Iran: Phương Tây cần đưa ra quyết định cụ thể về thỏa thuận hạt nhân

Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Iran cho biết dù các bên đã tiến đến giai đoạn đàm phán cuối cùng nhưng chưa có gì đảm bảo sẽ đạt được đích đến là ký kết một thỏa thuận.
Iran: Phương Tây cần đưa ra quyết định cụ thể về thỏa thuận hạt nhân ảnh 1Trung tâm nghiên cứu hạt nhân Natanz của Iran. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Các nước phương Tây tham gia đàm phán hạt nhân với Iran tại Vienna (Áo) cần phải đưa ra quyết định cụ thể để đạt thỏa thuận là nhận định mới được trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Iran đưa ra ngày 24/2.

Cụ thể, chia sẻ trên Twitter, ông Ali Bagheri Kani cho biết dù các bên đã tiến đến giai đoạn đàm phán cuối cùng nhưng chưa có gì đảm bảo sẽ đạt được đích đến là ký kết một thỏa thuận. Theo ông, điều này cần thêm sự cẩn trọng, kiên trì, sáng tạo và cách tiếp cận cân bằng để đi đến bước cuối cùng.

Tuần trước, truyền thông đưa tin các bên tham gia đàm phán ở Vienna đã phác thảo một thỏa thuận mở đường cho việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran ký kết năm 2015.

Các quan chức ngoại giao cho biết một số vấn đề còn mơ hồ trong bản thỏa thuận gồm việc mở lại các khoản vốn của Iran trị giá hàng tỷ USD trong các ngân hàng ở Hàn Quốc và việc trả tự do cho các tù nhân phương Tây

[Tổng thống Iran lại kêu gọi dỡ bỏ các lệnh trừng phạt do Mỹ áp đặt]

Ngày 23/2, Iran kêu gọi các nước phương Tây cần thực tế hơn trong các cuộc đàm phán đồng thời thông báo trưởng đoàn đàm phán Ali Bagheri Kani sẽ trở về Tehran để tham vấn nội bộ. Điều này được hiểu rằng các cuộc đàm phán sẽ khó có thể có đột phá trước mắt.

Thỏa thuận hạt nhân có tên gọi Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) được Iran và nhóm P5+1 (Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) ký kết năm 2015. Tháng 5/2018, cựu Tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ khỏi JCPOA và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Iran.

Sau đó khoảng 1 năm, Tehran cũng ngừng một số cam kết hạt nhân và tái khởi động các chương trình hạt nhân của mình.

Từ tháng 4/2021, 8 vòng đàm phán đã được tổ chức tại Vienna giữa Iran với các bên còn lại của JCPOA, bao gồm Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga và Đức, trong khi Mỹ tham gia một cách gián tiếp nhằm khôi phục thỏa thuận lịch sử này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục