Phản đối dự thảo thỏa thuận Brexit, một nữ Bộ trưởng của Anh từ chức

Ngày 15/11, Bộ trưởng Việc làm và Hưu trí của Anh Esther McVey đã tuyên bố từ chức để phản đối một dự thảo thỏa thuận Brexit đã được London và Liên minh châu Âu (EU) nhất trí.
Phản đối dự thảo thỏa thuận Brexit, một nữ Bộ trưởng của Anh từ chức ảnh 1Bà Esther McVey. (Nguồn: BBC)

Ngày 15/11, Bộ trưởng Việc làm và Hưu trí của Anh Esther McVey đã tuyên bố từ chức.

Đây là Bộ trưởng thứ 2 trong Nội các của Thủ tướng Anh Theresa May từ chức để phản đối một dự thảo thỏa thuận Brexit đã được London và Liên minh châu Âu (EU) nhất trí.

Trong đơn từ chức gửi Thủ tướng May, Bộ trưởng Esther McVey cho rằng dự thảo thỏa thuận mà Thủ tướng May đưa ra Nội các đã không tôn trọng kết quả cuộc trưng cầu dân ý về Brexit.

Theo bà, bản dự thảo trên sẽ sớm bị cả nước phán xét, bởi nó đồng nghĩa với việc Anh sẽ trao cho EU 39 tỷ bảng Anh (gần 50 tỷ USD) cho EU mà không nhận lại được gì.

Trước đó cùng ngày, Bộ trưởng Brexit Dominic Raab và Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Anh phụ trách Bắc Ireland Shailesh Vara cũng đã quyết định đã từ chức, do bất đồng quan điểm với chính phủ của Thủ tướng May liên quan đến dự thảo thỏa thuận này.

[Nhọc nhằn vượt qua từng nấc thang trong bản thỏa thuận 'ly hôn' Brexit]

Việc nhiều thành viên trong nội các liên tiếp tuyên bố từ chức đã đẩy Anh vào cuộc khủng hoảng chính trị trong lúc Thủ tướng May đang tìm cách giành lấy sự ủng hộ cho thỏa thuận Brexit.

Sau khi nhận được sự ủng hộ của Nội các, tối 14/11, Anh và EU đã công bố dự thảo thỏa thuận Brexit bao gồm ý tưởng thiết lập một "lưới an ninh" nhằm tránh khả năng tái lập đường biên giới cứng giữa Bắc Ireland thuộc Vương quốc Anh với Cộng hòa Ireland; toàn bộ Vương quốc Anh sẽ ở lại trong liên minh thuế quan với EU và một liên kết đặc biệt cũng sẽ được quy định thêm cho Bắc Ireland trong giai đoạn chuyển tiếp dự kiến kéo dài đến khi các cuộc thảo luận về mối quan hệ thương mại trong tương lai giữa hai bên được hoàn tất.

Bản dự thảo thỏa thuận Brexit cần được Quốc hội Anh thông qua, song đây được dự báo là một tiến trình đặc biệt khó khăn. Hiện có 40 khoảng nghị sĩ thuộc đảng Bảo thủ cầm quyền sẵn sàng bỏ phiếu chống bản dự thảo thỏa thuận trên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục