Hàng hóa Tết 2022 tại Hà Nội: Đa dạng chủng loại, đảm bảo bình ổn giá

Những ngày cận Tết là thời điểm các siêu thị không chỉ chuẩn bị lượng hàng hóa lớn để phục vụ Tết mà còn đồng loạt áp dụng các chính sách giảm giá để hỗ trợ người tiêu dùng mua sắm.
Hàng hóa Tết 2022 tại Hà Nội: Đa dạng chủng loại, đảm bảo bình ổn giá ảnh 1Giá cả các mặt hàng sản phẩm được điều chỉnh để đảm bảo phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng trong dịp Tết (Ảnh: Việt Anh/Vietnam+)

Theo ghi nhận của phóng viên Báo điện tử VietnamPlus tại các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại và cửa hàng tiện lợi trên địa bàn Hà Nội cho thấy nguồn hàng hóa chuẩn bị phục vụ dịp Tết Nguyên đán đã tăng từ hai đến ba lần so với các tháng bình thường.

Các mặt hàng phục vụ Tết năm nay vẫn tập trung chủ yếu vào hai nhóm: Thực phẩm tươi sống như thịt bò, thịt lợn, gia cầm, rau củ, trái cây...; thực phẩm khô như gạo, bánh, mứt, kẹo, nước giải khát… Các mặt hàng đa dạng về chủng loại và xuất xứ giúp khách hàng dễ dàng có những lựa chọn phù hợp với từng nhu cầu.

Về giá cả hàng hoá phục vụ Tết, các hệ thống phân phối lớn như GO! Big C, VinMart, Co.op Mart, Hapro Mart... đồng loạt thực hiện giảm giá sâu đối với các mặt hàng thiết yếu như thịt heo, thịt gà, trứng gia cầm... Các siêu thị cũng tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi giảm giá từ 5 đến 49% cho hàng nghìn mặt hàng phục vụ dịp Tết.

Cụ thể, giá mặt hàng thịt lợn tại các siêu thị dao động trong khoảng 150.000 đồng/kg; các loại giò chả, xúc xích có giá từ 130.000 đến 190.000 đồng/sản phẩm. Trứng gia cầm dao động từ 25.000 đến 30.000 đồng/vỉ. Các sản phẩm gạo như gạo tám thơm, gạo lứt, gạo ST có giá dao động từ 100.000 đến 200.000/túi; các mặt hàng hoa quả như bưởi da xanh có giá dao động trong khoảng 40.000 đồng/kg, cam canh có giá khoảng 40.000 đồng/kg, thanh long đỏ giảm từ 34.000 đồng/kg xuống 14.000 đồng/kg, táo nhập khẩu có giá khoảng 60.000 đồng/kg. Các giỏ quà Tết có mức giá từ 300.000 đến 2 triệu đồng tùy loại.

Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp khiến nhiều người dân không thể về quê đón tết, các đơn vị đã chủ động nhập nhiều đặc sản vùng miền như bánh chưng, bánh tét, dưa hành, củ kiệu, dưa món…. Các dịch vụ bán hàng online, vận chuyển cũng được các siêu thị, cửa hàng áp dụng để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.

[Không để thiếu hàng, sốt giá dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Nhâm Dần]

Nhằm tạo điều kiện và hỗ trợ về giá cho người tiêu dùng mua sắm, hệ thống siêu thị GO!/Big C và chuỗi siêu thị Tops Market đã áp dụng chính sách bình ổn giá, triển khai đồng loạt chương trình khuyến mại bao gồm chương trình “Giá luôn luôn thấp”, áp dụng với hơn 7.000 sản phẩm tiêu dùng thiết yếu; chính sách “Khóa giá”, cam kết không tăng giá bán Tết đối với hơn 10.000 sản phẩm hàng tiêu dùng nhanh.

Bên cạnh đó, nhằm hạn chế tập trung đông người tại cùng một thời điểm, các hệ thống siêu thị cũng tăng cường các biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt để đảm bảo an toàn và thuận tiện cho người tiêu dùng mua sắm dịp cuối năm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục