hầu hết các nhà bán lẻ vận hành trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi chuyên kinh doanh hàng hóa tiêu dùng thiết yếu cũng đã kịp thời tổ chức lại hoạt động mua bán theo yêu cầu của Chỉ thị 16/CT-TTg. Điển hình, tại Co.opXtra Phạm Văn Đồng, thành phố Thủ Đức đã triển khai thêm giải pháp phân luồng khách hàng thay vì chỉ giãn cách mua sắm nhu trước đó.

Khách hàng tham gia mua sắm tại Co.opXtra Phạm Văn Đồng, thành phố Thủ Đức phải thực hiện khai báo y tế cũng như các quy định về phòng chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế. Hành trình mua sắm của khách hàng theo tour với lối vào và lối ra, không đi tắt hay tự do như thời điểm bình thường.

Đối với những khách hàng chưa kịp thích nghi với những biện pháp phòng chống dịch COVID-19, Co.opXtra Phạm Văn Đồng, đã phân công nhân viên hướng dẫn và nhắc nhở khách hàng thực hiện đúng quy định của siêu thị. Song song đó, hệ thống loa của siêu thị liên tục phát thông tin về quy định của Chỉ thị 16/CT-TTg và cung cấp thông tin về nguồn cung hàng hóa tiêu dùng thiết yếu đến người tiêu dùng.

Cùng với việc sức mua tại hầu hết điểm bán lẻ đã "giảm nhiệt", lượng khách hàng đến nhiều trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi chuyên kinh doanh hàng hóa tiêu dùng thiết yếu trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh cũng giảm so với những ngày cận thời điểm thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg.

Do đó, hoạt động thương mại tại điểm bán lẻ tại Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ có nguồn cung đủ đáp ứng nhu cầu thị trường, mà còn đảm bảo hàng hóa được lấp đầy quầy, kệ và không có hiện tượng đứt hàng cục bộ.

Dịch COVID-19: Sức mua tại điểm bán lẻ TP Hồ Chí Minh "giảm nhiệt" ảnh 2Nhóm mặt hàng thực phẩm đông lạnh dồi dào nguồn cung tại kênh bán lẻ. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Trao đổi với phóng viên TTXVN, anh Anh Tú, ngụ tại Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, hôm nay gia đình mới đi mua sắm thực phẩm để sử dụng cho cả tuần. Mặc dù, việc thực hiện Chỉ thị 16 hạn chế người dân đi lại, nhưng việc mua sắm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu thì không bị cấm và mỗi người dân cần nâng cao nhận thức phòng chống dịch bệnh.

Cụ thể, mỗi dịp cuối tuần, gia đình thường đi mua sắm gồm 2 người để tiện cho việc lựa chọn hàng hóa và vận chuyển về nhà. Nhưng trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát và thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg, gia đình chỉ có một người đi mua sắm và chỉ mua sắm những hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, cũng như không có tâm lý trữ hàng.

Liên quan đến nguồn cung hàng hóa tiêu dùng thiết yếu tại thành phố, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện tại Thành phố Hồ Chí Minh đảm bảo trên địa bàn có 2.833 điểm bán sẽ duy trì hoạt động xuyên suốt, nếu không liên quan đến ca nhiễm dịch COVID-19.

Nhằm ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 và Chỉ thị 16, Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh đã làm việc với nhà bán lẻ, doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh trên địa bàn tăng năng lực dự trữ và bán hàng từ 120.000-150.000 tấn/tháng. Riêng những đơn vị chủ lực như: Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) đã dự trữ được 26.000 tấn/tháng; MM Mega Market tăng dự trữ lên 60.000 tấn/tháng và một số mặt hàng có thể lên 90.000 tấn/tháng.

Mặt khác, ngành công thương Tp. Hồ Chí Minh cũng khẩn trương hỗ trợ đơn vị kinh doanh trên địa bàn đẩy mạnh kênh bán hàng online, qua điện thoại, ứng dụng công nghệ gọi xe đi chợ, đi chợ thay cho những người dân có hoàn cảnh khó khăn, không sử dụng được điện thoại để đặt hàng, mua sắm trực tuyến. Điển hình, tại Quận 3, thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các phường, nhiều hộ dân nhận được phiếu mua hàng của Co.opmart Nhiêu Lộc được phân theo địa bàn và ngày giờ đi mua cụ thể.

Tương tự, trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg, Quận Đoàn Quận 1 (Thành phố Hồ Chí Minh) triển khai đội hình "Thanh niên tình nguyện đi chợ" giúp mua hàng hóa mang đến tận nơi cho người dân trong 2 giờ. Riêng một số sàn thương mại điện tử như: Lazada.vn cũng công bố triển khai chính sách miễn phí giao hàng cho các đơn hàng thực phẩm tươi sống đối với người dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Nhằm đáp ứng nhu cầu một bộ phận người dân không có điều kiện chế biến thức ăn, trưa ngày 9/7, Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã có chỉ đạo giao Sở Công Thương có văn bản yêu cầu các hệ thống phân phối như: SaiGon Co.op, Satra, MM.Mega Market, Bách hóa Xanh, VinMart, Family Mart, Vissan... tăng lượng hàng cung ứng thực phẩm chế biến sẵn đảm bảo hàng hóa đầy đủ trên quầy, kệ với chủng loại đa dạng.

Qua đó, đơn vị kinh doanh trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân; phối hợp hệ thống giao hàng online, các hình thức phân phối trực tiếp đến tận tay người dân khi có yêu cầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục