Nguy cơ leo thang cuộc chiến ngầm giữa Iran và Israel

Các nhà lãnh đạo Iran đã lên án việc Israel chiếm đóng các vùng đất của người Palestine và đứng về sự nghiệp của người Palestine.
Nguy cơ leo thang cuộc chiến ngầm giữa Iran và Israel ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: istockphoto.com)

Mối quan hệ giữa Iran và Israel vẫn luôn trong tình trạng căng thẳng kể từ khi Iran chuyển đổi thành nước cộng hòa Hồi giáo hơn bốn thập kỷ trước và mỗi bên đều liên tục khẳng định bên kia là mối đe dọa lớn đối với an ninh quốc gia của mình.

Các nhà lãnh đạo Iran đã lên án việc Israel chiếm đóng các vùng đất của người Palestine và đứng về sự nghiệp của người Palestine.

Trong khi đó, các nhà lãnh đạo Israel quyết liệt tìm cách ngăn chặn ảnh hưởng trong khu vực và chương trình hạt nhân của Iran, đồng thời duy trì vị thế của Israel như là cường quốc hạt nhân duy nhất ở Trung Đông.

Phóng viên TTXVN tại Sydney khai thác bài phân tích của Giáo sư Amin Saikal, trường Đại học Tây Australia về các cuộc chiến ngầm giữa Iran và Israel đồng thời đánh giá về tác động của việc nối lại thỏa thuận hạt nhân Iran ảnh hưởng đến quan hệ song phương, đăng trên trang của Viện Chính sách Chiến lược Australia (ASPI) ngày 15/7.

[Cuộc chơi mới đầy mạo hiểm của Iran tại khu vực Trung Đông]

Theo bài viết, trong những năm gần đây, hai quốc gia đã tham gia vào một cuộc chiến “trong bóng tối.”

Tổng thống đắc cử theo đường lối cứng rắn của Iran Ebrahim Raisi và Thủ tướng Israel Naftali Bennett gần đây đã thêm một chất xúc tác mới vào mối quan hệ thù địch giữa hai bên.

Ông Raisi là một tín đồ nhiệt thành của người sáng lập Cộng hòa Hồi giáo Iran, Ayatollah Khomeini và có chung lập trường chống lại Israel.

Ông đã tái khẳng định quan điểm về Israel như một kẻ chiếm đóng tàn ác các vùng lãnh thổ của người Palestine, bao gồm cả Jerusalem, địa điểm linh thiêng thứ ba của Hồi giáo sau Mecca và Medina.

Dưới nhiệm kỳ tổng thống của ông, sẽ không có gì thay đổi trong quan điểm của Iran rằng Israel là một mối đe dọa nguy hiểm.

Trong khi đó, Thủ tướng Bennett cũng chứng tỏ ông là người có quan điểm chống Iran không kém người tiền nhiệm Benjamin Netanyahu.

Ông đã chỉ trích cuộc bầu cử vừa qua của Iran, tuyên bố rằng “Một chế độ treo cổ tàn bạo không bao giờ được phép có vũ khí hủy diệt hàng loạt.”

Ông Bennett đã mạnh mẽ thúc giục chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden không khôi phục Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) năm 2015 mà cựu Tổng thống Donald Trump đã đưa Mỹ ra khỏi vào tháng 5/2018 đồng thời áp đặt một loạt lệnh trừng phạt nhằm vào Iran.

Giống như ông Netanyahu trước đây, ông Bennett cam kết sẽ làm bất cứ điều gì có thể để ngăn chặn Iran có được năng lực hạt nhân quân sự, ngay cả khi điều đó có nghĩa là Israel phải tự mình hành động.

Tehran đã nhiều lần khẳng định rằng chương trình hạt nhân của nước này là vì mục đích hòa bình.

Các cuộc đàm phán hạt nhân hiện tại ở Vienna, bao gồm các cuộc đàm phán gián tiếp giữa các phái đoàn Iran và Mỹ, vẫn chưa có được một kết quả rõ ràng nhưng cả Tehran và Washington đều nói rằng họ đang đi đúng hướng.

Ông Raisi cũng như lãnh đạo tối cao Khamenei đều tuyên bố ủng hộ một cách thận trọng các cuộc đàm phán, mặc dù có thể thấy các lãnh đạo Iran không thực sự tin tưởng vào Mỹ, qua việc ông Raisi từ chối bất kỳ cuộc gặp nào với ông Biden.

Trong trường hợp có khả năng các cuộc đàm phán dẫn đến khôi phục JCPOA, dựa trên việc Iran khôi phục tất cả các cam kết đối với thỏa thuận và Mỹ dỡ bỏ lệnh trừng phạt, thì sự thù địch giữa Israel và Iran có thể sẽ leo thang hơn nữa.

Hai thế lực đối địch trong khu vực đã tiến hành các hoạt động bí mật chống lại nhau trong nhiều năm.

Israel đã nhiều lần nhắm mục tiêu vào các lực lượng Iran và các đồng minh của Iran, như Hezbollah ở Liban và chế độ của Bashar al-Assad ở Syria, đồng thời được cho là đứng sau vụ ám sát các nhà khoa học hạt nhân của Iran và thực hiện các cuộc tấn công mạng tinh vi vào các cơ sở hạt nhân nước này.

Israel cũng bị cáo buộc đã tấn công các tàu của Iran, với vụ mới nhất là tàu MV Savis của Iran ở Biển Đỏ vào tháng 4/2021.

Vụ việc đã xảy ra vào ngày đầu tiên của cuộc đàm phán ở Vienna, có thể được coi là một dấu hiệu phản đối của Israel.

Iran không chỉ ủng hộ Hezbollah và các nhóm Hồi giáo Hamas và lực lượng thánh chiến tại Gaza, vốn là các kẻ thù đáng gờm của Israel, mà còn nhắm vào các tài sản của Israel hoặc liên quan đến Israel, bao gồm cả các loại tàu thuyền, bất cứ khi nào và bất cứ nơi nào có thể.

Đầu năm 2021, tàu chở hàng MV Helios của Israel đã bị hư hỏng nặng trong một vụ nổ khi đi qua Vịnh Oman, nơi Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) hoạt động. Israel đã đổ lỗi cho IRGC bất chấp việc Tehran phủ nhận sự liên quan.

Tình hình hiện tại mang đến mối đe dọa về một cuộc đối đầu lớn giữa Israel và Iran trong thời gian tới do cố ý hoặc tính toán sai lầm, điều sẽ gây hại không chỉ cho hai quốc gia này mà còn cho cả khu vực và hơn thế nữa.

Bất luận mong muốn của chính quyền ông Biden tránh để Mỹ tham gia vào một cuộc chiến khác ở Trung Đông, nhưng nếu chiến tranh nổ ra giữa Israel và Iran, Washington sẽ thấy có nghĩa vụ phải hỗ trợ nhà nước Do Thái theo Đạo luật Đối tác Chiến lược Mỹ-Israel.

Trong khi đó, Nga và Trung Quốc có thể được kỳ vọng sẽ cùng Iran thực hiện một mục tiêu chung chống Mỹ bởi Iran được coi là đối tác chiến lược thân thiết của họ.

Việc giải quyết tranh cãi về JCPOA là con dao hai lưỡi. Nó có thể khôi phục thỏa thuận có lợi cho không chỉ Iran mà còn cho các bên ký kết khác - Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nga và Trung Quốc - những nước coi đây là công cụ tốt nhất để kiềm chế bất kỳ tham vọng hạt nhân quân sự nào mà Tehran có thể có.

Trong khi đó, nó cũng có thể thúc đẩy Israel leo thang đối đầu với Iran - điều mà chính quyền ông Biden phải đảm bảo không xảy ra./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục