Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo thảm họa nhân đạo ở Syria

Cuộc xung đột kéo dài một thập kỷ tại Syria đã khiến hơn 380.000 người chết và hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn, đẩy quốc gia này rơi vào khủng hoảng nhân đạo trầm trọng.
Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo thảm họa nhân đạo ở Syria ảnh 1Trẻ em tại một trại tị nạn ở tỉnh Idlib, Syria ngày 17/12/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 25/6, người phát ngôn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ông Christian Lindmeier, cho rằng việc không gia hạn hoạt động viện trợ xuyên biên giới cho Syria, theo kế hoạch sẽ hết hạn vào tháng 7 tới, có thể dẫn đến một "thảm họa nhân đạo" mới đối với khu vực do phiến quân kiểm soát ở Tây Bắc quốc gia Trung Đông này.

Phát biểu họp báo tại Geneva, người phát ngôn Lindmeier nhấn mạnh việc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc không gia hạn sứ mệnh này thêm một năm vào ngày 10/7 tới sẽ khiến công tác cung cấp vaccine cho khu vực này, bao gồm cả vaccine ngừa COVID-19, trở nên bất khả thi.

Trước đó, hôm 16/6, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi gia hạn hoạt động viện trợ nói trên qua cửa khẩu Bab al-Hawa dẫn tới tỉnh Idlib của Syria thêm 12 năm.

Kể từ năm 2014-2019, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hàng năm đã ra nghị quyết cấp phép vận chuyển cứu trợ cho Syria qua 4 cửa khẩu, gồm 2 cửa khẩu với Thổ Nhĩ Kỳ, một với Jordan và một với Iraq.

[UNHCR: Di cư do chiến tranh và khủng hoảng tăng gấp đôi trong 10 năm]

Tuy nhiên từ tháng 1/2020, Hội đồng Bảo an quyết định chỉ cấp phép vận chuyển qua 2 cửa khẩu biên giới giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ với thời hạn 6 tháng.

Đến tháng 7 sau đó, dù thông qua nghị quyết nối lại hoạt động viện trợ nhân đạo xuyên biên giới cho Syria, nhưng Hội đồng Bảo an chỉ cho phép tiến hành hoạt động này thông qua một cửa khẩu duy nhất, đó là cửa khẩu Bab al-Hawa.

Hiện nay, khoảng 50% lượng hàng hóa viện trợ nhân đạo cho khu vực Tây Bắc Syria là qua cửa khẩu này.

Văn phòng Điều phối nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) nhấn mạnh cửa khẩu Bab al-Hawa là tuyến giao thông huyết mạch cuối cùng tại Syria, giúp hàng triệu người dân ở khu vực Tây Bắc nước này không rơi vào thảm họa nhân đạo.

Cuộc xung đột kéo dài một thập kỷ tại Syria đã khiến hơn 380.000 người chết và hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn, đẩy quốc gia này rơi vào khủng hoảng nhân đạo trầm trọng.

OCHA dự báo 90% trong 3,4 triệu người dân tại khu vực Tây Bắc Syria sẽ phải đối mặt với các điều kiện sống cực đoan hoặc thảm khốc.

Tổ chức này cũng quan ngại về tình hình nhân đạo ngày càng xấu đi đối với 13,4 triệu người trong tổng số hơn 17,5 triệu dân tại Syria sau một thập kỷ xung đột, cũng như do khủng hoảng kinh tế và đại dịch COVID-19./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục