Trung Quốc 'trừng phạt' Litva: Lời cảnh cáo đối với châu Âu?

Giới phân tích cho rằng việc Bắc Kinh tạm ngừng quan hệ thương mại vốn đã hạn chế của họ với Litva, một quốc gia chưa đầy 3 triệu dân, chủ yếu là để phát đi lời cảnh báo đến phần còn lại của châu Âu.
Trung Quốc 'trừng phạt' Litva: Lời cảnh cáo đối với châu Âu? ảnh 1Quang cảnh bên ngoài Đại sứ quán Trung Quốc tại thủ đô Vilnius, Litva. (Ảnh: EPA-EFE/TTXVN)

Theo trang mạng theguardian.com, Trung Quốc dường như đang tận dụng thương mại như một vũ khí trong tranh chấp ngoại giao với Litva sau khi quốc gia vùng Baltic này đồng ý thiết lập các văn phòng ngoại giao với Đài Loan.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng việc Bắc Kinh tạm ngừng quan hệ thương mại vốn đã hạn chế của họ với Litva, một quốc gia chưa đầy 3 triệu dân, chủ yếu là để phát đi lời cảnh báo đến phần còn lại của châu Âu.

Việc Litva và Đài Loan đã đồng ý thiết lập các văn phòng đại diện ở hai bên là dấu hiệu cho thấy mối quan hệ song phương ngày càng sâu sắc. Phản ứng trước động thái này, Bắc Kinh đã triệu hồi đại sứ tại thủ đô Vilnius và trục xuất đại sứ Litva khỏi Bắc Kinh. Sau đó, Trung Quốc đã đình chỉ vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt đến Litva và được cho là đã tạm dừng cấp phép xuất khẩu cho các nhà sản xuất của nước này, bao gồm từ ngành nông nghiệp, chăn nuôi và gỗ.

Người đứng đầu Cơ quan thú y và thực phẩm nhà nước của Litva, Mantas Staskevicius, nói với tờ Baltic Times hôm 22/8 rằng các cuộc thảo luận với Trung Quốc về giấy phép xuất khẩu cho một số mặt hàng đã trở nên khó khăn hơn kể từ đầu năm, nhưng giờ đây họ đã dừng quá trình kiểm tra và cấp giấy chứng nhận mà không đưa ra giải thích.

Ông nói: “Cách đây một tháng, phía Trung Quốc đã liên lạc với chúng tôi và đưa ra danh sách một số trường hợp không tuân thủ, và một trong những nhà xuất khẩu bia của chúng tôi đã bị loại khỏi danh sách [các công ty] được phép cung cấp sản phẩm cho Trung Quốc."

Chiến thuật thương mại này tương tự những gì đã được sử dụng trong các cuộc tranh chấp trước đây giữa Trung Quốc với các nước như Australia, đặc biệt với hoạt động xuất khẩu than, rượu và thịt bò của nước này.

Tuy nhiên, Noah Barkin, chuyên gia về châu Âu và Trung Quốc tại nhóm nghiên cứu Rhodium cho rằng trong khi nền kinh tế của Australia phụ thuộc phần lớn vào Trung Quốc, thì thương mại của Litva với Trung Quốc là “không đáng kể."

Bất kỳ đòn bẩy kinh tế nào mà Trung Quốc có đều mang tính hạn chế, “nhưng bằng cách thực hiện các bước trả đũa, [Bắc Kinh] đang phát đi một thông điệp tới các nước khác rằng họ sẽ gánh chịu hậu quả nếu vượt qua ranh giới đỏ trong vấn đề Đài Loan."

[Gia tăng căng thẳng ngoại giao giữa Trung Quốc và Litva]

Litva không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan nhưng nước này duy trì quan hệ ngày càng thân thiện, bao gồm cả cam kết hỗ trợ vaccine cho Đài Loan. Litva là một nước lớn tiếng chỉ trích Trung Quốc, và đã rút khỏi cơ chế 17+1 giữa Trung Quốc và các nước Trung Đông Âu.

Liên minh châu Âu (EU) đã chỉ trích các hành vi vi phạm nhân quyền của Trung Quốc, nhưng vẫn hành động thận trọng. Các biện pháp trừng phạt ăn miếng trả miếng giữa hai bên đã dẫn đến việc đình chỉ thỏa thuận đầu tư Trung Quốc-EU hồi tháng 5/2021.

Giáo sư Steve Tsang, Giám đốc Viện SOAS Trung Quốc, nhận định: “Việc Bắc Kinh lợi dụng hành vi chèn ép đối với Litva có thể làm hoen ố hình ảnh và vị thế của Trung Quốc ở châu Âu và thế giới, và khó có thể đạt được mục tiêu mà họ đã đề ra, ít nhất là về yêu cầu Litva rút lại chính sách với Đài Loan.

Câu hỏi lớn là EU sẽ hậu thuẫn Litva đến mức nào trong vấn đề này? Trong bối cảnh một số quốc gia thành viên EU có quan hệ tốt với Trung Quốc, một mặt trận đoàn kết và mạnh mẽ do EU hậu thuẫn cho Litva sẽ không dễ xây dựng."

Các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng thể hiện quan điểm cứng rắn, với việc gọi Litva là một "kẻ lừa đảo", và đăng tải nhiều thông tin trong đó thổi phồng về mối quan hệ thương mại cũng như đe dọa chấm dứt mối quan hệ đó.

Hôm 22/8, tờ Thời báo Hoàn Cầu đã đăng một xã luận gây bức xúc kêu gọi chính phủ thực hiện kế hoạch cắt đứt quan hệ với Litva.

Tiến sỹ Andreas Fulda, thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu châu Á của Đại học Nottingham, cho rằng các kiểu tấn công như vậy đã được dự đoán trước. Ông nói: “Trong trường hợp không có đòn bẩy thực sự, Trung Quốc sẽ tiếp tục công kích chính phủ Litva thông qua tuyên truyền."

Hiện cũng có những yếu tố khác cần xem xét. Litva đang thúc đẩy quan hệ sâu sắc với Mỹ, quốc gia có mối quan hệ ngày càng thù địch với Trung Quốc (và cũng ngày càng ủng hộ Đài Loan). Mỹ đã cam kết hỗ trợ Litva chống lại “các hành động gây hấn đơn phương và sức ép chính trị của Trung Quốc."

Kitty Smyth, người đứng đầu công ty tư vấn Jingpinou của Anh, nhận định: “Các nhà lãnh đạo chính trị của Litva dường như đang đánh cược rằng họ sẽ có nhiều lợi ích hơn dưới sự bảo vệ của Mỹ. Có khả năng họ đã thảo luận với Ba Lan và Đức qua các kênh của EU trước khi đi đến kết luận đó."

Bộ Ngoại giao Litva sẽ không bình luận về việc Trung Quốc ngừng hoạt động thương mại hoặc những lý do đáng ngờ đằng sau nó.

Trong một tuyên bố, họ cho biết Litva “quyết tâm theo đuổi mối quan hệ cùng có lợi với Đài Loan giống như nhiều quốc gia khác trong EU và phần còn lại của thế giới. Chúng tôi hy vọng rằng các vấn đề gần đây trong quan hệ Litva và Trung Quốc sẽ được giải quyết bằng biện pháp ngoại giao dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và luật pháp quốc tế”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục