Nga ủng hộ thành lập khu vực thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương

Trong bài viết trên website chính thức của Điện Kremlin, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Nga ủng hộ ý tưởng hình thành Khu vực Thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP).
Nga ủng hộ thành lập khu vực thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương ảnh 1Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Nga ủng hộ ý tưởng hình thành Khu vực Thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP).

Tuyên bố này được Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra ngày 8/11 trong bài viết đăng tải trên website chính thức của Điện Kremlin nhân Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) 2017 tại Đà Nẵng, Việt Nam.

Tổng thống Putin cho biết Nga nhận thấy trong đó lợi ích thiết thực, cơ hội củng cố vị thế ở những thị trường phát triển năng động ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Ông nhấn mạnh rằng trong vòng 5 năm qua, thị phần các nền kinh tế APEC trong ngoại thương của Nga tăng từ 23% lên 31%, còn xuất khẩu tăng từ 17% lên 24%. Và Nga không có ý định dừng lại ở mức đã đạt được.

Tổng thống Nga cũng nhận định dự án thành lập khu vực thương mại tự do có quy mô lớn như FTAAP cần phải được thực hiện trên cơ sở rút ra những bài học và kinh nghiệm của các khuôn khổ hội nhập khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Âu-Á sẵn có, trong đó có Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU) mà ở đó Nga hợp tác với Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan.

Liên minh này đang phát triển năng động và Nga sẵn sàng xây dựng quan hệ với tất cả các nước và liên minh quan tâm. Tổng thống Putin cho biết thêm Việt Nam, quốc gia chủ nhà APEC 2017, đã trở thành nước đầu tiên ký kết hiệp định thương mại tự do với EAEU. Kết quả là kim ngạch thương mại song phương đã tăng lên rõ rệt.

Với tiêu đề "Hội nghị Lãnh đạo các nền kinh tế APEC lần thứ 25 tại Đà Nẵng: Cùng nhau hướng tới phát triển thịnh vượng và hài hòa," bài báo cũng nhấn mạnh việc thiết lập sự hợp tác hiệu quả nhằm hỗ trợ cho sự sáng tạo là nhiệm vụ quan trọng nhất trong kỷ nguyên năng động này.

Tổng thống Nga cũng đề xuất bắt đầu các nền kinh tế thành viên APEC tiến hành tham vấn về an ninh thông tin quốc tế và bảo vệ các phần mềm máy tính. Những đề tài này dự định sẽ được thảo luận toàn diện trong hội nghị cấp cao sắp tới.

[APEC: Thảo luận nhiều vấn đề thiết thực với cộng đồng doanh nghiệp]

APEC được thành lập năm 1989 nhằm tạo ra sự phát triển và thịnh vượng của 21 nền kinh tế thành viên. Từ khi ra đời, APEC đã trở thành một không gian thuận lợi để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Việc tăng cường tự do thương mại và đầu tư  - những trụ cột của APEC - đã góp phần đáng kể vào việc cải thiện các chỉ số kinh tế, xã hội của các nền kinh tế.

Các cơ chế mở cửa tự nguyện, đặc trưng cho APEC, đã có một lộ trình tuyệt vời và đạt được những kết quả to lớn, theo đó trao đổi thương mại nội khối tăng gấp 7 lần. Các nỗ lực liên tục của APEC đã góp phần thúc đẩy một khu vực châu Á-Thái Bình Dương phát triển như ngày nay.

Đặc biệt, trong bối cảnh môi trường kinh doanh thay đổi với sự xuất hiện các ngành dịch vụ, thương mại kỹ thuật số và chủ nghĩa bảo hộ đang có xu hướng gia tăng trên thế giới, APEC đang đóng một vai trò ngày càng quan trọng hơn trong việc thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi cho xu thế tự do hóa thương mại và đầu tư trên thế giới.

Hội nghị Cấp cao APEC 2017 được kỳ vọng sẽ phát đi một tín hiệu rõ ràng về cam kết của APEC đối với tự do thương mại và hội nhập khu vực, thực hiện "Mục tiêu Bogor" về thương mại tự do và mở cửa ở châu Á-Thái Bình Dương, được các nhà lãnh đạo APEC thông qua khi Indonesia tổ chức và chủ trì APEC 1994./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục