Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, năm 2020 chứng kiến một loạt nước Arab ký thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với Israel. Về mặt nguyên tắc, thế giới Arab không còn tình trạng “đối đầu truyền kiếp” với Israel nữa.
Tuy nhiên, cũng từ đây xuất hiện một câu hỏi: Nếu Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Ai Cập tranh cãi, Israel sẽ đứng về bên nào?
Các thỏa thuận bình thường hóa quan hệ không chỉ có ý nghĩa mà còn mang lại lợi ích rất lớn đối với Israel, nhưng chắc chắn sẽ tạo ra những tình huống khó xử như đã nêu ở trên. Shakespeare có một câu nổi tiếng, đại ý “Nỗi đau chung kéo hai người lạ ngồi lại với nhau.”
Trong trường hợp này có thể thay bằng câu “Mục tiêu chính trị chung kéo hai người lạ ngồi lại với nhau.” Đó cũng là tình huống kéo Israel và Ai Cập lại với nhau hồi thập niên 1960.
Khi đó họ có chung một kẻ thù: Những kẻ cấp tiến lôi kéo Tổng thống Ai Cập Gamal Abdel Nasser vào thế đối đầu với Israel trong cuộc tranh chấp nguồn nước của Jordan.
Đồng minh số một của Israel trong khu vực hiện nay là Ai Cập và Tổng thống Abdel Fattah el-Sisi. Việc hai bên ký hiệp ước hòa bình vào năm 1979 đã giúp dịch chuyến cán cân sức mạnh trong khu vực sang phía Israel.
[Israel-UAE nhất trí về thỏa thuận hợp tác về năng lượng tái tạo]
Ông El-Sisi đã cứu Ai Cập, Trung Đông và Israel khỏi mối đe dọa của nhóm Anh em Hồi giáo- lực lượng đã lôi kéo cả khu vực vào tình trạng bất ổn và chiến tranh.
Năm ngoái, Israel đã xây dựng được một đồng minh quan trọng nhất trong nhiều năm: UAE. Việc hai bên bắt tay đã phát đi một tín hiệu cho thấy khả năng Israel có thể bình thường hóa quan hệ với Saudi Arabia là khả thi.
Đồng thời, nó cũng mở ra triển vọng Israel và UAE sẽ tăng cường hợp tác về kinh tế, an ninh cũng như cùng chống lại chủ nghĩa cực đoan trong khu vực. Mối quan hệ Israel-UAE mang lại một giá trị gia tăng cho cả khu vực Trung Đông và cho Mỹ.
Giờ đây, Ai Cập, UAE và Israel cùng đứng chung trên một chiến hào. Cả ba đều coi ảnh hưởng tầm khu vực của Iran là một nguy cơ chung; cùng chống lại tổ chức Anh em Hồi giáo; cùng lo ngại Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan sẽ nổi lên thành một đế chế ở Địa Trung Hải; cùng chống lại chính phủ Libya và ủng hộ Tướng nổi dậy Khalifa Haftar ở Liban.
Ngoài ra, cả Israel, Ai Cập và UAE đều dựa vào người “anh cả” là Mỹ.
Tuy nhiên, cả ba cũng có những khác biệt cơ bản. Trong khi các mối bất an chủ yếu của Ai Cập là lực lượng Anh em Hồi giáo, Thổ Nhĩ Kỳ và Libya ở biên giới phía Tây thì UAE và Saudi Arabia lại lo ngại Iran và các lực lượng ủy nhiệm của nước này.
Trong khi Ai Cập coi các hoạt động của Ethiopi trên sông Nile là mối đe dọa hiện hữu thì UAE lại luôn phải để mắt tới phía Nam Biển Đỏ, vùng hoạt động của lực lượng Houthi và cũng là vùng biển của Yemen.
Trong các vấn đề nêu trên, giữa các “đồng minh” cũng có nhưng mâu thuẫn và cạnh tranh lẫn nhau: UAE (thường với sự hậu thuẫn của Saudi Arabia) khá mềm dẻo trước việc Qatar ủng hộ nhóm Anh em Hồi giáo và chính phủ của Tổng thống Libya, Fayez al-Sarraj.
Mối quan hệ thâm sâu giữa Israel và Mỹ là một vấn đề khiến Cairo lo ngại. Ai Cập hoan nghênh các thỏa thuận hòa bình Israel vừa ký với UAE, nhưng Dubai và Washington không cần Cairo đứng ra dàn xếp (trên thực tế, trong vụ này Ai Cập đã bị qua mặt).
Chính quyền Mỹ sắp tới của ông Joe Biden dường như sẽ gây sức ép lên ông el-Sisi trong vấn đề nhân quyền. Như vậy, rõ ràng là tư cách đồng minh duy nhất của Israel trong một thời gian dài không giúp được gì cho Ai Cập trong con mắt của Mỹ.
Có thể Ai Cập sẽ không đánh mất vị thế là quốc gia Arab lớn nhất và hòa hợp nhất, nhưng vì phụ thuộc quá nặng nề vào viện trợ kinh tế bên ngoài, không như UAE hay các đối thủ cạnh tranh khác ở Vùng Vịnh, nên lời nói của Cairo mất hẳn sức nặng trong khu vực. Ai Cập bất lực nhìn tầm ảnh hưởng của mình ngày càng suy giảm.
Những tình huống nêu trên đặt Israel vào một vị thế nhạy cảm, buộc nước này sẽ phải rất khéo léo trong xử lý các tình huống tranh chấp giữa các đối tác- những người bạn “đồng sàng" nhưng "dị mộng”./.