Hàn Quốc lập cơ quan giải quyết vấn đề lao động cưỡng bức thời chiến

Cơ quan giải quyết vấn đề lao động cưỡng bức thời chiến được thành lập nhằm ngăn chặn việc thanh lý tài sản của doanh nghiệp Nhật Bản mà các nguyên đơn trong vụ kiện cưỡng bức lao động đã tịch thu.
Hàn Quốc lập cơ quan giải quyết vấn đề lao động cưỡng bức thời chiến ảnh 1Người dân bị cưỡng bức lao động dưới thời đế quốc Nhật Bản đô hộ Hàn Quốc (1910-1945). (Ảnh: YONHAP/TTXVN)

Ngày 4/7, Hàn Quốc chính thức lập một cơ quan tham vấn giữa chính phủ và tư nhân, có nhiệm vụ nghiên cứu cách thức giải quyết tranh cãi ngoại giao kéo dài với Nhật Bản liên quan tới vấn đề lao động cưỡng bức thời chiến.

Theo Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, buổi họp ra mắt cơ quan mới do Thứ trưởng Ngoại giao Cho Hyun-dong chủ trì, với sự tham gia của các chuyên gia và quan chức chính phủ, cũng như đại diện các nạn nhân và thân nhân.

Trước đó, truyền thông Hàn Quốc đưa tin cơ quan trên được thành lập nhằm ngăn chặn việc thanh lý tài sản của doanh nghiệp Nhật Bản mà các nguyên đơn trong vụ kiện cưỡng bức lao động đã tịch thu.

Các nguyên đơn đang thực hiện các bước thanh lý. Tuy nhiên, Nhật Bản đã phản đối Hàn Quốc và cảnh báo rằng việc thanh lý tài sản sẽ khiến tình hình trở nên nghiêm trọng.

[Tập đoàn Nhật phải bồi thường cho nạn nhân lao động cưỡng bức Hàn Quốc]

Cơ quan này sẽ là hành động đầu tiên của chính quyền Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol nhằm giải quyết các vấn đề từ giai đoạn 1910-1945.

Nhà lãnh đạo Hàn Quốc vừa nhậm chức vào ngày 10/5 và kêu gọi một cách tiếp cận hướng tới tương lai cho mối quan hệ với nước láng giềng Nhật Bản.

Mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản đã giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua liên quan tới vấn đề lao động cưỡng bức và phụ nữ Hàn Quốc bị ép làm nô lệ tình dục cho binh sỹ phát xít Nhật trong Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Năm 2018, Tòa án Tối cao Hàn Quốc đã ra phán quyết yêu cầu hai công ty của Nhật Bản là Nippon Steel Corp. và Mitsubishi Heavy Industries Ltd. phải bồi thường thiệt hại cho các nguyên đơn Hàn Quốc.

Các công ty này đã không tuân thủ phán quyết, cho rằng vấn đề đã được giải quyết vào năm 1965 theo một hiệp định song phương được ký kết cùng với một hiệp ước thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật-Hàn.

Sau đó, các nạn nhân đã đệ đơn kiện lên các tòa án trong nước, yêu cầu thu hồi các tài sản của các công ty Nhật Bản kể trên tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, quy trình thu hồi, thanh lý tài sản chưa bắt đầu do những công ty này nộp đơn kháng cáo.

Tòa án Tối cao Hàn Quốc dự kiến sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng về vấn đề này trong những tháng tới.

Trong trường hợp phán quyết có lợi cho các nạn nhân Hàn Quốc, các công ty Nhật Bản bao gồm Mitsubishi Heavy Industries và Nippon Steel sẽ bị thu hồi, thanh lý tài sản tại Hàn Quốc. Đây được cho là “lằn ranh đỏ” mà Tokyo đã nhiều lần cảnh báo Seoul không nên vượt qua./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục