Ngày 22/10, Tổng thống Liban Michel Aoun đã chỉ định chính trị gia theo dòng Hồi giáo Sunni Saad al-Hariri làm Thủ tướng nước này để thành lập chính phủ mới nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay.
Trong tuyên bố, Thủ tướng Hariri cam kết thành lập một chính phủ kỹ trị theo sáng kiến của Pháp nhằm đưa đất nước ra khỏi cuộc khủng hoảng. Ông cho biết sẽ thành lập một nội các bao gồm các chuyên gia với nhiệm vụ cải cách kinh tế, tài chính và hành chính, đúng như lộ trình trong sáng kiến của Pháp.
Thủ tướng Liban nhấn mạnh sẽ nhanh chóng thành lập chính phủ bởi thời gian đang cạn dần, và đây là "cơ hội cuối cùng."
Thủ tướng Hariri đã nhận được đa số ủng hộ trong Quốc hội Liban sau các cuộc tham vấn với Tổng thống Aoun. Ông sẽ đối mặt với các thách thức lớn trong việc định hướng chính trị, thành lập nội các, giải quyết cuộc khủng hoảng ngân hàng, nội tệ mất giá, nghèo đói gia tăng và nợ công cao.
Chính phủ mới cũng sẽ phải ứng phó với dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và khắc phục hậu quả sau vụ nổ tại cảng Beirut vào tháng tám vừa qua.
[Liban: Thủ tướng từ chức do không thành lập được chính phủ mới]
Đây là lần thứ ba trong vòng chưa đầy một năm qua Tổng thống Aoun bổ nhiệm thủ tướng mới ở Liban, sau một loạt quyết định từ chức của người đứng đầu chính phủ trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế và vụ nổ ngày 4/8 vừa qua tại cảng ở thủ đô Beirut làm hơn 190 người thiệt mạng và ít nhất 6.500 người bị thương.
Thủ tướng mãn nhiệm Hasan Diab đã từ chức sau vụ nổ trên. Người kế nhiệm được chỉ định là ông Mustapha Adib cũng đã từ chức tháng trước do không thể đạt đồng thuận về thành phần chính phủ mới, trong đó đáng chú ý là việc bổ nhiệm bộ trưởng tài chính, người sẽ chịu trách nhiệm chính trong việc soạn thảo kế hoạch cứu trợ kinh tế.
Kể từ sau vụ nổ, các nước phương Tây cũng gia tăng sức ép, hối thúc lãnh đạo các đảng phái ở Liban cùng nhau đưa Liban ra khỏi cuộc khủng hoảng nghiêm trọng.
Từ khi kết thúc nội chiến năm 1975-1990, Liban áp dụng một hệ thống phân chia quyền lực giữa các sắc tộc. Theo đó, Tổng thống là tín đồ Công giáo Maronite, Thủ tướng là người Hồi giáo dòng Sunni, Chủ tịch Quốc hội là người Hồi giáo dòng Shi'ite.
Trong cơ quan lập pháp Liban có 18 sắc tộc tôn giáo chính thức được thừa nhận và 128 ghế nghị sĩ được chia đều giữa người Hồi giáo và Cơ đốc giáo./.