Lo ngại nguy cơ bất ổn, NATO đưa quân dự bị đến Kosovo huấn luyện

Đại tá Christopher Samulki, Phó Tư lệnh khu vực phía Đông của KFOR, khẳng định quyết định điều động các binh sỹ dự bị đến Kosovo huấn luyện là một phần của kế hoạch thông thường.
Lo ngại nguy cơ bất ổn, NATO đưa quân dự bị đến Kosovo huấn luyện ảnh 1Binh sỹ thuộc lực lượng gìn giữ hòa bình do NATO đứng đầu tại Kosovo. (Nguồn: Decode39)

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngày 21/9 thông báo đã đưa các binh sỹ dự bị cho lực lượng gìn giữ hòa bình do khối này đứng đầu tại Kosovo (KFOR) tới vùng lãnh thổ ly khai từ Serbia để huấn luyện.

Động thái này được xem là cách tiếp cận cuối cùng trong cuộc tranh cãi giữa người Serbia thiểu số và chính quyền Kosovo, vốn đe dọa có thể gây bùng phát tình trạng bất ổn mới.

Đại tá Christopher Samulki, Phó Tư lệnh khu vực phía Đông của KFOR, khẳng định quyết định điều động trên là một phần của kế hoạch thông thường.

Vị chỉ huy quân đội Mỹ không nêu cụ thể về số lượng binh sỹ được đưa tới Kosovo, song đề cập đến một đơn vị “cấp tiểu đoàn," trong khi thông thường biên chế của 1 tiểu đoàn NATO có từ 500 tới 1.000 quân.

Ông Samulki nhấn mạnh số binh sỹ dự bị này được đưa tới để huấn luyện và các binh sỹ đầu tiên của Anh thuộc biên chế một đơn vị bộ binh đã có mặt tại Kosovo để đảm nhiệm vai trò là lực lượng dự bị chiến lược, trong khi các đơn vị dự bị khác đang đóng quân bên ngoài Kosovo sẽ tới vào những thời điểm khác nhau theo yêu cầu của KFOR dựa trên tình hình thực tế tại thực địa.

Những cuộc biểu tình của người Serbia tại Kosovo hồi mùa Hè, để phản đối yêu cầu của chính quyền vùng lãnh thổ này về việc buộc họ phải sử dụng biển số xe do Kosovo cấp, đã làm gia tăng xích mích giữa Belgrade và Pristina, hơn 2 thập kỷ sau khi NATO ném bom Serbia để ủng hộ công cuộc ly khai của người gốc Albania tại Kosovo.

[Quan chức Liên hợp quốc quan ngại về tình hình ở Bắc Kosovo]

Serbia không công nhận nền độc lập mà Kosovo tuyên bố năm 2008, còn người Serbia tại Bắc Kosovo coi Belgrade, chứ không phải Pristina, mới là thủ đô của họ.

Khoảng 3.700 binh sỹ KFOR vẫn đang đồn trú tại một tỉnh cũ của Serbia để ngăn chặn bạo lực giữa người gốc Albania và người Serbia.

Các rào chắn được dựng lên trong những cuộc biểu tình hồi mùa Hè vừa qua chỉ được tháo dỡ khi KFOR tham gia giám sát và Kosovo đồng ý hoãn quy định cấp biển số, với hạn chót là ngày 31/10 sắp tới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục