Nhóm G20 có thể chỉ gia hạn chương trình giãn nợ thêm 6 tháng

G20 sẽ nhóm họp trong ngày 14/10 sau khi cam kết hồi tháng Tư sẽ giãn nợ cho các nước nghèo nhất thế giới vào cuối năm khi các nước này đối mặt với sự suy giảm kinh tế mạnh do đại dịch COVID-19.
Nhóm G20 có thể chỉ gia hạn chương trình giãn nợ thêm 6 tháng ảnh 1Đo thân nhiệt phòng lây nhiễm COVID-19 tại một trường học ở bang Oyo, Nigeria. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass cho biết Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và đang nổi hàng đầu thế giới (G20) có thể chỉ phê duyệt gia hạn chương trình giãn nợ thêm sáu tháng.

G20 sẽ nhóm họp trong ngày 14/10 sau khi cam kết hồi tháng Tư sẽ giãn nợ cho các nước nghèo nhất thế giới vào cuối năm khi các nước này đối mặt với sự suy giảm kinh tế mạnh do đại dịch COVID-19.

Trong tuyên bố hồi tháng Chín, Saudi Arabia - nước đang giữ cương vị Chủ tịch G20, cho hay 46 quốc gia đã đăng ký giãn nợ theo Sáng kiến Hoãn thanh toán nợ (DSSI) được các thành viên của G20 thông qua tháng 4/2020.

Trong sáng kiến này có đề nghị hoãn các khoản thanh toán nợ song phương chính thức nhằm giải tỏa các khoản ngân quỹ dành cho các quốc gia để tập trung vào chống đại dịch COVID-19.

Tuy nhiên, ông Malpass cho biết chương trình giãn nợ sẽ thu hẹp hơn dự kiến khi không phải tất cả các chủ nợ đều tham gia đầy đủ, với chỉ 5 tỷ USD được cấp, thấp hơn mức dự kiến từ 8-11 tỷ USD. Theo ông, ngay cả khi dịch bệnh vẫn hoành hành, việc hoãn trả nợ thêm một năm nữa là điều khó xảy ra.

[IMF hỗ trợ tài chính khẩn cấp cho 28 nước nghèo nhất thế giới]

WB mới đây cho hay khoản nợ của 73 quốc gia nghèo nhất thế giới đã tăng 9,5% trong năm ngoái lên mức kỷ lục 744 tỷ USD. Thống kê này cho thấy nhu cầu cấp thiết đối với các chủ nợ lẫn những người đi vay trong việc hợp tác ngăn chặn nguy cơ ngày càng tăng của một cuộc khủng hoảng nợ do đại dịch COVID-19 gây ra.

Theo báo cáo của WB, năm ngoái, khoản nợ của các quốc gia nghèo nhất thế giới đối với các chủ nợ chính phủ, hầu hết là các nước G20, lên tới 178 tỷ USD, trong đó Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất khi chiếm tới 63% tổng số nợ, tăng so với mức 45% năm 2013.

Ông Malpass cũng chỉ trích việc thiếu sự tham gia của các chủ nợ tư nhân, đồng thời cảnh báo các nước giàu hơn đang không chia sẻ đầy đủ trách nhiệm giảm nợ cho các nước nghèo.

Ông một lần nữa kêu gọi đảm bảo minh bạch về các điều khoản nợ, đề cập Trung Quốc - nước mà ông cho rằng trong một số trường hợp đã giãn nợ gốc song vẫn tiếp tục thu lãi, điều này càng làm gia tăng gánh nặng nợ thay vì giảm nợ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục