Triều Tiên phóng các vật thể bay: "Nước cờ hiểm” của Bình Nhưỡng

Động thái của Triều Tiên được giới phân tích cho là nhằm phát đi nhiều thông điệp trong bối cảnh đàm phán hạt nhân bị đình trệ sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai.
Triều Tiên phóng các vật thể bay: "Nước cờ hiểm” của Bình Nhưỡng ảnh 1Tên lửa được phóng trong cuộc diễn tập của Triều Tiên hôm 10/5. (Ảnh: Reuters)

Trong vòng 5 ngày, Triều Tiên gây bất ngờ khi liên tiếp phóng các vật thể bay về phía biển Nhật Bản mà Hàn Quốc cho rằng có thể là tên lửa tầm ngắn, còn Mỹ nghĩ đó là tên lửa đạn đạo.

Vụ phóng chiều 9/5, các vật thể bay được các chuyên gia quân sự Hàn Quốc và Mỹ đánh giá là bay xa hơn lần phóng ngày 4/5, song đều rơi xuống biển mà không gây thiệt hại và cả hai lần Nhật Bản đều thông báo không đe dọa trực tiếp tới an ninh nước này.

Hai động thái quân sự liên tiếp này, cùng với tuyên bố của Triều Tiên về một cuộc diễn tập "tấn công tầm xa" và thử nghiệm “vũ khí chiến thuật có điều khiển loại mới” đã làm tình hình an ninh trên bán đảo Triều Tiên nóng lên sau một thời gian dài bình yên khi Bình Nhưỡng ngừng các vụ thử hạt nhân và tên lửa để tham gia các vòng đàm phán phi hạt nhân hóa.

Động thái của Triều Tiên được giới phân tích cho là nhằm phát đi nhiều thông điệp trong bối cảnh đàm phán hạt nhân bị đình trệ sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai.

Một mặt, đó là đòn gây sức ép đối với Mỹ, bày tỏ thái độ để hối thúc Mỹ có hành động cụ thể trong vấn đề đàm phán hạt nhân.

Với mục tiêu này, các hành động khiêu khích quân sự của Triều Tiên chỉ là một phần, bên cạnh việc gây sức ép ngoại giao khi Bình Nhưỡng củng cố mối quan hệ và phối hợp hành động với các đồng minh như Nga hay Trung Quốc.

[Lầu Năm Góc xác nhận Triều Tiên phóng nhiều tên lửa đạn đạo]

Mặt khác, Triều Tiên rõ ràng đang muốn phô trương sức mạnh, đang muốn thể hiện hình ảnh một đất nước có tiềm lực quân sự mạnh mẽ, có đủ khả năng đương đầu với các mối đe dọa từ bên ngoài.

Đây cũng là cách để nâng vị thế trên bàn thương lượng hạt nhân, đồng thời, với việc hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai không đạt thỏa thuận và hợp tác liên Triều đang có dấu hiệu gián đoạn, động thái này còn có thể coi là nhằm củng cố lòng tin của chính người dân Triều Tiên.

Sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã có những phát biểu nhấn mạnh sự tự lực về kinh tế, tăng cường sức mạnh quân sự và tìm kiếm sự trợ giúp của Nga như một lựa chọn nữa ngoài mối quan hệ “anh em” truyền thống với Trung Quốc.

Sau chuyến thăm của ông Kim Jong-un tới Nga, việc Triều Tiên liên tục tiến hành các vụ phóng vật thể bay có thể coi là "hành động gây hấn mức độ thấp” để buộc Mỹ và cả Hàn Quốc phải quan tâm tới những yêu cầu của Bình Nhưỡng.

Triều Tiên phóng các vật thể bay: "Nước cờ hiểm” của Bình Nhưỡng ảnh 2Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thị sát buổi diễn tập phóng thử nghiệm vũ khí chiến lược tại khu vực phía đông Triều Tiên ngày 4/5/2019. (Ảnh: YONHAP/TTXVN)

Theo giới phân tích, bằng cả hành động "bắt tay" với Nga hay thử nghiệm vũ khí, Triều Tiên muốn Mỹ biết rằng Bình Nhưỡng không hài lòng trước quan điểm cứng rắn của Washington về vấn đề phi hạt nhân hóa và sẽ không chịu khuất phục trước sức ép bên ngoài.

Đồng thời, với việc tiến hành phóng vật thể bay ngay sau khi giới chức Mỹ tới Hàn Quốc để thảo luận vấn đề Triều Tiên, Bình Nhưỡng cũng ngầm "đánh tiếng" với quốc gia láng giềng rằng Hàn Quốc cần thể hiện vai trò hơn nữa trong việc tháo gỡ bế tắc liên quan tới đàm phán hạt nhân.

Tuy nhiên, bằng việc phóng những vật thể bay khó xác định là gì và cũng không gây ảnh hưởng tới an ninh các quốc gia như Nhật Bản, động thái khiêu khích của Triều Tiên được cho là được tính toán để "có chừng mực," đủ để gây leo thang căng thẳng buộc cái bên phải quan tâm, song cũng không đẩy tình hình đi quá xa. Điều này cho thấy Bình Nhưỡng vẫn muốn tiếp tục đối thoại.

Giới quân sự Hàn Quốc cho rằng Triều Tiên có thể đã phóng tên lửa tầm ngắn. Các chuyên gia về vũ khí cho rằng có thể Triều Tiên đã thử loại tên lửa mới, dường như hiện đại hơn những thiết kế trước đây.

Không giống như các loại tên lửa tầm xa của Triều Tiên, tên lửa tầm ngắn này được cho là sử dụng nhiên liệu thể rắn, giúp Triều Tiên có thể phóng tên lửa nhanh chóng, khó bị phát hiện sớm và loại vũ khí này có thể hoạt động ở độ cao khó đánh chặn, bởi nó quá cao đối với hệ thống tên lửa đất đối không Patriot, nhưng lại quá thấp do với Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ.

Mỹ và Hàn Quốc rõ ràng đã cảm thấy hơi nóng cũng như sức ép của các vật thể bay cũng như vũ khí mà Triều Tiên tuyên bố thử nghiệm, song có vẻ mọi hành động của Triều Tiên đều không vượt qua “giới hạn đỏ.”

Mỹ và Hàn Quốc đều không thể chắc chắn các vật thể bay vừa được Triều Tiên phóng có vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hay không, bởi vậy không thể nói Bình Nhưỡng đã phá vỡ cam kết ngừng phóng tên lửa đạn đạo hay thử hạt nhân.

Bởi vậy mà Mỹ và Hàn Quốc cùng các bên liên quan đều phản ứng khá thận trọng với các động thái mới của Triều Tiên, đồng thời thể hiện quyết tâm không phá vỡ triển vọng đàm phán. Bên cạnh đó, ngay sau vụ phóng vật thể bay đầu tiên ngày 4/5, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khẳng định ông sẵn sàng gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un mà không cần điều kiện tiên quyết.

Có thể thấy, các bên đều đang cố gắng hạ thấp mức độ phản ứng trước những động thái mang tính khiêu khích của Triều Tiên, có thể để tránh bị kéo vào những tranh cãi gây gắt không có điểm dừng khiến mọi chuyện khó bề cứu vãn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục