Ngoại trưởng Syria thăm Ai Cập lần đầu tiên sau hơn 1 thập kỷ

Chuyến thăm đầu tiên của một Ngoại trưởng Syria tới Ai Cập trong hơn một thâp kỷ qua là dấu hiệu mới nhất của việc các quốc gia Arab hàn gắn quan hệ với Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Ngoại trưởng Syria thăm Ai Cập lần đầu tiên sau hơn 1 thập kỷ ảnh 1Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry (phải) gặp người đồng cấp Syria Faisal Mekdad tại Cairo ngày 1/4/2023. (Ảnh: AFP)

Ngày 1/4, trong khuôn khổ chuyến thăm Ai Cập, Ngoại trưởng Syria Faisal Mekdad đã có cuộc gặp với người đồng cấp nước chủ nhà Sameh Shoukry tại Cairo.

Đây là chuyến thăm đầu tiên của Ngoại trưởng Mekdad trong hơn một thập kỷ và là dấu hiệu mới nhất của việc các quốc gia Arab hàn gắn quan hệ với Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Ai Cập sau cuộc gặp nêu rõ hai ngoại trưởng đã nhất trí đẩy mạnh các kênh liên lạc giữa hai nước, ở các cấp khác nhau trong giai đoạn tiếp theo.

Đại diện Ai Cập cũng nhắc lại quan điểm ủng hộ một giải pháp chính trị toàn diện cho cuộc khủng hoảng Syria càng sớm càng tốt.

Một nguồn tin an ninh giấu tên của Ai Cập cho biết chuyến công du lần này của ông Faisal Mekdad nhằm tạo nền móng cho việc Syria quay lại Liên đoàn Arab (AL) thông qua vai trò trung gian của Ai Cập và Saudi Arabia.

AL đã đình chỉ tư cách thành viên của Syria năm 2011 và nhiều nước Arab cũng rút cơ quan đại diện ngoại giao khỏi Damascus thời gian đó.

Trong cuộc gặp ngày 1/4, Ngoại trưởng Ai Cập cũng nhắc lại cam kết sẽ hỗ trợ cho các nạn nhân thảm họa này.

Ngoại trưởng Ai Cập Shoukry đã tới Syria và Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 2 vừa qua sau khi hai quốc gia này hứng chịu trận động đất kinh hoàng xảy ra vào ngày 6/2 khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng.

Ngoại trưởng Syria thăm Ai Cập lần đầu tiên sau hơn 1 thập kỷ ảnh 2Đoàn xe chở hàng cứu trợ cho các nạn nhân thảm họa động đất tới vùng Tây Bắc Syria ngày 12/2/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ai Cập đã cử tàu hải quân chở hàng trăm tấn hàng cứu trợ, lực lượng cứu hộ, cùng các máy bay quân sự chở hàng viện trợ nhân đạo, vật tư y tế và lều bạt tới Syria để hỗ trợ các nạn nhân của trận động đất.

Triển vọng bình thường hóa quan hệ giữa Syria và các nước Arab ngày càng rõ ràng qua hàng loạt tín hiệu thời gian qua.

Trong khi một số nước, trong đó có Mỹ và Qatar, hiện vẫn phản đối việc nối lại quan hệ với chính quyền của Tổng thống Assad, các cường quốc khu vực như Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) gần đây ngày càng phát đi tín hiệu cởi mở đối với Syria.

Ngày 19/3, Tổng thống Syria al-Assad đã thực hiện chuyến thăm chính thức đến UAE - quốc gia đã bình thường hóa quan hệ với Syria từ năm 2018 và đi đầu trong các nỗ lực viện trợ sau thảm họa động đất.

[Ai Cập kêu gọi ủng hộ Syria "quay trở lại với thế giới Arab"]

Các nhà phân tích cho rằng động lực ngoại giao được tạo ra sau các nỗ lực của cộng đồng quốc tế trợ giúp Syria khắc phục hậu quả trận động đất có thể thúc đẩy cải thiện quan hệ của Damascus với các nước Trung Đông.

Ngay sau vụ động đất thảm khốc, nhiều nước trong khu vực đã nhanh chóng thể hiện sự hậu thuẫn về chính trị, tài chính và nhân đạo cho Syria để cứu hộ, cứu nạn khẩn cấp các nạn nhân của trận động đất.

Một số nước Arab tận dụng dịp này để khởi động tiến trình bình thường hóa quan hệ ngoại giao và hợp tác song phương, đa phương với Syria.

Ngoại trưởng Syria thăm Ai Cập lần đầu tiên sau hơn 1 thập kỷ ảnh 3Tổng thống Syria Bashar al-Assad (trái) và Tổng thống UAE Mohammad bin Zayed Al-Nahyan tại cuộc gặp ở Abu Dhabi ngày 19/3/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngoại trưởng UAE, ông Sheikh Abdullah bin Zayed Al Nahyan, đã đến thăm Syria trong tháng 2, trở thành quan chức cấp cao đầu tiên của các nước Vùng Vịnh tới đây kể từ sau trận động đất.

Tháng 2/2023, Ngoại trưởng Saudi Arabia, quốc gia cũng đã gửi viện trợ giúp các nạn nhân động đất tại Syria, cho biết các nước Arab đang dần đạt đồng thuận rằng cần có một cách tiếp cận mới với Damascus để giải quyết các cuộc khủng hoảng nhân đạo hiện nay tại nước này.

Tương tự, Ngoại trưởng Jordan Ayman Safadi đã đến Damascus để thể hiện tình đoàn kết và bày tỏ sự ủng hộ đối với người dân Syria sau thảm họa động đất.

Đáng chú ý, nghị quyết của hội nghị lần thứ 34 Liên minh Nghị viện Arab (APU) tại thủ đô Baghdad (Iraq) ngày 25/2, nhấn mạnh sự cần thiết phải đưa Syria trở lại AL.

Thêm vào đó, việc Saudi Arabia và Iran bất ngờ đạt được thỏa thuận nối lại quan hệ song phương hồi tháng 3/2023 cũng mở đường cho việc bình thường hóa quan hệ giữa Syria với các nước Arab.

Trong khi Iran ủng hộ chính quyền của Tổng thống al-Assad, thì Saudi Arabia lại đứng đằng sau lực lượng nổi dậy ở Syria. Vì thế, việc những nước bảo trợ cho hai phe đối đầu bắt tay hòa giải cũng sẽ tác động đến cuộc xung đột ở Syria.

Những diễn biến trên được xem là tín hiệu tích cực được gửi đi từ các nước trong khu vực để Syria sớm quay trở lại thế giới Arab, đồng thời cũng là nhân tố thúc đẩy tiến trình hòa bình ở quốc gia này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục