Liệu khủng hoảng chính trị ở Italy có sớm được giải quyết?

Người dân Italy hầu như đã mất kiên nhẫn trước những đấu đá chính trị nội bộ giữa lúc ưu tiên hàng đầu của quốc gia là phải kiểm soát dịch COVID-19 cũng như tiến hành chương trình tiêm vắcxin cho dân.
Liệu khủng hoảng chính trị ở Italy có sớm được giải quyết? ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Pynt)

Theo trang tin https://www.independent.co.uk, cựu Thủ tướng Italy Matteo Renzi đang muốn kiểm tra uy tín vốn ở mức thấp của mình bằng cách kích động một cuộc khủng hoảng chính trị mà có thể khiến chính phủ liên minh hiện nay của Thủ tướng Giuseppe sụp đổ trong bối cảnh cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 đang ở những thời khắc quan trọng.

Hôm 13/1, cựu Thủ tướng Renzi đã quyết định rút hai bộ trưởng thuộc đảng Italy Viva (IV) của ông ra khỏi liên minh cầm quyền của Thủ tướng Giuseppe Conte.

Kết quả “ván bài quyền lực” của ông Renzi sẽ trở nên rõ ràng hơn trong tuần này khi Thủ tướng Conte có các bài phát biểu trước hai viện của Quốc hội. Nếu Thủ tướng Conte thu hút được sự ủng hộ của đa số các nghị sỹ, ông có thể tiếp tục thành lập chính phủ liên minh thứ ba của mình kể từ cuộc bầu cử năm 2018 ở Italy.

Đây không phải là lần đầu tiên cựu Thủ tướng Renzi có những động thái gây chấn động chính trường Italy. Ông Renzi lên làm thủ tướng năm 2014 sau khi hạ bệ ông Enrico Letta, vốn cũng một thành viên thuộc đảng Dân chủ (PD) của ông lúc đó.

Nhưng ba năm sau, bản thân ông Renzi đã đánh mất quyền lực của mình sau khi đặt cược mọi thứ vào cuộc trưng cầu dân ý hiến pháp mà đã bị thất bại.

[Chính phủ Italy tránh nguy cơ sụp đổ sau cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện]

Giờ đây, vị cựu Thị trưởng thành phố Florence 46 tuổi này đang nỗ lực nhằm hạ bệ Thủ tướng Conte. Ông Renzi lâu nay cáo buộc Thủ tướng Conte xử lý không phù hợp cuộc khủng hoảng COVID-19.

Trong cuộc họp báo cuối tuần qua, ông Renzi cho biết “đảng Italiy Viva không khơi mào cho cuộc khủng hoảng mà cuộc khủng hoảng đã diễn ra trong nhiều tháng.”

Các cuộc thăm dò dư luận mới nhất cho thấy tỷ lệ ủng hộ của cử tri đối với đảng Italy Viva của ông Renzi hiện chỉ ở mức 2,4%, giảm mạnh so với mức 6,2% vào thời điểm đảng này mới thành lập.

Đảng Italy Viva ra đời vào tháng 9/2019 khi ông Renzi từ bỏ đảng Dân chủ để thành lập nên đảng riêng của mình. Lúc đó, ông Renzi đã lôi kéo được 2 bộ trưởng trong nội các tham gia đảng Italy Viva và hai vị bộ trưởng này chính là thứ đòn bẩy chính trị mà ông ta đã sử dụng cho đến hôm 13/1.

Trước sự từ chức của hai bộ trưởng thuộc đảng Italy Viva, Thủ tướng Conte hiện đang phải nỗ lực nhằm thu hút sự ủng hộ của số nghị sỹ độc lập trong quốc hội.

Ông Conte hiện vẫn đang giành được sự ủng hộ của đảng PD và đảng dân túy Phong trào 5 Sao (M5S). Cả PD và M5S đều chỉ trích động thái vừa qua của cựu Thủ tướng Renzi là một hành động vô trách nhiệm.

Thủ tướng Conte dự kiến có bài phát biểu tại Hạ viện ngày 18/1 và tại Thượng viện ngày 19/1, đồng thời có thể sẽ phải trải qua các cuộc bỏ phiếu tín nhiệm. Nếu Thủ tướng Conte không giành được sự ủng hộ của đa số tại Quốc hội, ông có thể sẽ đệ đơn từ chức lên Tổng thống Sergio Mattarella. Trong trường hợp đó, một chính phủ kỹ trị sẽ được thành lập.

Các nhà phân tích cho rằng kịch bản bầu cử trước thời hạn ở Italy là kịch bản ít có khả năng xảy ra nhất do việc tổ chức vận động tranh cử cũng như bầu cử trong khi đang xảy ra đại dịch COVID-19 là khá khó khăn.

Hiện cũng có các mối quan ngại rằng phe đối lập cánh hữu sẽ củng cố được sức mạnh và có thể đứng ra lãnh đạo một chính phủ mới. Nhưng ông Conte sẽ vượt qua được cuộc khủng hoảng hiện nay nếu thu hút đủ sự ủng hộ tại cả hai viện Quốc hội. Và vẫn có khả năng đảng Italy Viva sẽ khôi phục lại sự ủng hộ đối với ông Conte.

Italy dự kiến sẽ tiếp nhận 222 tỷ euro (268 tỷ USD) các khoản vay và viện trợ không hoàn lại từ các quỹ phục hồi kinh tế của Liên minh châu Âu (EU). Đây sẽ là khoản ngân quỹ đóng vai trò quan trọng để Italy có thể hiện đại hóa đất nước cũng như tái thiết nền kinh tế vốn đang trì trệ của mình.

Mặc dù Thủ tướng Conte giành được sự ủng hộ khá cao trong giai đoạn nửa đầu của năm 2020, nhưng uy tín của ông đã có dấu hiệu sụt giảm vào mùa Thu năm 2020, thời điểm dịch COVID-19 tái bùng phát mạnh.

Chính phủ của ông Conte hiện cũng đang bị chỉ trích vì đã không duy trì được việc mở cửa trường học cho học sinh trung học phổ thông. Hiện còn có các mối quan ngại rằng Italy không có đủ nhân viên y tế để tiến hành chiến dịch tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19.

Nhưng khủng hoảng chính trị ở Italy chỉ thực sự bùng lên khi Thủ tướng Conte mới đây đưa ra một kế hoạch, theo đó bản thân ông sẽ gánh vác trách nhiệm quản lý các khoản ngân quỹ tiếp nhận từ EU. Nhà phân tích chính trị Wolfgang Piccoli đã gọi đây là “sai lầm cơ bản,” tạo điều kiện để cho cựu Thủ tướng Renzi tái khẳng định vị thế.

Hiện người dân Italy hầu như đã mất kiên nhẫn trước những đấu đá chính trị nội bộ giữa lúc ưu tiên hàng đầu của quốc gia là phải kiểm soát được dịch COVID-19 cũng như tiến hành chương trình tiêm vắcxin cho dân chúng.

Trong một cuộc thăm dò dư luận mới đây, có tới 42% số người dân được hỏi ý kiến nói rằng họ vẫn không hiểu điều gì đã gây nên những chia rẽ mới nhất trong chính phủ hiện nay./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục