Đức lùi thời điểm loại bỏ hoàn toàn nhà máy điện hạt nhân

Đức đặt 2 nhà máy điện hạt nhân là Neckarwestheim và Isar 2 trong "trạng thái chờ" nhằm đề phòng nguy cơ xảy ra khủng hoảng năng lượng.
Đức lùi thời điểm loại bỏ hoàn toàn nhà máy điện hạt nhân ảnh 1Nhà máy điện hạt nhân Neckarwestheim. (Nguồn: AP)

Đức đã quyết định tạm dừng việc loại bỏ nhà máy điện hạt nhân, theo đó đặt 2 nhà máy điện hạt nhân là Neckarwestheim và Isar 2 trong "trạng thái chờ" nhằm đề phòng nguy cơ xảy ra khủng hoảng năng lượng.

Trong thông báo ngày 5/9, Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck cho biết 2 nhà máy nêu trên (trong số 3 nhà máy điện hạt nhân còn lại của Đức) "sẽ được duy trì đến giữa tháng 4/2023 để đề phòng trường hợp cần thiết."

Cả 2 đều có công suất 1.400 megawatt và do các công ty E.ON cùng EnBW vận hành riêng biệt.

[Đức bác bỏ việc kéo dài "tuổi thọ" của các nhà máy điện hạt nhân]

Trước đó, Đức có kế hoạch loại bỏ toàn bộ các nhà máy hạt nhân của mình vào ngày 31/12 tới.

Quyết định được đưa ra sau khi các đơn vị vận hành lưới điện Đức thực hiện kiểm tra áp lực trên hệ thống, cho thấy có thể xảy ra nhiều giờ khủng hoảng cấp điện trong mùa Đông, trong bối cảnh thị trường năng lượng châu Âu bị thắt chặt.

Bộ trưởng Habeck giải thích rằng cuộc khủng hoảng này tuy "rất khó xảy ra" và Đức có nguồn cung đảm bảo, nhưng nước này "vẫn phải làm mọi thứ cần thiết để đảm bảo đầy đủ nguồn cung."

Ông cũng nêu rõ Đức không thay đổi kế hoạch ngừng sử dụng năng lượng hạt nhân và ngắt toàn bộ nhà máy điện hạt nhân khỏi lưới điện vào cuối năm nay.

Dưới thời Thủ tướng Đức Angela Merkel, năm 2011, Chính phủ Đức đã quyết định từ bỏ năng lượng hạt nhân sau khi xảy ra sự cố tại nhà máy điện hạt nhân ở tỉnh Fukushima của Nhật Bản.

Tháng Ba vừa qua, Đức đã tiến hành kiểm tra áp lực trên lưới điện và kết luận các nhà máy điện hạt nhân không còn cần thiết để đảm bảo an ninh năng lượng, do đó có thể dần loại bỏ chúng vào cuối năm nay.

Tuy nhiên, thị trường điện tại nước này bị ảnh hưởng do tình hình xung đột ở Ukraine, trong khi hóa đơn điện tăng vọt một phần do Nga cắt giảm nguồn cung khí đốt cho châu Âu.

Ngoài ra, đợt hạn hán vào mùa Hè khiến các dòng sông tại Đức khô cạn và cản trở vận chuyển than đến các nhà máy nhiệt điện./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục