Tờ Financial Times của Anh ngày 10/12 cho rằng các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy đảng Bảo thủ của ông Boris Johnson đang trên con đường đi đến chiến thắng, thậm chí là giành được thế đa số chắc chắn, trong cuộc tổng tuyển cử vào ngày 12/12 tới.
Tuy nhiên, điều dư luận quan tâm là sau đó nước Anh và ngài Thủ tướng sẽ phải đối mặt với những rủi ro nào?
Một số thách thức sẽ phát triển ra ngoài mối quan hệ Anh-EU. Những thách thức này liên quan đến tương lai của Vương quốc Anh với tư cách là một nhà nước, cuộc đấu tranh nội bộ giữa chính trị có trách nhiệm và chủ nghĩa dân túy của cánh hữu và cánh tả.
[Đảng Bảo thủ của Thủ tướng Johnson trên đà giành chiến thắng]
Nhìn lại việc bà Alexandra Hall Hall, một quan chức ngoại giao của Anh tại Mỹ chịu trách nhiệm giải thích về Brexit cho người Mỹ, từ chức hồi tuần trước.
Bà Alexandra Hall Hall đã nói rằng bà không còn muốn “đại diện cho một chính phủ mà tôi không tin tưởng để đưa ra một nửa sự thật."
Tin tưởng, hoặc thiếu tin tưởng, là một chủ đề định hình chiến dịch bầu cử này. Từ các cuộc thăm dò cử tri, phương tiện truyền thông xã hội, các cuộc phỏng vấn ngẫu nhiên trên đường phố và phản ứng của khán giả truyền hình, đều cho thấy rõ ràng những người bình thường không tin ông Johnson hay ông Jeremy Corbyn, lãnh đạo Công đảng đối lập, sẽ nói sự thật.
Thiệt hại đối với nền dân chủ và đời sống người dân là điều khó chấp nhận, nhưng chắc chắn là rất cao.
Một thế đa số chắc chắn tại Quốc hội sẽ cho phép ông Johnson đưa Vương quốc Anh ra khỏi EU, còn gọi là Brexit, trước ngày 31/1/2020.
Tuy nhiên, hầu hết những người Anh ủng hộ Brexit đã bỏ qua những tác động đối với Vương quốc Anh.
Kể từ cuộc trưng cầu ý dân về Brexit tháng 6/2016, đảng Bảo thủ đã phát triển thành một đảng không chỉ được xác định bằng các quan điểm chống EU mà còn bởi một nền tảng thành viên và cử tri dựa trên những người Anh là nam giới, da trắng, tương đối cao tuổi và theo chủ nghĩa dân tộc.
Nhiều người tham gia đảng Bảo thủ năm nay và đã bỏ phiếu bầu ông Johnson làm lãnh đạo là những người trước đây ủng hộ đảng nước Anh Độc lập (UKIP).
Các khảo sát những nhà hoạt động Bảo thủ cho thấy đa số sẽ chấp nhận việc Scotland và Bắc Ireland tách khỏi Vương quốc Anh, nếu đó là cái giá cần thiết cho Brexit.
Tuy nhiên, việc rời khỏi EU dường như trái với mong muốn của đa số người dân Scotland và Bắc Ireland.
Một cuộc thăm dò ý kiến người dân Scotland, được công bố vào cuối tuần trước, cho thấy phần lớn người Scotland sẽ bỏ phiếu tách độc lập khỏi Vương quốc Anh nếu Brexit diễn ra trước, nhưng họ muốn ở lại Anh nếu nước Anh vẫn ở lại EU.
Ở Bắc Ireland, những người Công giáo theo chủ nghĩa dân tộc là những người chống Brexit.
Tuy nhiên, ngay cả những người theo chủ nghĩa hợp nhất - những người ủng hộ việc ra khỏi EU - cũng thất vọng với thỏa thuận ra đi của ông Johnson vì nó tạo ra hình thức quản lý hỗn hợp ở Bắc Ireland và làm suy yếu mối quan hệ giữa Bắc Ireland với phần còn lại của nước Anh.
Thỏa thuận mà ông Johnson vội vàng đạt được với EU trước bầu cử đã để lại những câu hỏi cơ bản chưa được trả lời.
Thỏa thuận nhấn mạnh: “Sau khi Vương quốc Anh ra khỏi (EU), các bên sẽ hình thành các thị trường và các trật tự pháp lý riêng biệt.”
Tuy nhiên, các nhà đàm phán ở Brussels có vẻ quyết tâm không cho phép Anh tiếp cận thị trường một cách dễ dàng, nếu ông Johnson khăng khăng kế hoạch tách khỏi các quy định kinh doanh, các quy tắc môi trường, các tiêu chuẩn xã hội và các quy tắc khác của EU.
Những thỏa hiệp khó khăn sẽ là cần thiết để đạt được dù là một thỏa thuận thương mại hạn chế trước cuối năm 2020.
Tuy nhiên, như bà Hall Hall đã chỉ ra trong lá thư từ chức của mình, không ai trong Chính phủ của ông Johnson muốn nói rõ điều này trong chiến dịch tranh cử./.