Thị trường dầu thế giới tiếp tục rơi vào 'cơn bão' giá

Theo những dự báo mới nhất của các tổ chức quốc tế và giới chuyên gia, giá dầu sẽ còn tăng lên những mức cao kỷ lục mới khi tình hình căng thẳng địa chính trị ở Ukraine vẫn chưa được "hạ nhiệt."
Thị trường dầu thế giới tiếp tục rơi vào 'cơn bão' giá ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP)

Trong phiên giao dịch chiều 3/3, các lệnh trừng phạt của Mỹ nhắm vào các nhà máy lọc dầu của Nga đã khiến giá dầu Brent tăng lên gần 120 USD/thùng, mức cao nhất trong gần một thập kỷ.

Khả năng căng thẳng gia tăng ở phía Đông châu Âu làm gián đoạn nguồn cung dầu đã thúc đẩy đà tăng gần đây của giá “vàng đen,” vốn được củng cố bởi sự phục hồi nhu cầu nhanh hơn khi các hạn chế của đại dịch dần được nới lỏng.

Theo những dự báo mới nhất của các tổ chức quốc tế và giới chuyên gia, giá dầu sẽ còn tăng lên những mức cao kỷ lục mới khi tình hình căng thẳng địa chính trị ở Ukraine vẫn chưa được "hạ nhiệt."

Nỗ lực ứng phó

Vào lúc 14 giờ 52 phút ngày 3/3 (theo giờ Việt Nam), tại thị trường châu Á, giá dầu Brent giao dịch kỳ hạn tăng 6,85 USD (6,1%) lên 119,78 USD/thùng, sau khi có lúc vọt lên 119,84 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 5/2012.

Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 5,81 USD (5,3%) lên 116,41 USD/thùng, sau khi có lúc vọt lên 116,57 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 9/2008.

Lệnh trừng phạt mới nhất của Mỹ đối với lĩnh vực lọc dầu của Nga đã làm dấy lên lo ngại hoạt động xuất khẩu dầu và khí đốt của Nga có thể trở thành mục tiêu tiếp theo của các lệnh trừng phạt. Trong khi áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga, Mỹ đã miễn trừ lĩnh vực xuất khẩu dầu và khí đốt của Nga khi cân nhắc những tác động đối với thị trường dầu toàn cầu và giá năng lượng của Mỹ.

Theo chuyên gia Jeffrey Halley của công ty môi giới tài chính OANDA (Mỹ), nếu các nước phương Tây và các tổ chức tài chính toàn cầu tiếp tục áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Nga, giá dầu sẽ tiếp tục tăng cao.

Ngân hàng ANZ của Australia đã nâng dự báo ngắn hạn đối với giá dầu lên 125 USD/thùng, đồng thời cảnh báo tình trạng thiếu hụt nguồn cung sẽ tiếp tục gia tăng. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Nga là quốc gia sản xuất dầu lớn thứ ba thế giới và là nước xuất khẩu dầu lớn nhất ra thị trường toàn cầu. Cơ quan này cho biết xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu của Nga đạt 7,8 triệu thùng/ngày trong tháng Mười Hai.

Trước đó, ngày 2/3, Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đối tác, còn gọi là OPEC+, đã nhất trí giữ nguyên kế hoạch tăng sản lượng dầu ở mức 400.000 thùng/tháng vào tháng Tư tới, dù giá dầu tăng kỷ lục.

Các bộ trưởng của 23 nước thuộc OPEC+ chung quan điểm giữ nguyên chiến lược khai thác dầu hiện nay trong cuộc họp trực tuyến kéo dài khoảng 15 phút. Quyết định này được đưa ra dựa trên khuyến nghị của một ủy ban giám sát.

Theo báo cáo của OPEC, trong giai đoạn từ tháng 12/2021 đến tháng 1/2022, các thành viên đã tăng sản lượng thêm 64.000 thùng/ngày, đưa tổng sản lượng của khối lên 27,981 triệu thùng/ngày.

Tuy nhiên, con số trên thấp hơn nhiều so với mục tiêu tăng 400.000 thùng/ngày mà OPEC+ nỗ lực hướng tới kể từ tháng 8/2021, khi nhóm bắt đầu nới lỏng việc cắt giảm sản lượng để hỗ trợ đà phục hồi kinh tế toàn cầu sau cú sốc do làn sóng lây nhiễm đầu tiên của dịch COVID-19.

Về phần mình, Nhà Trắng và IEA ngày 1/3 thông báo Mỹ và các đồng minh đã nhất trí bán ra 60 triệu thùng dầu từ các kho dự trữ của họ, giữa bối cảnh các nhà lãnh đạo tìm cách giảm nhẹ tác động từ chiến dịch đặc biệt của Nga liên quan tới Ukraine đối với giá xăng dầu thế giới.

Trong thông báo sau cuộc họp bất thường cấp bộ trường giữa 31 thành viên của IEA, Bộ Năng lượng Mỹ cho biết một nửa trong số trên sẽ đến từ kho dự trữ dầu chiến lược của nước này. Một nửa còn lại sẽ đến từ các đồng minh ở châu Âu và châu Á.

Phía Mỹ cho biết việc xuất kho dự trữ chiến lược dầu mỏ nằm mục đích ổn định thị trường và ứng phó tình trạng gián đoạn nguồn cung liên quan đến tình hình Nga-Ukraine.

Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Koichi Hagiuda cho biết số lượng “xả kho” cụ thể của các nước tham gia đợt này sẽ được công bố trong những ngày tới.

[Giá dầu Brent tăng lên gần 120 USD, mức cao nhất trong gần một thập kỷ]

IEA cho biết 60 triệu thùng này chiếm 4% trong tổng số 1,5 tỷ thùng dầu dự trữ khẩn cấp do các thành viên nắm giữ, tương đương với mức 2 triệu thùng/ngày trong 30 ngày. Song giới quan sát chỉ ra rằng con số trên chưa bằng mức tiêu thụ dầu một ngày trên toàn cầu, qua đó càng đào sâu mối lo ngại của thị trường về nguy cơ nguồn cung không đủ để bù đắp cho tình trạng gián đoạn ngày càng tăng.

Hệ lụy đáng lo ngại

Theo các chuyên gia, giá dầu đã vượt mức 100 USD/thùng và điều này có thể làm giảm tốc độ chuyển đổi của toàn cầu từ nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng sạch hơn trong nỗ lực ngăn chặn biến đổi khí hậu.

Thị trường dầu thế giới tiếp tục rơi vào 'cơn bão' giá ảnh 2Nhà máy lọc dầu của Tập đoàn Dầu mỏ quốc gia Saudi Aramco của Saudi Arabia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Một mặt, các nhà phân tích trong lĩnh vực năng lượng cho rằng giá xăng, dầu diesel và các chế phẩm từ dầu mỏ tăng sẽ khiến người tiêu dùng nhanh chóng chuyển sang xe điện và thúc đẩy đầu tư nhằm cạnh tranh về các công nghệ sạch như hydro.

Mặt khác, các mức giá cao như hiện nay cũng khuyến khích hoạt động khai thác dầu mỏ và khí đốt trên toàn cầu. Điều này sẽ khiến nguồn cung dầu trở nên dồi dào với mức giá rẻ trở lại. Đó là điều đã nhiều lần lặp lại trong lịch sử và từng khiến các nhà đầu tư vào năng lượng sạch thiệt hại lớn.

Khi giá dầu mỏ và khí đốt tăng, người tiêu dùng bắt đầu sử dụng xe điện và các nguồn năng lượng sạch, không chỉ để bảo vệ môi trường mà còn vì hy vọng có thể giảm hóa đơn năng lượng. Đây là kịch bản đã diễn ra sau khi giá dầu tiến tới ngưỡng 150 USD/thùng vào năm 2008, điều đã thúc đẩy doanh số bán xe điện.

Doanh số bán xe điện trên toàn cầu hiện đang gia tăng, đặc biệt là tại Trung Quốc và châu Âu cũng như ở Mỹ, dù với tốc độ chậm hơn. IEA cho rằng giá dầu tăng có thể làm tăng tốc độ điện hóa hoạt động vận tải cũng như quá trình chuyển đổi sang các nguồn năng lượng sạch như gió và Mặt Trời, khi chi phí đã giảm trong những năm gần đây.

Trong khi đó, giá tăng cũng khuyến khích hoạt động khai thác. Trong nhiều thập kỷ, dầu mỏ bị mắc kẹt trong chu kỳ bùng nổ và suy thoái. Giá cao thúc đẩy đầu tư khai thác, từ đó khiến giá giảm, điều lại khiến nhu cầu tăng.

Ở Mỹ, nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới, các công ty dầu mỏ đang chuẩn bị cho việc tăng sản lượng. Theo Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ, sản lượng của nước này được cho là sẽ tăng mạnh trong năm tới lên mức cao chưa từng có, vượt kỷ lục vào năm 2019 là 12,25 triệu thùng/ngày, trước khi đạt đến đỉnh 13,88 triệu thùng/ngày vào năm 2034.

Giá cao sẽ càng khiến xu hướng này mạnh hơn. Trong khi đó, hầu hết trữ lượng dầu của thế giới, khoảng 65%, do các công ty dầu mỏ quốc gia thuộc sở hữu hoàn toàn hoặc một phần của các chính phủ kiểm soát.

Ngân khố của các chính phủ Saudi Arabia, Nga, Iran và Iraq đều nhanh chóng trở nên đầy hơn nhờ giá dầu tăng, khi các nước này nằm trong số những nước có chi phí sản xuất thấp nhất thế giới.

Giáo sư về chính trị học Paasha Mahdavi tại Đại học California, Santa Barbara, cho rằng giá dầu cao càng khiến việc đẩy mạnh khai thác được tiếp tục ngay cả với các nhà sản xuất có chi phí cao, thay vì chuyển hướng từ dầu mỏ sang năng lượng sạch.

Dù vậy, Saudi Arabia đang đi đầu trong nỗ lực sản xuất hydro từ năng lượng sạch như gió và Mặt Trời tại siêu thành phố của tương lai NEOM, một dự án được tài trợ bằng nguồn thu từ dầu mỏ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục