Phú Yên không còn ổ dịch bệnh lở mồm long móng trên đàn lợn

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Phú Yên, tính đến ngày 19/4, tại huyện Phú Hòa, các ổ bệnh lở mồm long móng trên đàn lợn đã qua hơn 30 ngày và không còn ổ bệnh nào trên địa bàn tỉnh.
Phú Yên không còn ổ dịch bệnh lở mồm long móng trên đàn lợn ảnh 1Nhân viên thú y phun thuốc tiêu độc, khử trùng theo quy đinh. (Nguồn: TTXVN)

Tính đến ngày 19/4, tại huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên, các ổ bệnh lở mồm long móng trên đàn lợn đã qua hơn 30 ngày.

Cơ quan thú y và chính quyền địa phương cho phép người chăn nuôi tái đàn nhưng phải đảm bảo việc tiêm phòng đầy đủ vắcxin và chủ động phòng, chống các loại dịch bệnh.

Trước đó, ổ bệnh lở mồm long móng trên đàn lợn được phát hiện vào ngày 14/3/2019 tại trại chăn nuôi của bà Lương Thị Đậm, thị trấn Phú Hòa (huyện Phú Hòa).

Tổng số đàn lợn có hơn 40 con, trong đó, có 18 con mắc bệnh nặng đã buộc phải tiêu hủy ngay. Ngoài ra, lợn mắc bệnh lở mồm long móng còn xuất hiện ở 2 xã khác là Hòa Trị và Hòa Quang Nam.

Chính quyền địa phương và cơ quan thú y đã thực hiện nhiều biện pháp để khống chế bệnh. Chi Cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Phú Yên đã cấp hỗ trợ huyện Phú Hòa 800 lít thuốc tiêu độc khử trùng để phun 2 ngày một lần.

Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Phú Yên, khuyến cáo trong diễn biến phức tạp về thời tiết như hiện nay, các nguồn lây bệnh trên vật nuôi luôn thường trực, dễ bùng phát.

[Thành phố Hồ Chí Minh: Bắt giữ hơn 1 tấn thịt lợn bị lở mồm long móng]

Hiện nay, một số hộ chăn nuôi vẫn có tâm lý chủ quan đợi đến khi có dịch bệnh mới điều trị cho vật nuôi. Điều này là không nên vì khi đó bệnh dễ lây lan nhanh. Người chăn nuôi nên tiêm đầy đủ vắcxin phòng bệnh lở mồm long móng cho lợn, trâu, bò để hạn chế thấp nhất thiệt hại khi chăn nuôi.

Bên cạnh đó, những vùng nuôi mới hết dịch bệnh phải thường xuyên vệ sinh chuồng trại, tiêu độc khử trùng để hạn chế mầm bệnh.

Khi phát hiện vật nuôi chết bất thường phải báo cho cơ quan thú y và chính quyền địa phương để xác định nguyên nhân và có hướng xử lý phù hợp.

Cùng với việc cho phép người chăn nuôi tái đàn trở lại sau khi không còn bệnh lở mồm long móng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Phú Yên phối hợp với các đơn vị chức năng khác như quản lý thị trường, Cảnh sát Giao thông tiếp tục duy trì hoạt động của Trạm kiểm dịch động vật tại khu vực cầu Bình Phú trên tuyến Quốc lộ 1 thuộc địa bàn xã Xuân Cảnh (thị xã Sông Cầu) để kiểm soát các xe chở lợn sống từ Bắc vào Nam tiêu thụ.

Chi cục thực hiện việc phun thuốc tiêu độc khử trùng để ngăn chặn nguồn lây lan bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhập vào tỉnh Phú Yên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục