Điều gì sẽ xảy ra ở khu vực Trung Đông thời hậu Mỹ?

Chính quyền Mỹ đang xa rời Trung Đông bằng nhiều cách khác nhau, không chỉ là việc do dự sử dụng lực lượng quân sự hoặc đóng quân ở các khu vực xung đột mà kênh ngoại giao cũng “đóng cửa im lìm.”
Binh sỹ Mỹ tuần tra tại Rumaylan thuộc tỉnh Hasakeh, Đông Bắc Syria ngày 6/11/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Binh sỹ Mỹ tuần tra tại Rumaylan thuộc tỉnh Hasakeh, Đông Bắc Syria ngày 6/11/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trang mạng project-syndicate.org đưa tin, ngày 5/8/1990, chỉ vài ngày sau khi Iraq dưới thời Tổng thống Saddam Hussein xâm chiếm Kuwait, Tổng thống Mỹ khi đó là George H.W. Bush đã tuyên bố rõ ràng từ Nhà Trắng: “Điều này không thể chấp nhận được, hành động xâm chiếm này chống lại Kuwait.”

Sáu tháng sau, chính ông Bush phạm phải lời nói của mình khi Mỹ điều binh sỹ đến Trung Đông và dẫn đầu một liên minh quốc tế giải phóng Kuwait.

30 năm sau, một vị tổng thống Mỹ rất khác biệt đã thực hiện một chính sách rất khác biệt.

Ngay sau khi rời bỏ lực lượng đối tác người Kurd ở Syria vốn đã tham gia cuộc chiến chống lại nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS), Mỹ đã “khoanh tay đứng nhìn” khi tên lửa và thiết bị bay không người lái của Iran tấn công các cơ sở dầu mỏ của Saudi Arabia.

Đây đúng là thời kỳ Trung Đông hậu Mỹ. Công bằng mà nói, đây là giai đoạn của điều gì đó lớn lao hơn khi Mỹ chưa rút khỏi khu vực.

Thực ra, Mỹ gần đây đã điều động thêm binh sỹ để ngăn chặn, và nếu cần thiết, hỗ trợ bảo vệ Saudi Arabia trước các cuộc tấn công tương lai của Iran nhằm vào Saudi Arabia và có thể nhằm cả vào Mỹ.

Thế nhưng, sự thật không thể chối cãi là Mỹ đã cắt giảm cả sự hiện diện và vai trò của mình ở khu vực mà nước này đã đóng vai trò chủ đạo trong gần 50 năm qua.

Xu hướng này bắt nguồn từ thời Tổng thống George W. Bush khi quyết định tiến hành một cuộc chiến hấp tấp vội vàng đối với Iraq trở thành một bước ngoặt trong chính sách đối ngoại của Mỹ.

Thế nhưng, chi phí tốn kém và không đem lại kết quả như mong đợi của cuộc chiến đó đã khiến người dân Mỹ phản đối sự can dự quân sự ở Trung Đông.

Tâm lý của người dân Mỹ cũng định hình chính sách của Tổng thống Mỹ tiếp theo là Barack Obama khi ông chọn cách không can thiệp quân sự ở Trung Đông mặc dù cảnh báo việc chính quyền Syria sử dụng vũ khí hóa học sẽ vượt qua “lằn ranh đỏ” và sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Đến thời Trump, ông chủ Nhà Trắng này cũng “theo gót” chính sách đảo ngược can dự quân sự của Mỹ ở Trung Đông.

Việc Mỹ tăng cường khai thác dầu khí trong nước đã làm thu hẹp tầm quan trọng của Trung Đông đối với Mỹ.

Ngoài ra, những diễn biến mới trong sự đối đầu nước lớn đã làm gia tăng sự cần thiết đối với Mỹ để nước này chuyển hướng tài nguyên và mối quan tâm của mình sang châu Âu nhằm chống lại Nga, và sang châu Á nhằm chống lại Trung Quốc.

Chính quyền Trump đã tự xa rời Trung Đông bằng nhiều cách khác nhau, không chỉ là việc do dự sử dụng lực lượng quân sự hoặc đóng quân ở các khu vực xung đột. Kênh ngoại giao cũng “đóng cửa im lìm.”

[Mỹ khẳng định vẫn duy trì lực lượng tại Syria, Afghanistan]

Trump đã chọn cách phớt lờ những vi phạm nhân quyền ở Saudi Arabia và Ai Cập, đồng thời chính quyền ông cũng không thực hiện bất kỳ nỗ lực nghiêm túc nào để giải quyết cuộc xung đột Israel-Palestine.

Nguồn gốc lớn nhất của tình trạng bất ổn trong khu vực liên quan Iran. Chính quyền Trump đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân 2015 mặc dù Tehran tuân thủ thỏa thuận này.

Sau đó, Washington còn đưa ra chính sách “gây sức ép tối đa,” chủ yếu gồm các đòn trừng phạt kinh tế hà khắc, vốn đang gây ra tác động rõ rệt đối với nền kinh tế Iran.

Mặc dù tác động của trừng phạt là rõ ràng song mục đích của trừng phạt lại không như vậy. Điều rõ ràng là Iran sẽ đáp trả cuộc chiến kinh tế của Mỹ bằng cuộc chiến của chính họ.

Cụ thể, ngoài các vụ tấn công vào cơ sở dầu mỏ của Saudi Arabia, Iran còn tấn công tàu chở dầu trong khu vực và dần dần phá hủy những giới hạn đặt ra trong thỏa thuận hạt nhân 2015.

Điều gì sẽ xảy ra ở khu vực Trung Đông thời hậu Mỹ? ảnh 1Khói bốc lên từ nhà máy lọc dầu của Saudi Arabia ở Abqaiq, sau vụ tấn công ngày 14/9/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Khi sức ép kinh tế đối với Tehran gia tăng thì Mỹ và các đồng minh sẽ chứng kiến thêm nhiều đáp trả của Iran.

Điều này đẩy Chính quyền Trump vào thế lưỡng nan. Dù không công khai song rõ ràng Washington muốn sự thay đổi chế độ ở Tehran, song 40 năm sau cách mạng Iran, chế độ này vẫn kiên cường, bất chấp các cuộc biểu tình trên đường phố.

Việc đáp trả bằng hành động quân sự đối với những hành động của Iran có thể gây ra xung đột, điều mà Trump không muốn trong bối cảnh cuộc đua tái tranh cử tổng thống 2020 đang đến gần.

Mặc khác, nếu cho phép Iran “tự tung tự tác” vượt khỏi những giới hạn của thỏa thuận hạt nhân 2015 thì sẽ làm gia tăng nguy cơ Israel sẽ tấn công Iran, kéo Mỹ vào một cuộc chiến.

[Iran đe dọa tiếp tục thu hẹp cam kết trong thỏa thuận hạt nhân]

Và ngay cả khi điều đó không xảy ra, thì việc Mỹ không hành động gì có thể dẫn đến việc có thêm ít nhất một láng giềng của Iran sẽ phát triển vũ khí hạt nhân để cân bằng với năng lực hạt nhân của Iran đồng thời dẫn đến khả năng Mỹ rút thêm binh sỹ khỏi Trung Đông.

Diễn biến này sẽ trở thành một cơn ác mộng đối với một khu vực vốn bất ổn nhất thế giới.

Giải pháp tốt nhất tới đây sẽ là Mỹ cần xác định rõ những thay đổi chính sách mà nước này mong muốn Iran thực hiện liên quan chương trình tên lửa và hạt nhân của Tehran, cũng như cách hành xử của Iran trong khu vực, và Mỹ sẽ sẵn sàng nhượng bộ điều gì.

Một chính sách như vậy cần được công khai tuyên bố, theo đó, buộc chế độ Tehran phải giải thích với người dân đang phẫn nộ của họ lý do vì sao chính quyền khước từ các biện pháp nới lỏng trừng phạt vốn rất cần thiết cho nền kinh tế để tiếp tục thực hiện các hành động gây bất ổn trong khu vực và tiếp tục các chương trình tên lửa và hạt nhân.

Trước sức ép chính trị và kinh tế gia tăng, Tehran chỉ có thể đồng ý ngồi vào bàn đàm phán, giống như nước này đã làm khi chấp nhận chấm dứt cuộc chiến tranh kéo dài với đối thủ Iraq. Thế nhưng, cho đến nay, Mỹ không có được một sáng kiến nào như vậy.

Tóm lại, Chính quyền Trump hiểu rằng việc rút khỏi Trung Đông vừa không dễ dàng gì vừa tiềm ẩn những rủi ro và tốn kém.

Mỹ vẫn có quyền lợi trong cuộc chiến chống khủng bố, chống lại hoạt động phát triển hạt nhân, hỗ trợ dòng chảy dầu khí tự do và thúc đẩy an ninh cho các đối tác của Israel và Mỹ trong thế giới Arab.

Điều Mỹ cần làm là rõ ràng: sự sẵn sàng lớn hơn trong việc sử dụng lực lượng quân sự, nếu cần thiết, và sẵn sàng sử dụng kênh ngoại giao bên cạnh trừng phạt.

Điều chưa rõ ràng lúc này là liệu một hỗn hợp chính sách như vậy có thể sớm được chính quyền đưa ra hay không./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục