Những hệ lụy khi Mỹ cắt giảm binh sỹ đồn trú tại Đức

Mặc dù kế hoạch này vẫn chưa được xác nhận chính thức, song có 22 nghị sỹ của đảng Cộng hòa trong Ủy ban Quân vụ Hạ viện gửi thư tới Tổng thống Trump cảnh báo không nên rút quân Mỹ khỏi Đức.
Những hệ lụy khi Mỹ cắt giảm binh sỹ đồn trú tại Đức ảnh 1Binh sỹ Mỹ tham gia một cuộc tập trận tại Grafenwoehr, miền nam Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 5/6, báo chí Mỹ nhận được thông tin Tổng thống Donald Trump ra lệnh cho Lầu Năm Góc giảm hơn một phần tư số quân nhân Mỹ đồn trú ở Đức, từ gần 35.000 hiện nay xuống còn 25.000 trong những tháng tới.

Mặc dù kế hoạch này vẫn chưa được xác nhận chính thức, song ngày 10/6, có 22 nghị sỹ của đảng Cộng hòa trong Ủy ban Quân vụ Hạ viện gửi thư tới Tổng thống Trump cảnh báo không nên rút quân Mỹ khỏi Đức.

Các nhà lập pháp đảng Cộng hòa lập luận rằng việc giảm quân số và đặt ra một mức trần về số binh sỹ Mỹ ở châu Âu sẽ làm suy yếu khối liên minh quân sự Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

[Đức xác nhận việc Mỹ đang cân nhắc giảm quân số đồn trú]

Thư của của 22 nghị sỹ Mỹ lưu ý rằng binh sỹ Mỹ được triển khai ở tiền phương kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đã giúp ngăn ngừa một cuộc chiến tranh thế giới nữa, và quan trọng nhất là đã giúp đảm bảo cho nước Mỹ được an toàn hơn.

Tiếp đến, trong thư, các nghị sỹ của đảng Cộng hòa cho rằng việc cắt giảm quân số Mỹ đồn trú tại Đức “sẽ gây hại lớn đến an ninh quốc gia Mỹ,” cũng như “củng cố vị thế của Nga” theo hướng bất lợi cho Mỹ.

Bức thư có đoạn: “Ở châu Âu, các mối đe dọa từ Nga không hề giảm đi, và chúng tôi tin rằng những dấu hiệu về cam kết của Mỹ với NATO suy yếu đi sẽ khuyến khích Nga hung hăng hơn và có tính cơ hội hơn.”

Đi vào những vấn đề cụ thể, các thành viên thuộc đảng Cộng hòa do nghị sỹ Mac Thornberry đứng đầu trong ủy ban thuộc Hạ viện chỉ ra việc đặt giới hạn về tổng quân số sẽ ngăn cản Mỹ thực hiện hoạt động huấn luyện cần thiết phục vụ cho khả năng sẵn sàng chiến đấu của Mỹ và đồng minh.

Bên cạnh đó, 22 nghị sỹ đảng Cộng hòa cũng viết rằng giới hạn về quân số cũng làm giảm con số binh sỹ Mỹ có thể đi qua Đức để triển khai ở các căn cứ trên toàn thế giới, gây ra những khó khăn nghiêm trọng về hậu cần.

Trong nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Trump có những xung khắc với NATO vì ông thúc ép các thành viên của khối này phải tăng mức chi cho quân đội của chính họ, đồng thời cho rằng khối này “không còn hợp thời.”

Những hệ lụy khi Mỹ cắt giảm binh sỹ đồn trú tại Đức ảnh 2Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (giữa) thăm các binh sỹ đồn trú tại Grafenwoehr, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Các nhà lập pháp đảng Cộng hòa phần nào chia sẻ quan điểm của tổng thống Mỹ khi viết trong bức thư mới đây rằng NATO cần phân chia chi phí “đồng đều hơn,” họ khẳng định vai trò và công việc của NATO chưa hề chấm dứt.

Các chính trị gia của Anh cũng khuyến cáo rằng ý định của Tổng thống Trump rút khoảng 9.500 quân ra khỏi Đức có nguy cơ trao lợi thế chiến lược cho Moskva, cũng như ảnh hưởng đến khả năng của Mỹ trong hoạt động ở Trung Đông và châu Phi.

Ông Tobias Ellwood, chính trị gia kỳ cựu thuộc đảng Bảo thủ giữ chức Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Hạ viện Anh, cảnh báo rằng bất kỳ động thái rút quân nào ra khỏi Đức cũng làm lợi cho Nga.

Ông Ellwood cho rằng: “Làm suy yếu NATO song lại mong điều đó làm tăng khả năng quốc phòng của Đức thì đúng là một trò chơi nguy hiểm, có lợi cho Nga.”

Một nghị sỹ Bảo thủ khác của Anh, ông Tom Tugendhat, nói động thái của Mỹ, nếu được thực thi, sẽ đồng nghĩa với việc các quốc gia châu Âu được khích lệ “nghe lời Mỹ ít đi” khi ông Trump còn nắm quyền.

Nhà bình luận Andreas Kluth viết trên Bloomberg rằng trong thời gian qua từ Berlin cho tới Paris, London, Tokyo, Seoul, Ottawa và Canberra, lãnh đạo các nước kết luận sự hậu thuẫn của Mỹ giờ đây không còn mang tính nguyên tắc nữa mà là “có đi có lại,” nay đã đến lúc họ “tính đường khác.”

Ông Kluth viết bi kịch đối với châu Âu là có lẽ họ sẽ không bao giờ có được ai khác đáng tin cậy hơn so với sự bảo hộ quân sự của Mỹ.

Theo cây bút bình luận này, dẫn lại ý kiến của một số chuyên gia, bi kịch là khi không có Mỹ đứng ra "bảo kê," khái niệm khối phương Tây nói chung như là một hệ tư tưởng sẽ không còn tồn tại nữa, dẫn đến bất ổn và lo lắng trên toàn cầu.

Lâu nay, khối phương Tây được ngầm hiểu là cộng đồng các quốc gia coi trọng việc bảo vệ các giá trị tự do.

Tuy nhiên, đối với những người ủng hộ quyết định của Tổng thống Trump, việc Mỹ rút bớt quân khỏi Đức là điều hoàn toàn có thể hiểu được.

National Interest trích lời ông William Ruger, làm việc tại Viện Charles Koch (Mỹ), nói: "Giảm bớt các lực lượng Mỹ tại châu Âu sẽ thúc đẩy các nước tăng cường chia sẻ gánh nặng và khuyến khích các đồng minh châu Âu giàu có của chúng ta đảm nhận trách nhiệm lớn hơn đối với an ninh của chính họ, trong bối cảnh chúng ta đang phải đối mặt với những nhu cầu cấp bách ở trong nước và nhiều nơi trên thế giới. Đức là quốc gia giàu có, đông dân, và có kỹ thuật hiện đại; Đức có khả năng đóng góp nhiều hơn cho an ninh của châu Âu hơn họ đang làm hiện nay."

Nhiều người khác cũng ủng hộ quan điểm của ông Ruger. Sumantra Maitra, phóng viên chuyên viết về an ninh châu Âu của tờ Federalist, nói: "Một phần lý do khiến "cơ bắp" của Tây Âu bị teo đi là bởi Đức và các nước khác biết rằng Chú Sam (Mỹ) đang ở đây để bảo vệ biên giới của họ, và họ sẽ không phải đối mặt với bất kỳ mối đe dọa nào từ phương Đông. Nếu chiến lược của Mỹ là bảo đảm các nước châu Âu giàu có đóng góp ngân sách nhiều hơn để bảo vệ quốc phòng của chính họ, thì Mỹ nên rút toàn bộ quân đội ra khỏi phía Đông sông Thames chứ không chỉ là rút bớt quân đội ở Đức để chuyển tới Ba Lan hay Latvia."

Dù Tổng thống Trump có thực sự rút bớt quân khỏi Đức hay không, dường như rõ ràng rằng xung đột giữa Trump và những thành viên trong đảng Cộng hòa có quan điểm "diều hâu" về sự hiện diện của Mỹ ở Afghanistan và nhiều nơi khác sẽ gia tăng.

Tuy nhiên, trong bối cảnh ông Trump đang phải đối mặt với con đường gập gềnh phía trước để có thể tái đắc cử, đây sẽ là những cân nhắc chính trị nặng nề nhất của ông Trump.

Việc rút binh sỹ Mỹ với quy mô lớn hơn, không chỉ là ra khỏi Đức mà cả Afghanistan, sẽ giúp Trump tuyên bố rằng ông thực sự đã thực hiện được cam kết tranh cử trước đây của mình rằng đã đến lúc người Mỹ cần về nhà.

Tuy nhiên, như thường lệ, câu hỏi đặt ra là liệu những tuyên bố của Tổng thống Trump là những mong muốn chính sách thực sự hay chỉ là những lời nói khoa trương.

Dự báo về ý định của Tổng thống Trump, bà Karin von Hippel, Tổng Giám đốc Viện Hoàng gia RUSI ở London, chuyên nghiên cứu về quốc phòng-an ninh, cho rằng: “Tôi không nghĩ là ý tưởng đó sẽ được thực thi trong một vài tháng tới, trước bầu cử tổng thống Mỹ, vì Quốc hội và Lầu Năm Góc sẽ tìm cách ngăn chặn. Nhưng nếu ông Trump thắng thì đúng là bất cứ điều gì cũng cũng thể diễn ra.”

Trong mấy ngày qua, giới quan sát diễn dịch rằng động thái của Tổng thống Trump có thể là sự đáp trả cá nhân đối với Thủ tướng Đức Angela Merkel tiếp sau thông tin nói rằng hai nhà lãnh đạo đã điện đàm với thái độ lạnh lùng hồi cuối tháng 5, trong đó bà Merkel phá tan hy vọng của ông Trump về việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh G7 ở Mỹ vào tháng 6 này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục