“Sóng gió” lại nổi lên trong quan hệ hai nước Anh-Pháp

Mối quan hệ giữa Pháp và Anh - hai thành viên chủ chốt của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) - đã trở nên tồi tệ trong những năm gần đây, đặc biệt là sau khi Anh rời Liên minh châu Âu (EU).
“Sóng gió” lại nổi lên trong quan hệ hai nước Anh-Pháp ảnh 1Thủ tướng Anh Liz Truss (trái) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. (Nguồn: PA/REUTERS)

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã cảnh báo về “những vấn đề nghiêm trọng” đối với quan hệ Pháp-Anh, sau khi Thủ tướng mới của Anh Liz Truss không xác nhận coi ông là “bạn hay thù.”

Ông Macron đã phản ứng trước những nhận xét của bà Truss, người nói rằng nhóm của bà không ủng hộ nhà lãnh đạo Pháp. Ông khẳng định Anh vẫn là đồng minh, bất chấp việc các nhà lãnh đạo vẫn thỉnh thoảng mắc lỗi.

Trước đó, cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson từng nói rằng ông Macron là một “người bạn tốt” của nước này.

[Pháp cấm người Anh đi qua lãnh thổ Pháp để vào các nước EU]

Các chính trị gia cấp cao đã cáo buộc bà Truss đã làm tổn hại mối quan hệ với Pháp, một đồng minh thân cận.

Mối quan hệ giữa Pháp và Anh - hai thành viên chủ chốt của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) - đã trở nên tồi tệ trong những năm gần đây, đặc biệt là sau khi Anh rời Liên minh châu Âu (EU).

Bà Truss - nhà ngoại giao hàng đầu của Anh - đã được hỏi về mối quan hệ với Pháp trong một sự kiện tranh cử của Đảng Bảo thủ, nơi bà và đối thủ Rishi Sunak nhận được câu hỏi từ các thành viên trong đảng.

Bà Truss nói “nhóm của bà chưa xác định” liệu ông Macron là bạn hay thù, và bà sẽ đánh giá Tổng thống Pháp dựa trên “hành động chứ không phải lời nói.”

Nhận xét của Thủ tướng Anh được đưa ra vào cuối sự kiện của các nhà lãnh đạo - được gọi là một buổi họp mặt - khi người dẫn chương trình đặt ra một loạt các câu hỏi nhanh. Trả lời câu hỏi tương tự, ứng cử viên Rishi Sunak nói Macron là một “người bạn.”

Phát biểu với các phóng viên trong chuyến thăm Algeria hôm 26/8, ông Macron đã được hỏi quan điểm của mình về những bình luận của bà Truss.

Ông cho biết: “Không bao giờ là tốt nếu bạn mất phương hướng quá nhiều trong cuộc sống.” Tổng thống Pháp cho biết sẽ đưa ra câu trả lời tương tự như ông Sunak nếu được hỏi về nhà lãnh đạo tiếp theo của Anh.

Ông Macron nói: “Nếu, giữa chúng ta là người Pháp và người Anh, không thể xác nhận đối phương là bạn hay thù - thuật ngữ này không phải là trung lập - thì chúng ta đang đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng.”

Nhà lãnh đạo Pháp cũng cho biết Anh là “một quốc gia thân thiện, mạnh mẽ, đồng minh, bất kể các nhà lãnh đạo của nước này như thế nào, và đôi khi bất chấp cả những sai lầm nhỏ mà họ có thể mắc trong bài phát biểu.”

Bộ trưởng Tài chính Anh Nadhim Zahawi bảo vệ những bình luận của bà Truss, gọi đây là những bình luận “vui vẻ và không nghiêm trọng.”

Trong khi nhấn mạnh tầm quan trọng về mối quan hệ chặt chẽ của Anh và Pháp, ông Zahawi cho rằng bà Truss đã đưa ra các bình luận với “một chút hài hước.”

Tuy nhiên, Nathalie Loiseau, cựu Bộ trưởng Pháp phụ trách các vấn đề châu Âu và là Chủ tịch Hội đồng đối tác EU-Anh của Nghị viện châu Âu, tỏ ra không thích thú.

Bà Loiseau đã viết trên mạng xã hội Twitter rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin là “người duy nhất có thể thích nghe kiểu bình luận này.”

Trong khi đó, David Lammy của Công Đảng, cáo buộc bà Truss “thiếu phán xét trầm trọng,” nói rằng bà đã xúc phạm một trong những “đồng minh thân cận nhất của Anh.”

Một bộ trưởng của Đảng Bảo thủ cho biết những bình luận của bà Truss đã “phá hoại hoàn toàn mối quan hệ của chúng ta với Pháp,” gọi bà là “Thatcher giả tạo,” ám chỉ cựu Thủ tướng Theresa May.

Trong một bài đăng trên Twitter, cựu Ngoại trưởng Anh Alistair Burt nói rằng bà Truss đã mắc một “lỗi nghiêm trọng” và lẽ ra phải có một giọng điệu ngoại giao hơn.

Cựu Bộ trưởng Đảng Bảo thủ Gavin Barwell cũng đặt câu hỏi về bình luận của bà Truss, nhấn mạnh: “Bạn có thể nghĩ rằng Ngoại trưởng đã biết chúng ta đang ở trong một liên minh quân sự với Pháp.”

Các bình luận của bà Truss đã được truyền thông Pháp chọn lọc, nêu bật những căng thẳng gần đây giữa Pháp và Anh.

Những năm gần đây, Anh và Pháp đã có xung đột về một số vấn đề, bao gồm các vụ vượt biển của người di cư trên Eo biển Manche, một hiệp ước quân sự giữa Anh, Mỹ và Australia, cùng các biện pháp Brexit liên quan đến Bắc Ireland.

Ông Macron, người vừa tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai vào đầu năm nay, từng công khai chỉ trích cách tiếp cận của chính phủ Đảng Bảo thủ Anh.

Năm ngoái, ông đã phản ứng giận dữ trước lời kêu gọi công khai của ông Boris Johnson yêu cầu Pháp nhận lại những người di cư đã đến nước Anh.

Tổng thống Pháp cáo buộc thủ tướng Anh “không nghiêm túc” khi đưa ra lời kêu gọi trên Twitter, mặc dù họ xuất hiện trong những tấm ảnh bắt tay tại hội nghị thượng đỉnh G7 ở Đức vào đầu năm nay.

Khi được hỏi về bình luận của bà Truss, Boris Johnson nói rằng ông “có quan hệ rất tốt với Emmanuel Macron," đồng thời khẳng định bằng tiếng Pháp rằng Tổng thống Macron “là một người bạn rất tốt của đất nước chúng tôi.”

Emmanuel Macron - bạn hay thù?

Theo phân tích của phóng viên chính trị David Wallace Lockhart, không thể phủ nhận Anh có mối quan hệ phức tạp với Pháp. Gần đây, hai bên đã có rất nhiều căng thẳng, từ việc những chiếc thuyền vượt qua Eo biển Manche cho đến việc kiểm tra hộ chiếu qua phà.

Tuy nhiên, với tư cách một nước láng giềng thân thiết và là một thành viên NATO, có rất ít chính trị gia chính thống của Anh coi Pháp không phải là một đồng minh mạnh mẽ.

Điều này càng đặc biệt vào thời điểm mà sự thống nhất của phương Tây đối với cuộc chiến ở Ukraine là rất quan trọng, và bất kỳ sự chia rẽ nào cũng có thể bị những người như nhà lãnh đạo Nga lợi dụng.

Mặc dù những bình luận của bà Truss dường như không gây thiện cảm với các thành viên Đảng Bảo thủ, song bà vẫn là Thủ tướng mới của Anh. Do đó, những phát biểu của bà về các vấn đề quốc tế rất quan trọng.

Nhiều ngày tới, bà Truss có thể sẽ được hỏi lại về các bình luận này. Những diễn biến tiếp theo sẽ được theo dõi cẩn thận ở cả hai bờ Eo biển Manche./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục