Tình báo có lỗ hổng?

Tình báo của Pháp bị chỉ trích vì "sát thủ Toulouse"

Tình báo Pháp hứng chịu chỉ trích vì đã theo dõi Mohamed Merah nhiều năm, song lại không thể ngăn chặn các vụ xả súng ở Toulouse.
HTML clipboard Chính quyền Pháp đã lên tiếng tự vệ trước những câu hỏi về việc tại sao cơ quan tình báo nước này không thể đối phó nổi với một tên tội phạm “cò con” trở thành kẻ giết người hàng loạt vì lý do tôn giáo Mohamed Merah. Mohamed Merah, 23 tuổi và tự nhân thuộc tổ chức Al Qaeda, đã chết sau một cuộc tấn công của cảnh sát vào căn hộ tại Toulouse ngày 22/3. Thanh niên này bị cho là kẻ đã bắn chết bảy người trước đó, bao gồm ba trẻ em Do Thái và ba binh sĩ quân đội trong những vụ tấn công hàng loạt ở miền nam nước Pháp. Với những tiết lộ ban đầu, quá khứ của Merah cho thấy người này là một kẻ tình nghi rõ ràng. Từng phạm ít nhất 15 tội hình sự, một số có liên quan đến bạo lực, Merah trở thành người Hồi giáo cực đoan, từng đến Pakistan và Afghanistan. Cả Merah và người anh trai của anh đều bị tình báo Pháp theo dõi vì quan điểm cực đoan Salafi của họ. Một báo cáo năm 2010 nói Merah từng buộc một thiếu niên xem các đoạn băng một con tin của Al Qaeda bị chặt đầu. Khi mẹ của cậu bé này nộp đơn kiện, Merah bị cáo buộc đã tấn công và khiến bà phải nhập viện vài ngày. Merah còn bị cáo buộc đã đi qua phía trước nhà người phụ nữ này, mặc đồ quân đội và vừa khua một thanh gươm vừa hô to “tao là người của Al Qaeda,” báo Telegramme cho biết. Merah đã bị kiện vì vụ đó và cảnh sát đã hỏi người phụ nữ nhưng có vẻ họ không theo đuổi vụ việc. Công tố viên trưởng Francois Molins nói Merah tuyên bố từng được Al Qaeda huấn luyện ở vùng Waziristan, biên giới Pakistani-Afghanistan, một khu vực nổi danh là tổng hành dinh của các lực lượng Hồi giáo cực đoan. Molins nói nghi phạm đã đến vùng này hai lần và từng bị cảnh sát Afghanistan bắt giữ và trao cho quân đội Mỹ. Lực lượng Mỹ sau đó đã trục xuất Merah trở lại Pháp. Lãnh đạo cực hữu Pháp Marine Le Pen, người đã chỉ trích dữ dội việc người Hồi giáo di cư sang Pháp trong chiến dịch tranh cử tổng thống, nhanh chóng lên tiếng cáo buộc chính quyền “xao nhãng và biếng nhác” trước “mối nguy hiểm sống còn”. Chính trị gia phe Xã hội Jean-Pierre Chevenement, một cựu Bộ trưởng Quốc phòng và Nội vụ, nói những vụ giết người là “một tín hiệu cảnh báo cho các lực lượng chống khủng bố.” Nhưng các thành viên trong chính phủ cánh hữu của Tổng thống Nicolas Sarkozy cũng lên tiếng tự bào chữa. “DCRI (cơ quan tình báo nội địa) đã theo dõi rất nhiều người liên quan đến chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. Nhưng chỉ nếu ai đó chỉ thể hiện ý tưởng thôi thì là không đủ để đưa ra xét xử,” Bộ trưởng nội vụ Claude Gueant nói ngày 22/3. Ông cũng khẳng định chưa hề có bất cứ “khuynh hướng tội ác nào” ở cộng đồng Hồi giáo tại thành phố Toulouse nơi Merah sinh sống và không có dấu hiệu nào cho thấy các cuộc tấn công đã được chuẩn bị trước, nhưng cũng thừa nhận cơ quan mật vụ đã biết về Merah “trong nhiều năm.” Các quan chức cho rằng Merah hành động đơn độc và Gueant nói rất khó để chống lại “một cá nhân đơn lẻ.” “Những kẻ được gọi là con sói đơn độc đó là những địch thủ kinh khủng,” ông nói. Bộ trưởng ngoại giao Alain Juppe nói cần phải “soi rọi anh sáng” vào những gì đã dẫn đến các vụ giết người nhưng khẳng định “không có lý do gì” để tin rằng chính quyền có lỗi trong việc này. “Tôi hiểu rằng sẽ có người hỏi liệu có sai sót gì hay không. Tôi không biết có một sai sót nào như thế, nên tôi sẽ nói là không, nhưng cần phải soi rọi ánh sáng vào vụ này”, ông Juppe nói với đài phát thanh Europe 1.
Tình báo của Pháp bị chỉ trích vì "sát thủ Toulouse" ảnh 1
Khi được hỏi tại sao nhà chức trách không tăng cường theo dõi khoảng 15-30 phần tử Hồi giáo vũ trang ở Pháp, ông Juppe nói: “Họ có bị theo dõi” và Merah “mới đây đã bị cơ quan an ninh thẩm vấn.” Chuyên gia an ninh Francois Heisbourg thì cho rằng “ít ra có những câu hỏi cần được nêu ra” về sai lầm của ngành tình báo. “Các cơ quan mật vụ biết anh em Merah. Với tôi câu hỏi thực sự là tại sao anh ta không bị đặt dưới sự giám sát như thông thường?” ông Heisbourg nói. “Tình báo Pháp đã làm việc tuyệt vời 15 năm qua trong cuộc chiến chống khủng bố. Đã không có vụ tấn công nào thành công diễn ra trên lãnh thổ Pháp từ năm 1996. Phạm sai lầm là chuyện bình thường của con người. Với tôi, rõ ràng sự miễn dịch của chúng ta với các vụ tấn công không phải là vĩnh viễn. Một ngày nào đó một tên khủng bố sẽ lọt lưới, nhưng tất nhiên đó không thể là lý do biện minh cho việc đánh giá sai lầm”./.
Trần Trọng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục