Đường sắt Cát Linh-Hà Đông được giải ngân vốn vay Trung Quốc

Dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh-Hà Đông sẽ được đẩy nhanh tiến độ và khai thác vào trong năm 2018 khi nguồn vốn vay khoảng 250 triệu USD từ ngân hàng Trung Quốc đã được giải ngân.
Đường sắt Cát Linh-Hà Đông được giải ngân vốn vay Trung Quốc ảnh 1Đoàn tàu Cát Linh-Hà Đông vẫn chưa thể chạy thử nghiệm vì tiến độ lắp đặt các trang thiết bị cần thiết cho vận hành chưa hoàn thành. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh-Hà Đông sẽ được đẩy nhanh tiến độ và khai thác vào trong năm 2018 theo đúng cam kết của Tổng thầu Trung Quốc khi mới đây, một trong những vướng mắc quan trọng nhất của việc giải ngân nguồn vốn vay từ Ngân hàng phía Trung Quốc đã được tháo gỡ.

Theo lãnh đạo Ban quản lý dự án đường sắt (Bộ Giao thông Vận tải), đến nay khối lượng xây lắp của dự án đã hoàn thành 95%. Tuy nhiên, trong năm 2017 do chậm nguồn vốn bổ sung 250 triệu USD (khoảng 5.650 tỷ đồng) nên tiến độ công trình này bị chậm.

[Dự án đường sắt đô thị: Tổng thầu Trung Quốc phải tuân thủ tiến độ]

“Ngày 28/12 vừa qua, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (China Emximbank) đã chính thức thực hiện thủ tục giải ngân nguồn vốn bổ sung 250,6 triệu USD cho dự án nên Ban đã yêu cầu Tổng thầu bố trí nhân lực, lập kế hoạch từng tuần, từng tháng và bố trí vốn thanh toán cho các nhà thầu phụ; khẩn trương ký kết các hợp đồng còn lại với nhà thầu phụ,” lãnh đạo Ban quản lý dự án đường sắt cho biết.

Bên cạnh đó, Ban cũng tập trung cao nhất lực lượng để đẩy nhanh hoàn thành tiến độ dự án theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông yêu cầu Ban quản lý dự án đường sắt phối hợp với Tổng thầu EPC Trung Quốc tập trung triển khai, đẩy nhanh tiến độ thi công, lắp đặt thiết bị của dự án. Khi phát sinh vướng mắc, các đơn vị cần báo cáo ngay Bộ để giải quyết.

"Tiền đã có, đường đã xong, thiết bị đang về nên không thể nói là vướng cái này, vướng cái kia, không có lý do gì để chậm trễ thêm nữa," Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nói và yêu cầu các đơn vị liên quan phải đưa dự án vào khai thác thương mại trong năm 2018.

Theo Thứ trưởng, tháng 1/2018, Bộ Giao thông Vận tải sẽ báo cáo Chính phủ tình hình triển khai dự án và đề xuất mốc thời gian cuối để hoàn thành dự án.

[Đường sắt Cát Linh-Hà Đông vận hành chạy thử vào tháng 9/2018]

Trước đó, tại cuộc họp về đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông vừa diễn ra ngày 22/12 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể yêu cầu Tổng thầu Trung Quốc lập lại tiến độ tổng thể và chi tiết, có kế hoạch thực hiện chi tiết từng hạng mục, mốc thời gian cụ thể để quản lý tốt tiến độ đồng thời đề nghị lãnh đạo cao nhất của Tổng thầu cam kết tuân thủ tiến độ điều chỉnh lần này (cuối năm 2018) với Bộ Giao thông Vận tải để trình lên cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.

Để sớm đưa dự án về đích và khai thác, vận hành, trước đó, Tổng thầu Trung Quốc đã có đề xuất phê duyệt, lập lại tiến độ thi công các hạng mục còn lại của dự án và đề ra mốc thời gian hoàn thành các hạng mục chính.

Cụ thể, công tác xây dựng nhà ga và đường ray hoàn thành vào tháng 3/2018; trang trí kiến trúc Depot vào tháng 4/2018; hệ thống thiết bị và đào tạo thao tác thiết bị vào tháng 4-5/2018; vận hành chạy thử kỹ thuật kể từ ngày 2/9/2018 (thời gian vận hành chạy thử từ 3-6 tháng) và đủ điều kiện để đưa vào vận hành khai thác thương mại từ tháng 11/2018 (thời điểm khai thác thương mại phụ thuộc vào đơn vị tiếp nhận và quản lý vận hành khai thác).

Theo tiến độ lập lại này, dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông sẽ chậm khoảng 11 tháng so với kế hoạch gần đây là chạy thử kỹ thuật vào tháng 10/2017 và khai thác thương mại vào giữa năm 2018.

Vào ngày 26/12, đoàn tàu đô thị Cát Linh-Hà Đông đã bị đối tượng đột nhập vào công trường nhà ga Cát Linh dùng sơn vẽ chằng chịt lên thân và đầu tàu.

[Điều tra kẻ đột nhập dùng sơn vẽ lên đoàn tàu Cát Linh-Hà Đông]

Ban đã cử cán bộ ra kiểm tra thực tế hiện trường đồng thời chỉ đạo Tổng thầu EPC báo cáo cụ thể sự việc nêu trên tới cơ quan chức năng. Hiện cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra, rà soát hiện trường, điều tra sự việc.

Ngoài ra, Ban quản lý dự án đường sắt đã có văn bản hỏa tốc yêu cầu Tổng thầu lập tức tăng cường công tác bảo vệ trên toàn công trường, đồng thời có văn bản hỏa tốc gửi Công an thành phố Hà Nội và công an các quận nơi có dự án đi qua để hỗ trợ đảm bảo an ninh trật tự, an toàn, ngăn ngừa hiện tượng phá hoại tài sản công trình làm ảnh hưởng đến tiến độ của dự án./.

Dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư có tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 886 triệu USD (khoảng hơn 20.000 tỷ đồng) được thực hiện bằng nguồn vốn vay ODA Trung Quốc.

Dự kiến, tuyến đường sắt đô thị đầu tiên này được đưa vào khai thác năm 2016 nhưng phải liên tục điều chỉnh tiến độ vì nhiều lý do trong đó về nguồn vốn giải ngân là điểm nghẽn lớn nhất. Mới đây, Tổng thầu cam kết đưa dự án vào khai thác trong năm 2018.

Đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông có chiều dài tuyến đi trên cao là 13,5km (từ Cát Linh đi Hà Đông), khổ đường 1.435mm và 12 nhà ga trên cao (gồm 2 nhà ga trung chuyển Cát Linh và Đại học Quốc gia); khu Depot rộng 19,6ha tại Hà Đông. Đoàn tàu chạy với vận tốc thiết kế tối đa 80km/giờ, vận tốc bình quân khai thác 35km/giờ, khai thác với tần suất vận chuyển khoảng 2 phút/chuyến.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục