Trung Quốc liệu đã đủ điều kiện để trở thành siêu cường?

Dù quốc gia này có nguồn ngân sách khổng lồ thì vẫn còn không ít thách thức ở trong nước, và nếu những thách thức này trở nên nghiêm trọng hơn, áp lực sẽ đè nặng lên tham vọng của ông Tập Cận Bình.
Trung Quốc liệu đã đủ điều kiện để trở thành siêu cường? ảnh 1Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Nguồn: THX/TTXVN)

Theo một bài viết trên trang mạng bloomberg.com, nhìn vào Mỹ, rõ ràng người ta thấy việc trở thành một cường quốc là rất tốn kém. Chi phí để duy trì một đội quân lớn, tiến hành các chiến dịch ngoại giao và cung cấp viện trợ cho các quốc gia bên ngoài sẽ càng khiến số tiền phải bỏ ra lớn hơn.

Trung Quốc càng nỗ lực bành trướng trên trường quốc tế, gánh nặng chi phí của họ sẽ càng tăng.

Dù cho quốc gia này có nguồn ngân sách khổng lồ thì vẫn còn đó không ít thách thức về kinh tế và tài chính ở trong nước, và nếu những thách thức này trở nên nghiêm trọng hơn, áp lực sẽ đè nặng lên tham vọng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Câu hỏi then chốt đối với Trung Quốc là họ muốn trở thành một cường quốc như thế nào?

Việc trở thành một cường quốc khu vực không giống với việc trở thành một cường quốc toàn cầu - khái niệm từng để chỉ Đế quốc Anh, Liên bang Xôviết và Mỹ.

Theo Alice Lyman Miller - học giả về Trung Quốc tại Viện Hoover, thuộc trường Đại học Stanford, từng là một nhà phân tích của CIA, “‘cường quốc’ là một quốc gia có khả năng thể hiện quyền lực và ảnh hưởng chi phối ở bất kỳ đâu trên thế giới, và đôi khi là vượt quá cả phạm vi của một khu vực ở một thời điểm nào đó, và có thể được công nhận địa vị bá chủ toàn cầu một cách thuyết phục.” 

Điều này cần tới sức mạnh thể hiện trên các phương diện như kinh tế, quân sự, và quyền lực mềm (như chính trị và văn hóa).

Tiềm lực kinh tế

Trung Quốc đã là một cường quốc kinh tế. Xét về sức mua tương đương, một dạng tính tỷ giá hối đoái giữa đơn vị tiền tệ của hai nước, cụ thể ở đây là đồng nhân dân tệ và đồng USD, Trung Quốc có thể được xem là đã vượt trội Mỹ.

Khoảng cách này ngày càng lớn nhất là bởi dân số Trung Quốc ngày càng tăng, dẫn tới lực lượng lao động làm ra sản phẩm tăng và số người tiêu dùng tăng. Dân số Trung Quốc cũng sẽ ngày càng giàu hơn.

Tuy nhiên, khi xét theo chỉ số GDP tính theo đồng USD, và không được điều chỉnh theo tỷ giá lạm phát hoặc sức mua tương đương, bức tranh rõ ràng lại khác.

Lực lượng lao động mạnh chính là bảo bối dẫn tới thành công vang dội của nền kinh tế này cho tới tận ngày nay. Tuy nhiên, vì “chính sách một con,” nguồn tăng trưởng này sẽ sớm chững lại.

Theo dự đoán của Liên hợp quốc, lượng dân số 1,4 tỷ người của Trung Quốc nhiều khả năng sẽ bắt đầu giảm mạnh vào sớm nhất là năm 2023.

Trung Quốc liệu đã đủ điều kiện để trở thành siêu cường? ảnh 2Hàng hóa được xếp tại cảng Dương Sơn, phía đông Trung Quốc ngày 25/7. (Ảnh: THX/TTXVN)

Để thúc đẩy các triển vọng dài hạn cho nền kinh tế và mở rộng ảnh hưởng của mình, Trung Quốc đã tiến hành chiến dịch đầu tư nước ngoài được xem là tham vọng nhất trong lịch sử.

Sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Chủ tịch Tập Cận Bình trải dài từ Trung Quốc tới Tây Âu và nhiều nơi trên thế giới, bao trùm nhiều vùng đất và vùng biển.

Sáng kiến này cũng có phần tương tự với những nguồn ngân sách viện trợ nước ngoài lớn của Washington, song nó còn có mang nhiều tham vọng hơn thế.

Sáng kiến này có khả năng tạo ra những nguồn thu dài hạn cho Trung Quốc, xây dựng các mối quan hệ và khiến nhiều lệ thuộc vào quốc gia này.

Ngay cả nếu giới lãnh đạo Trung Quốc thực tâm không muốn trở thành siêu cường thế giới tiếp theo, thì nhu cầu thúc đẩy và bảo vệ các khoản đầu tư ấy chắc chắn cũng sẽ đưa họ tới con đường này.

Sức mạnh quân sự

Dù phần lớn chưa được thực nghiệm, song quân đội Trung Quốc đã có những chuyển biến lớn từ sau khi tham gia Chiến tranh Việt Nam 1979.

Quân đội Trung Quốc đã được tái vũ trang, hoặc thậm chí là sao chép, phát triển và mua sắm nhiều tên lửa và các công nghệ do thám cần thiết để trở thành một siêu cường thế kỷ 21.

[Tiết lộ lớn nhất về sức mạnh quân sự Trung Quốc của Lầu Năm Góc]

Chi tiêu quốc phòng Trung Quốc hiện cao gấp 3 lần chi tiêu quốc phòng của Nga, và ngày càng thu hẹp khoảng cách với Mỹ.

Dù Trung Quốc vẫn chưa có được một hạm đội tàu sân bay và những trang thiết bị khác để phô trương sức mạnh tại mọi ngóc ngách trên thế giới, và vẫn chưa tự sản xuất được các động cơ máy bay tân tiến hàng đầu, song năng lực mà họ triển khai ở các khu vực lân cận đã buộc Mỹ phải thay đổi các tính toán ở vùng Biển Đông tranh chấp, cũng như phải chuẩn bị cho nguy cơ xung đột ở Đài Loan.

Trong một số lĩnh vực, chẳng hạn như xét về số lượng các thiết bị bay không người lái (UAV) mà nước này sở hữu hoặc xuất khẩu, Trung Quốc đã vượt Mỹ.

Hải quân Trung Quốc cũng đang trên đà phát triển nhanh chóng. Bằng việc tập trung vào những lĩnh vực như tàu ngầm tấn công và công nghệ tên lửa, Trung Quốc đã có thể thay đổi cán cân sức mạnh với Mỹ mà không tốn quá nhiều chi phí.

Tuy nhiên, xét về những khí tài lớn hơn, chẳng hạn như tàu sân bay, Trung Quốc vẫn còn một chặng đường dài phải đi.

Trung Quốc liệu đã đủ điều kiện để trở thành siêu cường? ảnh 3Binh sỹ Trung Quốc tham gia một cuộc diễn tập ở thành phố Thượng Hải. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hơn thế nữa, nhiều nền tảng mới của Trung Quốc chưa thể thử thách trong thực tế, khiến thực chất mối đe dọa mà Trung Quốc có thể đặt ra cho các tàu chiến và máy bay của Mỹ vẫn là điều chưa ai dám khẳng định.

Xét trên khía cạnh răn đe hạt nhân, Trung Quốc vẫn lép vế so với Nga hoặc Mỹ. Tuy nhiên, quốc gia này lại quan tâm tới việc phát triển các công nghệ mới, chẳng hạn như các tên lửa siêu thanh, trí thông minh nhân tạo và an ninh mạng hơn thay vì tìm cách chạy đua với các kho vũ khí hạt nhân có từ thời Chiến tranh Lạnh.

Xét về các căn cứ quân sự, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết họ hiện đang triển khai 516 cơ sở quân sự tại 41 quốc gia trên khắp thế giới, trong đó có 42 căn cứ cỡ vừa và cỡ lớn. Trong khi đó, Trung Quốc mới triển khai căn cứ chính thức ở nước ngoài đầu tiên tại Djibouti vào năm ngoái.

Tại biển Hoa Đông và Biển Đông, Trung Quốc có lợi thế sân nhà và đang từng bước tăng cường sự hiện diện ở Ấn Độ Dương.

Quyền lực mềm

Một khía cạnh để xác định vị thế siêu cường của Mỹ, nổi lên sau Chiến tranh Lạnh, chính là mạng lưới đồng minh rộng lớn mà quốc gia này thiết lập, từ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương gồm 29 thành viên cho tới Hiệp định Anzuz 1951 với Australia và New Zealand, hàng loạt thỏa thuận quân sự song phương với các nước như Nhật Bản và Hàn Quốc, hay liên minh chia sẻ thông tin tìn báo Five Eyes với Anh, Australia, Canada và New Zealand.

Trong khi đó, Trung Quốc không có nhiều đồng minh, dù là trong phạm vi châu Á.

Các chiến dịch gìn giữ hòa bình cũng là một cách chính đáng để các quốc gia mở rộng ảnh hưởng trên toàn cầu.

Từ một nước không hề đóng vai trò gì trong các chiến dịch gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc cách đây 20 năm, Trung Quốc ngày nay là nước có đóng góp quân số lớn nhất.

Trung Quốc cũng đóng góp hơn 10% ngân sách Liên hợp quốc, cao hơn mọi quốc gia và chỉ xếp sau Mỹ - nước chi trả tới 28,5% ngân sách.

Quyền lực mềm và chính trị phụ thuộc một phần vào việc một siêu cường có đội ngũ các nhà ngoại giao đủ sức truyền thông điệp trên khắp thế giới và thuyết phục các quốc gia khác phục vụ lợi ích của mình.

Thực tế con số những nhà ngoại giao được đánh giá cao của Trung Quốc không nhiều song đang dần gia tăng.

Ngân sách phục vụ các vấn đề đối ngoại dự kiến cũng sẽ tăng gấp đôi so với thời điểm Chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2013.

Tuy nhiên, con số khoảng 9,5 tỷ USD này vẫn thấp hơn khá nhiều so với chi tiêu của Mỹ, bất chấp việc Tổng thống Trump đã cắt giảm ngân sách của Bộ Ngoại giao, bao gồm cả các khoản chi cho USAID, từ 55,6 tỷ USD trong năm 2017 xuống còn 37,8 tỷ USD vào năm 2019 sắp tới.

Trong lĩnh vực văn hóa, Trung Quốc đã thiết lập các trung tâm Khổng tử trên khắp thế giới để truyền bá tư tưởng của mình.

Trung Quốc cũng khuyến khích du khách và sinh viên tới các quốc gia khác. Thực tế chính sách “nước Mỹ trên hết” của Mỹ đã giúp Trung Quốc có được “tấm vé miễn phí” để tự thể hiện mình là nhà lãnh đạo mới của tự do thương mại và mở cửa biên giới.

Dù vậy, xét ở góc độ ảnh hưởng về văn hóa, công bằng mà nói Trung Quốc vẫn chưa thể sánh bằng Mỹ. Điều này thậm chí cũng đúng ở các nước láng giềng giáp với Trung Quốc.

Xét về khía cạnh công nghệ, Chủ tịch Tập Cận Bình đã thúc đẩy sáng kiến “Sản xuất ở Trung Quốc 2025” với mục tiêu đánh bật Mỹ khỏi vị trí cường quốc công nghệ hàng đầu thế giới và có những dự định đầy tham vọng trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.

Tuy nhiên, việc lệ thuộc vào ngành sản xuất chip điện tử của Mỹ, cùng nhiều trở ngại khác, đồng nghĩa với việc Trung Quốc vẫn còn một khoảng cách rất dài để có thể đuổi kịp Mỹ.

Trung Quốc chắc chắn sẽ trở thành một trong những cường quốc hàng đầu thế giới, với ảnh hưởng to lớn có thể định hình thế kỷ 21. Tuy nhiên, khả năng Trung Quốc thay thế vị trí siêu cường của Mỹ vẫn là một dấu hỏi lớn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục