NATO thảo luận kế hoạch rút quân khỏi Afghanistan

Ngày 22/10, các nhà lãnh đạo quân sự của NATO đã thảo luận về kế hoạch rút quân khỏi Afghanistan, tăng cường hợp tác kỹ thuật quân sự...
Ngày 22/10, trong ngày họp đầu tiên của Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng NATO diễn ra ở Brussels, Bỉ, các nhà lãnh đạo quân sự của khối đã thảo luận các vấn đề quan trọng như kế hoạch rút quân khỏi Afghanistan, tăng cường hợp tác kỹ thuật quân sự trong NATO, vấn đề Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng thủ tên lửa của Trung Quốc và kế hoạch tập trận chung NATO.

Về vấn đề rút quân khỏi Afghanistan, các quan chức quốc phòng của Mỹ và NATO thống nhất cần tiếp tục hối thúc Quốc hội và Chính phủ Afghanistan ủng hộ thỏa thuận cho phép binh lính NATO tiếp tục đồn trú ở quốc gia này sau năm 2014 với số lượng khoảng 8.000-12.000 lính.

Bên lề hội nghị, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel và người đồng cấp Afghanistan Khan Mohammadi đã có cuộc gặp nhằm thảo luận về Hiệp định an ninh song phương Mỹ-Afghanistan.

Hiệp định này qui định số lượng quân lính và các cơ sở quân sự Mỹ được phép duy trì tại Afghanistan sau khi các lực lượng đồng minh rút khỏi quốc gia này vào cuối năm 2014.

Một trong những điểm bất đồng lớn nhất của hiệp định là việc phía Mỹ yêu cầu toàn bộ lực lượng đồn trú không chịu sự ràng buộc của pháp luật Afghanistan và các trường hợp quân nhân phạm pháp sẽ được xử lý theo luật pháp Mỹ. Bộ trưởng Mohammadi cho rằng hai bên sẽ vượt qua được những bất đồng và sớm thông qua hiệp định này.

Về hợp tác kỹ thuật quân sự trong NATO, Đức đưa ra đề xuất cần tăng cường hợp tác quân sự giữa các nhóm thuộc các nước thành viên NATO trong bối cảnh liên minh quân sự này đang vật lộn tìm cách duy trì sức mạnh quân sự nhưng vẫn phải cắt giảm chi tiêu.

Theo đề xuất của Đức, các thành viên lớn trong NATO sẽ đóng vai trò “trụ cột,” dẫn dầu một nhóm các nước đồng minh nhỏ thuộc Khối. Vì lợi ích của toàn bộ liên minh, nhóm các nước này sẽ cùng cung cấp một số trang thiết bị quốc phòng hoặc cùng phát triển một thiết bị mới dưới sự điều phối của nước trụ cột.

Ý tưởng này có thể là cách để giải quyết tình trạng thiếu hụt trang thiết bị quân sự của các nước châu Âu thuộc NATO, như vấn đề thiếu máy bay tiếp dầu trên không trong chiến dịch ném bom Libya của NATO hồi năm 2011.

Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen và Anh hoan nghênh ý tưởng trên, song một số nước khác, trong đó có Pháp, lo ngại rằng điều này có thể làm phương hại tới chủ quyền quốc gia và dẫn tới việc chuyên môn hóa quá mức.

Về vấn đề an ninh mạng, các nước đều thống nhất cần tăng cường hợp tác nhằm nâng cao khả năng phòng thủ trong không gian mạng trước các nguy cơ tấn công ngày một gia tăng.

Một chủ đề gây chú ý khác tại Hội nghị là việc NATO bày tỏ sự không hài lòng và đề nghị Thổ Nhĩ Kỳ cân nhắc lại kế hoạch đặt mua hệ thống phòng thủ tên lửa của Trung Quốc.

Tổng thư ký NATO Rasmussen cho rằng mặc dù mỗi quốc gia có quyền tự quyết nhưng Thổ Nhĩ Kỳ cần phải quan tâm tới sự thống nhất của khối trong việc sử dụng các nền tảng thiết bị quốc phòng chung. Theo ông Rasmussen, nếu lắp đặt thiết bị này của Trung Quốc, hệ thống phòng thủ của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không tương thích với hệ thống chung của khối.

Thổ Nhĩ Kỳ đã có hệ thống tên lửa Patriot do Mỹ lắp đặt được triển khai ở dọc biên giới phía Đông nhằm kiểm soát các cuộc tấn công từ Syria. Tuy nhiên, nước này vẫn theo đuổi kế hoạch xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa tầm xa mới và đã ký thỏa thuận sơ bộ với một nhà thầu Trung Quốc gói hợp đồng trị giá tới 4 tỷ USD.

Liên quan kế hoạch tập trận chung NATO, các bộ trưởng nhất trí tổ chức tập trận từ ngày 2-9/11 tại Ba Lan và các nước vùng Baltic. Cuộc tập trận mang tên Steadfast Jazz 2013 sẽ có sự tham gia của 6.000 lính tới từ 14 nước NATO.

Đây là sẽ là một trong những đợt diễn tập quân sự lớn nhất của khối này trong những năm gần đây với mục đích kiểm tra, huấn luyện và kiến chứng năng lực của Lực lượng phản ứng nhanh NATO.

Dự kiến, tất cả các đơn vị thuộc các quân binh chủng khác nhau thuộc các nước NATO và ba nước đối tác là Phần Lan, Thụy Điển và Ukraine sẽ có đại diện tham gia cuộc tập trận quy mô lớn này. Nga đã được mời tham dự với tư cách quan sát viên.

Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng NATO sẽ tiếp tục làm việc trong ngày 23/10 và kết thúc cùng ngày./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục