
Trong bài phân tích đăng trên tờ Bangkok Post, nhà báo chuyên về các vấn đề khu vực Kavi Chongkittavorn nhận xét Hàn Quốc đang bắt kịp Trung Quốc và Nhật Bản trong việc phát triển các quan hệ toàn diện với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Tuyên bố hồi tuần trước về Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN-Hàn Quốc lần thứ 3 sẽ được tổ chức tại Busan từ ngày 25-27/11 cùng với Hội nghị Thượng đỉnh Mekong-Hàn Quốc lần đầu tiên là một chỉ dấu về cách tiếp cận của Hàn Quốc đối với ASEAN.
Các quan chức Hàn Quốc đã mô tả quan hệ song phương giữa Hàn Quốc và ASEAN dưới thời Tổng thống đương nhiệm Moon Jae-in phát triển nhanh chóng.
Năm ngoái, ASEAN phải mất vài tháng thảo luận trước khi đồng ý tổ chức một hội nghị thượng đỉnh bên ngoài thủ đô của các nước thành viên. Hơn nữa, hội nghị thượng đỉnh lần hai mới được tiến hành cách đây 5 năm (năm 2014) cũng ở Busan. Nhờ Campuchia, quốc gia điều phối quan hệ ASEAN-Hàn Quốc nhiệm kỳ trước, việc thúc đẩy hội nghị thượng đỉnh lần ba đã thành công. Brunei, quốc gia điều phối mới, đã cam kết đưa quan hệ với Hàn Quốc - đối tác thương mại và đầu tư lớn thứ 2 của ASEAN - lên một tầm cao mới.
Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, ASEAN đã cố tránh xa Bán đảo Triều Tiên nhiều bất ổn vì lo ngại tổ chức này sẽ bị kéo vào cuộc xung đột ở đó. Hơn nữa, Thái Lan và Philippines đã tham gia lực lượng quốc tế do Liên hợp quốc hậu thuẫn tham chiến trong Chiến tranh Triều Tiên năm 1950. Khi phát triển kinh tế và uy tín quốc tế của Hàn Quốc tiếp tục gia tăng, ASEAN đã nhanh chóng để mắt tới nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới này như là một đối tác kinh tế chủ chốt.
Năm 1989, Hàn Quốc lần đầu tiên được công nhận là một đối tác đối thoại lĩnh vực, và hai năm sau đó được nâng cấp lên là đối tác đối thoại đầy đủ.
Năm 2010, Hàn Quốc được công nhận quy chế đối tác chiến lược, trước cả Mỹ và Nga, điều này cho phép Hàn Quốc mở rộng và làm sâu sắc các quan hệ với ASEAN hơn trước. Giờ đây, quan hệ ASEAN-Hàn Quốc đang ở mức tương tự như của ASEAN với 4 "ông lớn" - Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).
Theo cựu phái viên của Hàn Quốc tại ASEAN Suh Jeong, quan hệ ASEAN-Hàn Quốc có rất nhiều mặt, bao gồm hợp tác kinh tế, an ninh và văn hóa.
Trong 2 thập kỷ qua, cả hai phía đều tập trung vào các lĩnh vực thương mại và kinh tế, trong khi các vấn đề an ninh chưa được coi trọng. Hợp tác kinh tế chặt chẽ và đầu tư ngày càng tăng đã tạo ra việc làm và thúc đẩy mạnh mẽ xuất khẩu trong các nước thành viên ASEAN. Trường hợp đáng chú ý nhất là các sản phẩm của Samsung tại các nhà máy ở Thái Nguyên, Đông Bắc Việt Nam, chiếm tới gần 25% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Hiện nay, hơn 8.000 công ty của Hàn Quốc đang hoạt động tại các nước thành viên ASEAN.
Tuy nhiên, quan hệ ASEAN-Hàn Quốc đã trở nên chiến lược hơn với các cuộc tranh luận mang tính địa chính trị hơn khi bước vào thập kỷ thứ 3. Khi Triều Tiên tham gia Diễn đàn Khu vực ASEAN dưới thời Thái Lan làm Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2000, đó là một thời điểm thú vị khi có các quan chức cấp cao Bình Nhưỡng ngồi cùng với các đối tác đối thoại của ASEAN, bất chấp việc nảy sinh những thất vọng bắt nguồn từ cuộc xung đột kéo dài và những bên giữ vai trò chính khác nhau.
Can dự của ASEAN với hai miền Triều Tiên trong các khuôn khổ do tổ chức này lãnh đạo là tích cực vì ASEAN khuyến khích tập quán ngoại giao tốt của mình là sử dụng đối thoại và tránh việc sử dụng vũ lực nhằm làm giảm căng thẳng. ASEAN thuyết phục Bình Nhưỡng tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác vào năm 2008. Hiệp ước này hiện có 37 nước ở tất cả các vùng địa lý ký kết.
Năm ngoái, Bình Nhưỡng chính thức nộp đơn đề nghị trở thành một đối tác đối thoại lĩnh vực của ASEAN. Các quan chức cấp cao ASEAN hiện đang cân nhắc khả năng trao cho Bình Nhưỡng quy chế này trong năm Thái Lan làm Chủ tịch luân phiên. Hiện tại, vẫn chưa có sự đồng thuận.
Ông Suh khẳng định rằng do các quan hệ song phương ngày càng phát triển, Hàn Quốc đã nắm bắt cơ hội tiếp cận ASEAN theo những biện pháp có ý nghĩa và mang tính sáng tạo hơn cùng với những trao đổi văn hóa và giao lưu nhân dân.
Làn sóng Hallyu Hàn Quốc đã tạo cho nước này một lợi thế lớn trong việc thúc đẩy hình ảnh và tính đại chúng của họ trong khu vực. Hơn 10 triệu du khách từ ASEAN đến Hàn Quốc trong năm 2017, khiến Hàn Quốc trở thành điểm đến được ưa thích thứ hai trong khu vực, sau Trung Quốc.
Để thúc đẩy nhận thức và hiểu biết về ASEAN ở Hàn Quốc, năm 2017, Nhà Văn hóa ASEAN được thành lập ở Busan - thực thể duy nhất hoàn toàn dành riêng cho các nền văn hóa khác nhau của ASEAN.
Khác với người tiền nhiệm, Tổng thống Moon Jae-in bày tỏ quyết tâm mạnh mẽ nhằm tạo dựng một mô hình mới cho quan hệ ASEAN-Hàn Quốc, nêu cao ASEAN là một đối tác khu vực vì hòa bình và thịnh vượng.
Cùng với việc thực hiện "Chính sách phương Nam mới," Hàn Quốc có cách tiếp cận dài hơi củng cố các quan hệ với Cộng đồng ASEAN gồm 645 triệu dân nhằm đảm bảo tính liên tục, toàn diện và thực chất - điều không có trước đây.
[Hàn Quốc mong muốn mở rộng quan hệ với các nước ASEAN]
Điểm lại trước kia, ASEAN chưa có quan hệ song phương nào từng chuyển biến rõ ràng như quan hệ với Hàn Quốc. Rõ ràng là giới ngoại giao ASEAN ngay từ đầu đã hiểu rằng các nhà hoạch định chính sách ở Seoul bận tâm với việc Triều Tiên từ chối thay đổi lập trường về các chương trình hạt nhân. Do đó, quan tâm chính của Seoul là tập hợp sự ủng hộ của ASEAN đối với lập trường của họ về Bán đảo Triều Tiên.
Do Bình Nhưỡng có quan hệ với một số thành viên ASEAN từ rất lâu, đôi khi Seoul cảm thấy khó khăn để có được sự ủng hộ mang tính đoàn kết của ASEAN. Tuy nhiên, thái độ này đã thay đổi kể từ năm 2006 khi Triều Tiên rõ ràng quyết tâm trở thành một cường quốc hạt nhân có tên lửa xuyên lục địa ở mọi tầm bắn. Các tên lửa xuyên lục địa tầm trung có thể bắn tới các thủ đô của ASEAN. ASEAN đã liên tiếp đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ bày tỏ quan ngại sâu sắc về các vụ thử hạt nhân và tên lửa, đồng thời kêu gọi việc tuân thủ các nghị quyết của Liên hợp quốc về cấm vận.
Theo góc nhìn khu vực, cách tiếp cận của Tổng thống Moon Jae-in đối với Bán đảo Triều Tiên mang tính mới mẻ khi liên quan đến ASEAN. Ông nêu bật vai trò chủ chốt mà các thành viên ASEAN có thể đóng trong việc duy trì hòa bình và ổn định trên Bán đảo Triều Tiên - một sự khác biệt lớn so với chính sách đối với ASEAN trước đây. Cho tới nay, Tổng thống Moon Jae-in là nhà lãnh đạo Hàn Quốc hăng hái nhất trong việc thúc đẩy các quan hệ với ASEAN.
"Chính sách phương Nam Mới" của ông là một sự chứng nhận cho ý định can dự với ASEAN theo một cách thức bền vững và toàn diện.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN ở Singapore tháng 11/2018, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã gợi ý rằng ông Kim nên được mời tham dự Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN-Hàn Quốc lần thứ 3. Rất có khả năng ông Kim sẽ xuất hiện để gặp các nhà lãnh đạo ASEAN, những người sẽ thân thiện hơn và chắc chắn sẽ không bỏ đi hoặc có thái độ không hợp tác với ông ta. Cuối cùng, ông Kim đã gặp các nhà lãnh đạo của Singapore và Việt Nam.
Trong thời gian Philippines làm Chủ tịch ASEAN năm 2017, Triều Tiên đã đề nghị ASEAN giúp làm giảm căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên và với Mỹ. Năm ngoái, Triều Tiên cũng tìm đến các tổ chức nghiên cứu đóng ở ASEAN để hỏi những ý tưởng về Bán đảo Triều Tiên.
Campuchia, Lào, Việt Nam, Indonesia và Malaysia đã có đại sứ quán ở Bình Nhưỡng. Các quan hệ kênh hai dự kiến sẽ được tăng cường trong những tháng tới.
Ngoài hội nghị thượng đỉnh chiếm những hàng tít trên báo chí, quan hệ ASEAN-Hàn Quốc vẫn sẽ tập trung vào việc tối đa hóa lợi ích chung của mối quan hệ và hợp tác "độc nhất vô nhị" của họ.
Hai bên không có tranh chấp lãnh thổ hoặc nghi kỵ nào, do đó họ có thể giúp nhau mà không phải lo ngại, đặc biệt trong việc chuẩn bị cho Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư bằng việc xây dựng một trung tâm tiêu chuẩn cho các dịch vụ số, kể cả công nghệ Big data (dữ liệu lớn), trí tuệ nhân tạo, Internet kết nối vạn vật. Danh sách này còn kéo dài mãi nếu hợp tác kinh tế và những hoạt động xây dựng năng lực được liệt kê./.