Nhật Bản hy vọng vấn đề công dân bị bắt cóc sớm được giải quyết

Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono đã bày tỏ hoan nghênh cuộc gặp Mỹ-Triều lần thứ 3 và hy vọng cuộc gặp sẽ giúp giải quyết vấn đề công dân Nhật Bản bị bắt cóc trong quá khứ.
Nhật Bản hy vọng vấn đề công dân bị bắt cóc sớm được giải quyết ảnh 1Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono. (Nguồn: AP)

Ngày 30/6, Nhật Bản hy vọng cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều tại làng đình chiến Panmunjom ở biên giới liên Triều sẽ giúp khôi phục các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa đang bế tắc, cũng như giúp giải quyết vấn đề công dân Nhật Bản bị bắt cóc trong quá khứ.

Phát biểu với báo giới sau cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono đã bày tỏ hoan nghênh cuộc gặp, cho rằng đây là bước ngoặt để nối lại đàm phán Mỹ-Triều.

Ông bày tỏ hy vọng cuộc gặp này sẽ tạo đà cho những nỗ lực hướng tới phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Trong cuộc điện đàm, cả ông và người đồng cấp Pompeo đều nhất trí phối hợp các biện pháp tiếp cận Triều Tiên.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có cuộc gặp mang tính lịch sử với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Khu phi quân sự (DMZ) phân chia hai miền Triều Tiên.

Cuộc gặp này diễn ra một cách bất ngờ trong bối cảnh đàm phán hạt nhân Mỹ-Triều bị đình trệ.

Tokyo vẫn đang theo dõi chặt chẽ xem liệu Mỹ và Triều Tiên có tiến tới đàm phán phi hạt nhân hóa và cải thiện quan hệ hay không.

Nếu thành sự thực, điều này sẽ tạo điều kiện cho Chính phủ Mỹ thúc đẩy cuộc gặp thượng đỉnh giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Thủ tướng Abe đang hướng tới cuộc đối thoại trực tiếp với nhà lãnh đạo Triều Tiên nhằm giải quyết vấn đề các công dân Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc trong những năm 1970 và 1980, vốn là trở ngại lớn trong quan hệ Nhật-Triều.

Thủ tướng Abe từng tuyên bố sẽ không gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên cho đến khi đảm bảo được phương án giải quyết vấn đề công dân Nhật Bản bị bắt cóc.

Tuy nhiên, gần đây ông đã thay đổi lập trường khi bày tỏ mong muốn gặp gỡ nhà lãnh đạo Kim Jong-un mà không cần điều kiện tiên quyết nhằm tháo gỡ các vấn đề song phương còn tồn tại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục