Ký kết hợp tác hoàn thiện pháp lý phòng, chống AIDS, ma tuý và mại dâm

Các văn bản pháp luật sẽ được sửa đổi nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác xử lý hành chính đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện ma tuý, phòng chống mại dâm.
Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trao biên bản sau khi ký kết Chương trình phối hợp công tác. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)
Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trao biên bản sau khi ký kết Chương trình phối hợp công tác. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Chiều ngày 14/7 tại Hà Nội, Tòa án nhân dân tối cao và Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS đã ký kết chương trình phối hợp trong công tác phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm giai đoạn 2020-2025.

Chương trình nhằm tăng cường phối hợp, đổi mới phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo giữa hai cơ quan nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm; huy động, quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn lực sẵn có của các bên.

Phát biểu tại buổi kễ ký kết, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm biểu dương Toà án nhân dân tối cao những năm gần đây đã tích cực phối hợp với Chính phủ trình dự án luật và nhiều văn bản hướng dẫn xử lý hành chính đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc, tháo gỡ vướng mắc cho các địa phương. Phó Thủ tướng nhấn mạnh rằng việc thụ lý các vụ án liên quan đến ma tuý, mua bán dâm là một biện pháp tuyên tuyền hiệu quả đối với phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm.

Phó Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng phải vận dụng sáng tạo, linh hoạt những kinh nghiệp quốc tế về phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm vào thực tiễn của Việt Nam; hỗ trợ những người nghiện ma tuý, hành nghề mại dâm, bị nhiễm HIV như nạn nhân, người bị bệnh nhưng đồng thời phải làm hết sức để đảm bảo quyền được sống một cuộc sống yên lành của đại đa số những người dân.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tin tưởng chương trình phối hợp sẽ giúp công tác phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm có những tiến bộ mới trong thơi gian tới.

Theo chương trình ký kết, hai bên sẽ phối hợp tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kịp thời, có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với công tác phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm trong tình hình mới; tạo cơ chế phối hợp thường xuyên trong quá trình phối hợp triển khai các nhiệm vụ.

[Việt Nam đồng hành với Liên hợp quốc về phòng chống ma túy]

Trong giai đoạn 2020-2025, hai bên thống nhất phối hợp với các cơ quan chức năng hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật gồm: Nghiên cứu, xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương trong công tác xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc; thi hành quyết định cai nghiện bắt buộc; đấu tranh với tội phạm ma túy và công tác cai nghiện ma túy; phối hợp nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung dự án Luật Phòng, chống ma túy, Luật Phòng, chống HIV/AIDS, Luật Xử lý vi phạm hành chính và nghiên cứu đề xuất xây dựng dự án Luật Phòng, chống mại dâm.

Hai cơ quan cũng trao đổi cung cấp thông tin về tình hình người sử dụng ma túy; người nghiện ma túy; người nhiễm HIV; người bị đề nghị tòa án xem xét quyết định áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc; số hồ sơ không đề nghị áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc; công tác xét xử các vụ án về ma túy, mại dâm, mua bán người... để phục vụ công tác chỉ đạo điều hành, đề xuất xây dựng và hoạch định chính sách phù hợp.

Chương trình phối hợp sẽ xây dựng và triển khai thí điểm mô hình hỗ trợ, tư vấn xã hội, pháp lý và chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện ma túy với sự tham gia của Tòa án, hướng tới mô hình “Tòa hỗ trợ cai nghiện ma túy”, nhằm tăng cường kết nối giữa các cơ quan về tư pháp, hành pháp, y tế, xã hội để hỗ trợ, giám sát người nghiện ma túy, giúp họ tuân thủ điều trị và cai nghiện hiệu quả.

Ngoài ra, hai bên cũng tập trung phối hợp đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho thẩm phán trong việc thực thi pháp luật về xét xử các vụ án liên quan đến ma túy, mại dâm nhằm xét xử nghiêm minh tội phạm. Có các biện pháp bảo vệ nạn nhân trong quá trình xét xử các vụ án liên quan đến mua bán người vì mục đích mại dâm, nhất là với các nạn nhân là trẻ em./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục