Israel và Palestine: Những kiến trúc sư tự hủy diệt

Nếu như Israel tiếp tục kế hoạch sáp nhập và người Palestine tiếp tục giữ quan điểm bảo thủ, kết quả gần như chắc chắn là xung đột bạo lực sẽ tiếp tục leo thang.
Israel và Palestine: Những kiến trúc sư tự hủy diệt ảnh 1Binh sỹ Israel được triển khai để đối phó với người biểu tình Palestine tại khu vực ngoại ô Ramallah, Bờ Tây, ngày 27/3. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo Eurasiareview.com, khi Israel kỷ niệm 72 năm Ngày Độc lập, cuộc xung đột giữa Israel và Palestine tiếp tục sôi sục vì dường như không bên nào rút ra được bất cứ điều gì từ cuộc xung đột kéo dài 7 thập kỷ, và những thay đổi mạnh mẽ trên thực địa sẵn sàng bị phủ nhận. Những lời cáo buộc và phản bác tiếp tục được đưa ra.

Người Israel và Palestine vẫn không tin tưởng và đổ lỗi cho nhau gây ra sự bế tắc kéo dài. Hiện tại họ phải đối mặt với “ngã ba định mệnh” và phải đánh giá lại quan điểm của mình.

Israel phải chấp nhận rằng người Palestine không phải kẻ thù vĩnh viễn và một thỏa thuận đảm bảo an ninh quốc gia là có thể đạt được. Người Palestine phải từ bỏ một số yêu sách cố hữu, nhàm chán của họ, điều đã được chứng minh là nguyên nhân dẫn đến sự thất bại cho tất cả các cuộc đàm phán hòa bình trước đây.

Các đảng chính trị cánh hữu của Israel, do đảng Likud dẫn đầu với Thủ tướng Netanyahu cầm quyền, đã truyền bá, gây hoang mang cho người Israel và đã thành công đáng kể. Họ duy trì lập trường rằng nhà nước Palestine ở Bờ Tây chắc chắn sẽ rơi vào tay Hamas và gây ra mối đe dọa hiện hữu cho Israel.

Tư tưởng này- vốn đã thấm sâu vào ý thức của người Israel, đặc biệt là từ cuộc nổi dậy Intifada lần thứ hai năm 2000- hoàn toàn không có giá trị bởi bất cứ thỏa thuận hòa bình nào giữa hai bên phải dựa trên các thỏa thuận an ninh nghiêm ngặt, không có chỗ cho sai sót và không có sự cầu viện đối với người Palestine.

[Israel phá dỡ nhà của người dân Palestine tại Đông Jerusalem]

Việc viện dẫn những gì mà Israel biết về Hamas như sự biện minh cho việc từ chối thành lập một nhà nước Palestine ở Bờ Tây là điều không thành thật và giả tạo. Israel, thời điểm đó được lãnh đạo bởi Shamir, vị thủ tướng cực hữu nhất, đã dẫn đến sự trỗi dậy của Hamas vào năm 1987 bằng cách ủng hộ những người lãnh đạo ban đầu của phong trào này cả về tài chính và chính trị, vốn là những người phản đối Phong trào Giải phóng Nhân dân Palestine (PLO) về ý thức hệ.

Avner Cohen, một cựu quan chức tôn giáo của Israel, người đã làm việc tại Gaza vào thời điểm đó, đã tuyên bố năm 2009 rằng “Hamas là do Israel tạo ra.”

Chiến lược của Israel là chia rẽ và chinh phục bằng cách phân chia người Palestine thành hai phe để đối trọng và làm suy yếu Chủ tịch của họ lúc đó là Yasser Arafat và ngăn người Palestine hợp thành một chủ thể chính trị duy nhất."

Điều khiến vấn đề tồi tệ hơn là Israel từ chối chấp nhận kết quả của cuộc bầu cử Quốc hội Palestine năm 2006, điều này đã mang lại cho Hamas một chiến thắng rõ ràng trước PLO. Israel sau đó đã bỏ tù 33 nghị sỹ mới được bầu của Hamas, buộc tội họ tham gia một tổ chức khủng bố.

Cuối cùng, Israel đã không làm gì để ngăn chặn cuộc chiến giữa Hamas và Chính quyền Dân tộc Palestine (PA), với kết cục cuối cùng không có gì đáng ngạc nhiên là sự thất bại của PA, khiến số phận của dải Gaza rơi vào tay Hamas vào năm 2007.

Giới lãnh đạo Hamas biết rằng Israel là một cường quốc quân sự đáng gờm, và cho dù họ tích lũy được bao nhiêu tên lửa, họ sẽ bị đánh bại nếu họ gây nguy hiểm thực sự cho Israel.

Tuy nhiên, Israel cũng biết rằng Hamas tại Gaza vẫn ở đó, với những đợt bùng phát bạo lực thường xuyên và chi phí lớn mà Israel phải chi trả để duy trì an ninh. Efraim Halevy- cựu Giám đốc cơ quan tình báo Israel (Mossad)- tuyên bố rằng “Hamas có thể bị ‘nghiền nát’ nhưng Israel không muốn trả giá để thực hiện việc này.”

Lựa chọn của họ rất rõ ràng: Duy trì hiện trạng với sự phong tỏa của Israel tại nơi mà người Palestine ở Gaza phải chịu đựng nhiều nhất, hoặc đạt được thỏa thuận hòa bình sẽ giải phóng Israel khỏi gánh nặng và các mối đe dọa của Hamas vốn khiến nhiều người Israel lo ngại.

Sự thiếu tin tưởng hoàn toàn giữa PA, Hamas, Israel và sự tồn tại của những nhân vật cực đoan ở cả 3 phe, những người muốn có tất cả, khiến việc thiết lập một bộ máy an ninh được các bên nhất trí để giải quyết vấn đề an ninh của Israel ở Bờ Tây càng trở nên cấp bách.

Đây thực sự là điều kiện tiên quyết cho bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào, điều mà PA phải đồng ý nếu muốn có một quốc gia độc lập của riêng họ.

Điều này bao gồm việc tuần tra chung rộng khắp thung lũng Jordan để ngăn chặn sự xâm nhập của vũ khí và những kẻ cực đoan từ Jordan, những người phản đối bất kỳ thỏa thuận nào với Israel bất kể bản chất của nó là gì, chia sẻ thông tin tình báo để ngăn chặn các cuộc tấn công khủng bố và thiết lập các dự án phát triển kinh tế chung.

Các hoạt động này cùng các chương trình chung khác theo thời gian sẽ thúc đẩy niềm tin cũng như các lợi ích của cả hai bên để duy trì mối quan hệ hợp tác cùng có lợi.

Bất chấp bạo lực và bất ổn khu vực có thể xảy ra, chính phủ mới của Israel đang lên kế hoạch bắt tay vào việc tăng cường thôn tính lãnh thổ Palestine vào đầu tháng 7 trong khi Trump vẫn còn tại vị và Israel có thể tin tưởng vào sự hỗ trợ của Trump. Đối với Trump, động thái đó của Israel, vốn là một phần trọng tâm của “thỏa thuận thế kỷ” của ông, sẽ tăng cường hơn nữa vị thế chính trị của ông trong mắt những người theo phái Phúc âm, những người mà ông phải có được sự ủng hộ của họ nếu muốn có cơ hội chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới.

Mặt khác, Palestine không có người ủng hộ thực sự. Phần lớn cộng đồng quốc tế, bao gồm các nước ủng hộ truyền thống của họ như các quốc gia Arab và Liên minh châu Âu (EU), đang bận tâm với các vấn đề trong nước và khu vực.

Họ đang chú ý rất ít hoặc không chú ý đến vấn đề của người Palestine và nếu không có một cường quốc có thể gây áp lực thực sự, Israel sẽ không thay đổi kế hoạch của mình chừng nào Mỹ tiếp tục hỗ trợ họ đầy đủ.

Nếu như Israel tiếp tục kế hoạch sáp nhập và người Palestine tiếp tục giữ quan điểm bảo thủ, kết quả gần như chắc chắn là xung đột bạo lực sẽ tiếp tục leo thang, cướp đi quốc gia của người Palestine trong tương lai gần, còn Israel sẽ chịu những thiệt hại nặng nề.

Thời gian là điều cốt yếu, cả hai bên cần đánh giá lại cẩn thận quan điểm của họ trước khi quá muộn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục