Tổng thư ký Liên hợp quốc kêu gọi quyên góp 10 tỷ USD cho Syria

Trong số 10 tỷ USD cần quyên góp, hơn 4 tỷ USD sẽ dành để viện trợ nhân đạo bên trong Syria và phần còn lại để hỗ trợ người tị nạn ở các nước láng giềng ở Trung Đông.
Người dân đi sơ tán để tránh xung đột bạo lực tại tỉnh Idlib, Syria. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Người dân đi sơ tán để tránh xung đột bạo lực tại tỉnh Idlib, Syria. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 30/3, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi quyên góp 10 tỷ USD giúp Syria và người tị nạn tại các nước láng giềng sau một thập kỷ xung đột cộng thêm tác động của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Trong thông điệp gửi tới hội nghị trực tuyến các nhà tài trợ quốc tế cho Syria lần thứ năm, Tổng thư ký Guterres cho biết: "Trong 10 năm qua, người dân Syria đã chứng kiến cảnh chết chóc, phá hủy, sơ tán và nghèo khổ. Và mọi chuyện đang ngày càng tồi tệ hơn. Hơn 13 triệu người đang cần được hỗ trợ khẩn cấp để sống sót trong năm nay, cao hơn 20% so với năm ngoái. Đa số người dân đang phải đối mặt với nạn đói."

Tổng thư ký Liên hợp quốc kêu gọi các nhà tài trợ "tăng cường các cam kết tài chính và nhân đạo."

Hội nghị do Liên hợp quốc và Liên minh châu Âu (EU) đồng tài trợ, thu hút sự tham gia của hơn 50 quốc gia và 30 tổ chức quốc tế. Trong số 10 tỷ USD đặt ra lần này, hơn 4 tỷ USD sẽ dành để viện trợ nhân đạo bên trong Syria và phần còn lại để hỗ trợ người tị nạn ở các nước láng giềng ở Trung Đông.

Đại diện Ngoại giao và An ninh cấp cao của EU Josep Borrell đã mở đầu các cam kết với thông báo rằng vào năm 2022, EU sẽ cung cấp 560 triệu euro (656 triệu USD) đã cam kết trong năm 2020. Ông Borrell kêu gọi "các cam kết hào phóng tại hội nghị lần này để chúng ta có thể chia sẻ phần nào với người dân Syria."

[EU: Cần gắn việc hỗ trợ tái thiết Syria với tiến trình chính trị]

Về phần mình, Mỹ thông báo sẽ cung cấp hơn 596 triệu USD. Đức cam kết 1,7 tỷ euro (2 tỷ USD). Ngoại trưởng Heiko Maas cho biết: "Không thể để thảm kịch ở Syria kéo dài thêm hàng chục năm nữa. Hãy chấm dứt điều đó bằng cách thắp lên hy vọng, bắt đầu với các cam kết của chúng ta tại đây."

Thụy Điển đã trở thành một trong những nhà tài trợ đầu tiên tăng cam kết của mình trong bối cảnh các nước trên khắp thế giới đều đang thiếu tiền để hỗ trợ nền kinh tế của chính mình bị dịch COVID-19 tàn phá.

Tổng thư ký Liên hợp quốc kêu gọi quyên góp 10 tỷ USD cho Syria ảnh 1Người dân đi sơ tán để tránh xung đột bạo lực tại tỉnh Hasakeh, Syria ngày 28/1/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong một thông báo riêng rẽ, phong trào Chữ thập Đỏ và Trăng lưỡi liềm Đỏ đã kêu gọi các nhà tài trợ giúp tái thiết Syria, đặc biệt là sửa sang lại các dịch vụ chăm sóc y tế, điện, nước đang xuống cấp nghiêm trọng ở nước này.

Theo EU, việc tái thiết các thành phố bị phá hủy sẽ cần thêm hàng tỷ USD và không thể bắt đầu chừng nào các nước liên quan đến xung đột (như Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran) chưa đạt được một giải pháp hòa bình.

Về phần mình, người đứng đầu Ủy ban Chữ thập Đỏ Quốc tế Peter Maurer cũng kêu gọi các cường quốc sớm đạt một thỏa thuận hòa bình.

Tình hình bạo lực tại Syria đã phần nào giảm bớt sau khi các lực lượng của Tổng thống Bashar al-Assad dưới sự hỗ trợ của Nga đã giành lại phần lớn đất nước. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 và sự mất giá của đồng nội tệ đã làm trầm trọng hơn tình trạng của hàng triệu người dân Syria trong nước và ở các nước láng giềng.

Trong một tuyên bố ngày 29/3, Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc phụ trách các vấn đề nhân đạo và điều phối cứu trợ khẩn cấp Mark Lowcock cho biết: "Các điều kiện sống ngày một thiếu thốn, kinh tế suy giảm và dịch bệnh... đang làm gia tăng nghèo đói, thiếu ăn và bệnh tật. Giao tranh đã giảm, nhưng vẫn chưa có hòa bình. Số người cần trợ giúp đang nhiều hơn bất cứ thời điểm nào trong cuộc xung đột này."

Theo số liệu của Liên hợp quốc, hơn 24 triệu người đang cần được hỗ trợ tại Syria và trong khu vực, tăng 4 triệu người so với năm 2020.

Xung đột trong một thập kỷ qua tại Syria đã cướp đi sinh mạng của hơn 388.000 người và khiến 6,7 triệu người phải tha hương tới những khu vực khác trong nước, trong khi 6,6 triệu người phải lánh nạn ra nước ngoài, chủ yếu là các nước láng giếng như Thổ Nhĩ Kỳ, Liban và Jordan./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục