Nước cờ của Tổng thống Mỹ Donald Trump ở khu vực Balkan

25 năm sau khi làm trung gian cho việc ký kết Hiệp định Hòa bình Dayton giúp chấm dứt xung đột ở Bosnia, một lần nữa Mỹ lại trở thành người bảo lãnh an ninh không chính thức cho khu vực Tây Balkan.
Nước cờ của Tổng thống Mỹ Donald Trump ở khu vực Balkan ảnh 1Binh sỹ Mỹ tham gia một cuộc diễn tập tại Grafenwoehr, miền nam nước Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng lowyinstitute.org, 25 năm sau khi làm trung gian cho việc ký kết Hiệp định Hòa bình Dayton giúp chấm dứt xung đột ở Bosnia, cuộc chiến đẫm máu nhất ở châu Âu kể từ Chiến tranh Thế giới 2, một lần nữa Washington lại trở thành người bảo lãnh an ninh không chính thức cho khu vực Tây Balkan.

Điều này xảy ra bất chấp những nỗ lực hòa giải kéo dài 7 năm của Liên minh châu Âu (EU) nhằm tìm ra một giải pháp toàn diện "phù hợp với luật pháp quốc tế và hệ thống luật của EU" cho Serbia và Kosovo (cả hai đều mong muốn trở thành thành viên EU), tạo nền tảng cho hòa bình lâu dài ở khu vực.

Ngày 4/9 tại Nhà Trắng, các nhà lãnh đạo đến từ Serbia và Kosovo đã ký hai thỏa thuận riêng rẽ về quan hệ kinh tế với Tổng thống Donald Trump. Nhà Trắng đã mô tả các thỏa thuận này "thực sự mang tính lịch sử."

Bây giờ được biết đến dưới tên gọi Hiệp định Washington về bình thường hóa quan hệ kinh tế giữa Serbia và Kosovo, các thỏa thuận này đảm bảo sự hiện diện và vai trò của Mỹ ở khu vực Balkan trong thời gian dài.

[Tổng thống Mỹ Donald Trump nêu lý do về việc rút quân khỏi Đức]

Động thái này trái ngược hoàn toàn với tuyên bố gây tranh cãi gần đây của Mỹ về việc rút quân khỏi Đức, gây xáo trộn cho quốc phòng châu Âu.

Tháng 7/2020, ông Trump tuyên bố khoảng 12.000 lính Mỹ đồn trú tại Đức sẽ được điều chuyển tới các nơi khác nhằm trừng phạt Berlin vì đã "không chi đủ kinh phí cho quốc phòng."

Động thái này đặc biệt quan trọng khi Mỹ đang chuyển trụ sở Bộ chỉ huy quân sự của nước này tại châu Âu từ thành phố Stuttgart, Đức, sang thành phố Mons, Bỉ, với chi phí lên tới hàng tỷ USD.

Bộ chỉ huy của Mỹ tại châu Phi, hiện đóng ở Stuttgart (từ năm 2008), cũng sẽ chuyển tới một địa điểm khác.

Vậy toan tính của ông Trump là gì đằng sau việc làm trung gian dàn xếp cái gọi là hiệp định "không thỏa thuận" giữa Serbia và Kosovo?

Đối với Serbia, đó là lựa chọn cuối cùng trong 4 dự thảo khả thi, do dự thảo đầu tiên hướng tới việc Belgrade hoàn toàn công nhận Kosovo độc lập. Điều này có thể tăng cơ hội cho Trump đoạt giải Nobel Hòa bình mà ông đang mong muốn.

Cả hai thỏa thuận đều gồm 16 điểm và gần như giống nhau hoàn toàn, trừ điểm cuối cùng, theo đó Serbia đồng ý chuyển đại sứ quán tới Jerusalem và Kosovo công nhận Israel, đồng ý mở đại sứ quán tại Jerusalem.

EU không hoan nghênh động thái này và người phát ngôn của khối nói rằng đây là "vấn đề quan ngại và đáng tiếc."

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngay lập tức công nhận Kosovo và tuyên bố Kosovo là quốc gia với đa số dân theo đạo Hồi đầu tiên mở sứ quán ở Jerusalem, khiến Serbia phản ứng lại đây là điều không thể chấp nhận.

Có lẽ không ngạc nhiên khi Israel là điểm gây xung đột giữa Belgrade và Pristina, song các điểm không được mong đợi khác đã được đưa vào thỏa thuận này.

Một trong số đó là cả Serbia và Kosovo cam kết dừng lắp đặt mạng 5G (ở Serbia là do tập đoàn Huawei của Trung Quốc lắp đặt) và tuyên bố Hezbollah là tổ chức khủng bố.

Thỏa thuận này đã loại bỏ một cách hiệu quả khả năng trao đổi lãnh thổ giữa Serbia và Kosovo, một đề xuất thường được một số bên viện dẫn trong đàm phán nhưng bị chính quyền Mỹ và các thành viên chủ chốt của EU chỉ trích.

Nước cờ của Tổng thống Mỹ Donald Trump ở khu vực Balkan ảnh 2Binh sỹ Mỹ tham gia cuộc tập trận với các lực lượng châu Âu tại Grafenwoehr, miền Nam Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo thỏa thuận, cả hai bên đều cam kết chia sẻ nguồn năng lượng và thực thi thỏa thuận về giao thông. Quỹ phát triển Mỹ với khoản tài trợ khoảng 60 tỷ USD được các tập đoàn và ngân hàng xuất khẩu Mỹ bảo lãnh dự kiến sẽ sớm mở văn phòng ở khu vực Tây Balkan.

Điều này có khả năng thách thức tuyến đường tơ lụa của Trung Quốc ở Balkan, vốn đã được thiết lập với việc đầu tư vào tuyến đường sắt Serbia-Kosovo và đường cao tốc tới Pristina.

Chính phủ các nước Serbia, Albania và Kosovo đều hoan nghênh các thỏa thuận kinh tế này. Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic mô tả đây là một thành công trong khi cố gắng trấn an người dân Serbia rằng cuối cùng thì Kosovo vẫn không được công nhận.

Tuy nhiên, ông Vucic cam kết trong năm tới sẽ không vận động để cộng đồng quốc tế rút việc công nhận Kosovo (gồm Australia) do Kosovo hứa sẽ dừng đăng ký tham gia các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc trong vòng 12 tháng.

Đối với Thủ tướng Kosovo Avdullah Hoti, đây là bước quyết định tiến tới việc công nhận Kosovo về mặt chính trị. Thỏa thuận này đã được Tổng thống Kosovo Hashim Thaci ủng hộ.

Ông Thaci đang đối mặt với cáo trạng phạm tội ác chiến tranh tại tòa án quốc tế La Haye và vì vậy không thể tới Washington. Ngay cả lãnh đạo Liên minh Kosovar vì tương lai của Kosovo (AAK), đảng đang tham gia liên minh cầm quyền, ông Ramush Haradinaj, mặc dù ban đầu đã phản ứng và dọa sẽ rời khỏi liên minh, cũng đánh giá cao thỏa thuận liên quan tới hồ Gazivode/Ujmain, sẽ được Mỹ nghiên cứu khả thi và quản lý.

Trong khi đó, lãnh đạo đối lập của Kosovo, ông Albin Kurti, đã chỉ trích thỏa thuận, khiến đặc phái viên của tổng thống Mỹ về đàm phán Serbia-Kosovo, ông Richard Grenell, viết trên Twitter rằng Kurti đang chống lại liên minh quốc tế Mỹ-Kosovo.

Trong khi vẫn chưa rõ vai trò mới của Mỹ ở khu vực Tây Balkan sẽ được Bắc Kinh đón nhận ra sao, thì ông Vucic đã gọi điện cho Tổng thống Nga Vladimir Putin ngay sau khi đạt được thỏa thuận, giữ vững cam kết lâu dài của Serbia trong mối quan hệ đối tác chiến lược với Nga.

Sau khi ký thỏa thuận, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdgoan đã chỉ trích Serbia và Kosovo về việc mở đại sứ quán tại Jerusalem trong các cuộc điện đàm với ông Vucic và Thaci.

Các Hiệp định Washington sẽ tiếp tục được phô diễn như thành công lớn thứ hai của chính quyền Tổng thống Trump sau khi làm trung gian dàn xếp hiệp định giữa Israel và Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE).

Nhờ có hiệp định này, ông Trump đã chính thức được đề cử nhận giải Nobel Hòa bình năm 2021 sau đó vài ngày (ngày 9/8).

Câu hỏi đặt ra là liệu điều này có được coi là bước tiến quyết định trong việc củng cố chính sách đối ngoại của chính quyền Trump sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới hay không./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục